Vụ sữa giả: Hai công ty bị khởi tố không phải thành viên Hiệp hội Sữa Việt Nam

Thanh Hằng

Hiệp hội Sữa Việt Nam vừa có công văn gửi Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị tăng cường phòng chống các sản phẩm sữa giả. Đồng thời khẳng định, 2 doanh nghiệp sản xuất sữa giả không phải là thành viên của Hiệp hội Sữa Việt Nam.

Theo Hiệp hội Sữa Việt Nam, thời gian gần đây tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng dưới danh nghĩa sản phẩm sữa đang có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp và tinh vi, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, uy tín doanh nghiệp, cũng như niềm tin vào thị trường sữa nội địa.

Bộ Công an triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán sữa bột giả với số lượng cực lớn trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Bộ Công an triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán sữa bột giả với số lượng cực lớn trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Các sản phẩm sữa giả, sữa kém chất lượng đa phần tập trung vào nhóm sản phẩm dùng cho trẻ em, phụ nữ mang thai, người già, người có bệnh nền. Đồng thời, thường tiêu thụ thông qua các kênh phân phối trực tuyến như sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, phát trực tiếp (livestream) nói về sản phẩm... Những sản phẩm này được quảng cáo như "thần dược", nhằm đánh vào lòng tin của khách hàng, gây khó khăn cho việc kiểm soát, xử lý của các cơ quan chức năng.

Vừa qua, cơ quan công an khởi tố 2 doanh nghiệp sản xuất sữa giả có quy mô lớn là Công ty Cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group và Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma với 573 sản phẩm, giá trị hàng hóa lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Theo ông Trần Quang Trung - Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, 2 doanh nghiệp nêu trên không phải là thành viên của Hiệp hội sữa Việt Nam. Bên cạnh đó, ông Trung cũng cho rằng việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng sữa giả có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ em, phụ nữ mang thai, người già, người mắc bệnh nền...

"Sữa giả không đảm bảo chất lượng ảnh hưởng đến phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ em, gây nên tình trạng trầm trọng về sức khỏe đối với người có bệnh nền. Sữa giả không đảm bảo chất lượng, có thể chứa các thành phần độc hại, gây nên ngộ độc cấp tính hoặc mãn tính, giảm khả năng hấp thụ các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của cơ thể, khiến người tiêu dùng đối mặt với các vấn đề sức khỏe dài hạn", Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam nhấn mạnh.

Theo ông Trần Quang Trung, việc sản xuất kinh doanh sữa giả làm mất niềm tin của người tiêu dùng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp sản xuất sữa chân chính, ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành sữa Việt Nam.

Để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng cũng như quyền lợi các doanh nghiệp ngành sữa làm ăn chân chính, Hiệp hội sữa Việt Nam đề nghị Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan tiếp tục chỉ đạo tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, điều tra, phát hiện và triệt phá các đường dây, ổ nhóm sản xuất - buôn bán sữa giả, sữa kém chất lượng trên toàn quốc.

Hiệp hội sữa Việt Nam cam kết phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong việc cung cấp thông tin, hỗ trợ chuyên môn và tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của sữa giả./.