Quy định mới về đơn vị kiểm tra, xử lý các hành vi buôn lậu, hàng giả

Quang Hùng

Chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường thực hiện công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính; trực tiếp hoặc phối hợp kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm như buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại, vi phạm về giá, an toàn thực phẩm và quyền lợi người tiêu dùng.

Lực lượng QLTT kiểm tra hàng hóa lưu thông trên thị trường.
Lực lượng QLTT kiểm tra hàng hóa lưu thông trên thị trường.

Đó là một trong những nhiệm vụ của Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước theo Quyết định số 939/QĐ-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa ký ban hành.

Theo Quyết định trên, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước là tổ chức trực thuộc Bộ Công Thương, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương quản lý nhà nước về thương mại, thị trường trong nước và giá theo quy định của pháp luật.

Đó là tổ chức thực thi pháp luật về phòng, chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các hành vi gian lận thương mại theo quy định pháp luật.

Cụ thể, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước thực hiện các nhiệm vụ, tham mưu xây dựng và trình Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển thương mại, thị trường trong nước; xây dựng quy định về mô hình tổ chức thị trường, phương thức giao dịch, loại hình kinh doanh thương mại hiện đại và quản lý hoạt động phân phối hàng hóa.

Đồng thời, triển khai, giám sát thực hiện các chính sách sau khi được phê duyệt; thực hiện cấp, sửa đổi, thu hồi các loại giấy phép kinh doanh hàng hóa có điều kiện như thuốc lá, rượu, xăng dầu, khí; cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và quản lý hoạt động của Sở giao dịch hàng hóa.

Bên cạnh đó, điều tiết lưu thông hàng hóa, bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường và giá cả; là đầu mối tham mưu quản lý giá một số mặt hàng quan trọng (như xăng dầu, sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi); xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý giá và phát triển thị trường trong nước.

Xây dựng, trình ban hành các quy định về tổ chức, hoạt động và chế độ chính sách đối với lực lượng quản lý thị trường; đề xuất các quy định về kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong thương mại.

 

Từ tháng 10/2018 đến nay, toàn lực lượng Quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra 665.168 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 417.604 vụ vi phạm, chuyển cơ quan tiến hành tố tụng 911 vụ để xem xét, khởi tố hình sự.

Tổng số tiền xử lý vi phạm 5.542 tỷ đồng, trong đó thu nộp ngân sách nhà nước 3.376 tỷ đồng; trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, chuyển giao trị giá lên tới hơn 2.166 tỷ đồng.