Hoàn thuế GTGT cho người nước ngoài:

Vướng ở doanh nghiệp bán hàng hoàn thuế

Theo baohaiquan.vn

Qua một thời gian chính thức triển khai hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang theo khi xuất cảnh theo Thông tư 72/2014/TT-BTC, Hải quan một số tỉnh, thành phố triển khai chương trình nhận định, các vướng mắc đều xuất phát từ khâu DN bán hàng hoàn thuế.

Khách nước ngoài hoàn thuế GTGT tại sân bay quốc tế Nội Bài. (Ảnh: Ngọc Linh).
Khách nước ngoài hoàn thuế GTGT tại sân bay quốc tế Nội Bài. (Ảnh: Ngọc Linh).

Nếu coi chương trình hoàn thuế GTGT cho hàng hóa của khách nước ngoài mang theo khi xuất cảnh là một chu trình khép kín thì những DN bán hàng hoàn thuế chính là “cửa vào” của chu trình này. Chính “cửa vào” sẽ quyết định đến hiệu quả của chương trình hoàn thuế. Thế nhưng "cửa vào" này lại đang gây khó cho khách hàng.

Theo đại diện Cục Hải quan TP.HCM, một số DN bán hàng hoàn thuế GTGT cho người nước ngoài khi lập hóa đơn GTGT kiêm tờ khai hoàn thuế thường ghi thông tin chưa đầy đủ, ví dụ như quần áo ghi chung chung, thiếu nhãn hiệu, mã ký hiệu… Việc ghi thiếu này dẫn đến khó khăn cho cơ quan Hải quan trong việc đối chiếu hàng hóa thực tế được hoàn thuế GTGT với hóa đơn do đơn vị bán hàng lập.

Cũng gặp vướng mắc về việc lập hóa đơn GTGT của DN để hoàn thuế, đại diện Cục Hải quan Hà Nội phản ánh, hiện nay hầu hết các DN bán hàng hoàn thuế đều chưa tham dự vào hệ thống hoàn thuế điện tử nên các công chức Hải quan phải thực hiện các bước nhập chứng từ, mã hàng… bằng phương pháp thủ công gây mất thời gian và dễ dẫn đến sai sót.

Bên cạnh đó, đại diện này cũng cho biết, cách ghi mã hàng thể hiện trên tờ hóa đơn GTGT để hoàn thuế chưa thể hiện thống nhất, một số trường hợp hóa đơn có nội dung không rõ ràng, trên hóa đơn DN cũng không đề số điện thoại liên hệ, hoặc có nhưng không đúng nên công chức Hải quan không thể liên hệ với DN để xác nhận lại nội dung của hóa đơn. Điều này khiến cho công tác kiểm tra hàng hóa hoàn thuế gặp nhiều khó khăn.

Theo phản ánh của Cục Hải quan Đà Nẵng, trong quá trình triển khai hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang theo khi xuất cảnh, đơn vị đã gặp khó khăn trong việc xác định DN bán hàng hoàn thuế khi kiểm tra hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế GTGT, dẫn đến mất thời gian trong giải quyết thủ tục hoàn thuế GTGT cho người nước ngoài xuất cảnh vì có trường hợp Danh sách DN bán hàng hoàn thuế” chưa được cập nhật trên trang thông tin điện tử của một số Cục thuế tỉnh, thành phố.

Không chỉ có thế, tại Đà Nẵng đã gặp trường hợp một số hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế GTGT do khách xuất cảnh xuất trình không có dấu tròn mực đỏ của DN bán hàng, khiến cho Hải quan gặp khó trong việc giải quyết hoàn hay không hoàn thuế, bởi tại Thông tư 72/2014/TT-BTC chưa quy định rõ điều này.

Cũng về vấn đề hóa đơn hoàn thuế, tại Cục Hải quan Khánh Hòa gặp vướng mắc trong việc tra cứu thông tin trên hóa đơn do DN cập nhật và xuất trình với cơ quan Hải quan so với thông tin trên hóa đơn DN báo cáo quyết toán với cơ quan Thuế nội địa lại chưa được hỗ trợ quản lý bằng phương thức điện tử, trong khi đó, tại Khoản 5 Điều 18 Thông tư 72/2014/TT-BTC đã quy định rõ: “Việc cập nhật thông tin trên hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế do DN bán hàng hoàn thuế lập và cập nhật vào hệ thống quản lý hoàn thuế GTGT cho người nước ngoài theo phương thức điện tử”. Vì vậy, cơ quan Hải quan phải cập nhật từng mã hàng trên tờ khai kiêm hóa đơn hoàn thuế thay cho DN, điều này đã gây khó khăn trong việc tra cứu thông tin của cơ quan Hải quan, đồng thời mất rất nhiều thời gian trong khâu xử lý hoàn thuế GTGT cho người nước ngoài.

Từ những vướng mắc trên, Hải quan TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa đề xuất, Tổng cục Hải quan cần trao đổi với Tổng cục Thuế hướng dẫn DN cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu về hoàn thuế GTGT cho người nước ngoài của cơ quan Hải quan để việc tra cứu được thuận tiện, không phải khai thác thêm trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Thuế. Đồng thời, cần quy định rõ hơn quyền và nghĩa vụ của DN tham gia bán hàng hoàn thuế, cần có chế tài xử lý đối với trường hợp DN không tham gia cập nhật thông tin gửi đến cơ quan Hải quan để có cơ sở xử lý trước khi chuyển sang cơ quan Thuế.

Bên cạnh đó, Hải quan TP. HCM cũng đề xuất, Tổng cục Hải quan cần cụ thể hàng hóa được hoàn thuế GTGT là hàng mới hay đã qua sử dụng, tránh trường hợp lợi dụng kẽ hở, hành khách có hàng đưa về Việt Nam khi nhập cảnh, móc nối với đơn vị bán hàng để có hóa đơn hoàn thuế GTGT. Hiện nay việc kiểm tra thực tế hàng hóa có giá trị lớn của các thương hiệu nổi tiếng như: Đồng hồ Rolex, Catier… túi xách Hermes, Chanel… cơ quan Hải quan rất khó xác định hàng hóa khi hành khách xuất cảnh là hàng thật hay hàng giả.

Cũng đã có trường hợp hàng hóa hoàn thuế khi xuất trình có dấu hiệu đã qua sử dụng, hàng không còn nguyên nhãn mác, không có vỏ hộp đi kèm, đã được hành khách sử dụng. Tuy nhiên, hồ sơ và hàng hóa do hành khách xuất trình đã đáp ứng đủ tiêu chí được hoàn thuế GTGT nên cơ quan Hải quan vẫn phải thực hiện hoàn thuế GTGT cho hành khách.

Theo đó, Hải quan TP.HCM đề xuất, hàng hóa được hoàn thuế GTGT phải là hàng nguyên đai, nguyên kiện, chưa qua sử dụng, mới 100% và đơn vị bán hàng phải thể hiện đầy đủ các thông tin về hàng hóa trên hóa đơn để công chức hải quan đối chiếu, xác nhận đúng với thực tế hàng hóa do hành khách xuất cảnh xuất trình.

Có thể thấy, trong quy trình hoàn thuế GTGT cho khách nước ngoài, cho dù các khâu cơ sở hạ tầng, đầu tư công nghệ, tuyển chọn ngân hàng thực hiện hoàn thuế, xây dựng quy trình thủ tục hải quan thuận lợi và nhanh chóng đến đâu… nhưng khâu DN bán hàng không tốt sẽ làm ảnh hưởng cả chương trình. Vì vậy, để chương trình này thành công, bên cạnh những công tác khác thì việc tuyển chọn mở rộng hơn mạng lưới DN, hướng dẫn và quản lý các DN bán hàng hoàn thuế là rất quan trọng.

Hiện khách du lịch nước ngoài mang hàng hóa đi khi xuất cảnh qua 5 sân bay quốc tế (Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc) và 4 cảng biển quốc tế (Khánh Hội, Đà Nẵng, Nha Trang, Côn Đảo) sẽ được hoàn thuế GTGT.

Theo quy định hiện hành tại Thông tư 72/2014/TT-BTC, DN tham gia bán hàng thí điểm hoàn thuế GTGT là những DN được Tổng cục Thuế lựa chọn và cấp chứng nhận. Các DN này phải có trách nhiệm đăng ký bán hàng đúng địa chỉ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đăng ký bán hàng thí điểm; trưng biển thông báo bán hàng thí điểm hoàn thuế GTGT bằng tiếng Việt và tiếng Anh; phải gỡ bỏ thông báo khi chấm đứt hoạt động…