“Vượt thu ngân sách là điểm sáng thu- chi ngân sách năm 2015“
Báo cáo đánh giá bổ sung tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2015 của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày tại phiên họp thứ 46 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, điểm sáng trong thu-chi ngân sách Nhà nước năm 2015 là kết quả vượt thu ngân sách.
Dự toán thu ngân sách Nhà nước Quốc hội quyết định là 911,1 nghìn tỷ đồng, nhưng kết quả thực hiện đạt tới 996,87 nghìn tỷ đồng, tăng 85,77 nghìn tỷ đồng, tương đương 9,4% so với dự toán.
Dự toán bội chi ngân sách Nhà nước năm 2015 Quốc hội quyết định đầu năm là 226.000 tỷ đồng, bằng 5,0% GDP. Sau khi được bổ sung 30.000 tỷ đồng giải ngân vốn ODA vượt thêm theo Nghị quyết Quốc hội, bội chi ngân sách Nhà nước điều chỉnh là 256.000 tỷ đồng, bằng 5,71% GDP. Như vậy, bội chi ngân sách Nhà nước năm 2015 vẫn nằm trong phạm vi dự toán điều chỉnh.
Theo Bộ Tài chính, sự phục hồi của thị trường bất động sản là điều kiện quan trọng để các địa phương làm tốt hơn công tác đấu giá đất, thu tiền sử dụng đất và đẩy mạnh thu hồi tiền nợ đọng từ các dự án bất động sản. Các cơ quan thuế cũng quyết liệt triển khai các giải pháp quản lý thu, kiểm soát chặt chẽ nguồn thu, bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời các khoản phát sinh từ hoạt động của nền kinh tế; đồng thời tập trung đôn đốc xử lý nợ đọng thuế và các khoản kiến nghị truy thu qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán… Nhờ vậy, thu từ nội địa được bảo đảm, bù đắp được khoản hụt thu do giá dầu thế giới giảm mạnh và liên tục duy trì ở mức giá rất thấp.
Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, năm 2015 có ý nghĩa to lớn và quan trọng vì là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 5 năm 2011-2015, cũng là năm tạo nền tảng cơ bản cho giai đoạn tiếp theo (2016-2020). Vì vậy những kết quả đạt được trong thực hiện ngân sách nhà nước năm 2015 cũng có ý nghĩa khép lại kế hoạch ngân sách nhà nước 5 năm, biểu hiện rõ nét những thành tựu đạt được cũng như những mặt còn hạn chế của chính sách tài khóa trong giai đoạn này, đồng thời cũng thể hiện những xu hướng ở giai đoạn tiếp theo...
Đáng chú ý, Ủy ban Tài chính- Ngân sách cho rằng, thu NSNN đã giảm bớt yếu tố phụ thuộc bên ngoài, tỷ trọng thu nội địa có xu hướng tăng ổn định (năm 2015, thu nội địa đạt khoảng 74,2% tổng thu NSNN). Song tỷ lệ huy động vào NSNN từ GDP trong những năm gần đây có xu hướng giảm nhanh so với giai đoạn trước, do vậy, Ủy ban Tài chính- Ngân sách đề nghị cần lưu ý để có biện pháp kịp thời, giữ mức thu ổn định để bảo đảm cân đối ngân sách nhà nước trong 5 năm tiếp theo.
Về chi đầu tư phát triển, theo Ủy ban Tài chính- Ngân sách, những năm gần đây đã được thực hiện theo hướng phân bổ tập trung, chống dàn trải, giảm hẳn tình trạng đầu tư mới ồ ạt, công trình xây dựng dở dang kéo dài gây lãng phí… Việc giảm đầu tư XDCB từ nguồn NSNN đi đôi với thúc đẩy các hình thức hợp tác công - tư PPP, BOT, tăng cường quản lý việc sử dụng vốn vay ODA.
Ủy ban TCNS cho rằng, với nguồn vốn ngân sách hạn hẹp hiện nay, việc kêu gọi các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách, đặc biệt là mô hình hợp tác công tư (PPP) và việc giảm sử dụng vốn vay ODA để cấp phát, tăng mức cho vay lại được xem là giải pháp hiệu quả. Tuy nhiên, cần có biện pháp hiệu quả hơn để huy động các nguồn vốn ngoài NSNN đi đôi với việc tăng cường quản lý các dự án chi đầu tư phát triển từ nguồn PPP và dự án sử dụng vốn vay ODA, dự án BOT, vừa nâng cao hiệu quả, vừa đẩy nhanh tiến độ giải ngân, tránh những hệ lụy về mặt kinh tế, xã hội, ảnh hưởng đến đời sống dân cư và cân đối NSNN.
Về chi thường xuyên, ghi nhận những cố gắng lớn từ phía Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban Tài chính- Ngân sách cho rằng, chi thường xuyên đã được thực hiện tiết kiệm tối đa. Nghị quyết về dự toán NSNN của Quốc hội hàng năm đều quy định theo hướng yêu cầu tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên của từng bộ, ngành, địa phương; giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết; hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài, hạn chế mua sắm ô tô và trang thiết bị đắt tiền…
"Quá trình thực hiện cho thấy, quy định này đã đi vào cuộc sống và mang lại hiệu quả nhất định", Ủy ban Tài chính- Ngân sách nhận định. Tuy nhiên, theo cơ quan này, tỷ trọng chi thường xuyên từ NSNN ngày càng lớn, việc chi vượt dự toán vẫn thường xuyên xảy ra ở nhiều lĩnh vực, đơn vị, nên Chính phủ cần có sự nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng hơn, cân đối giữa các nhiệm vụ chi, đề xuất các nguyên tắc, tiêu chí, định mức chi thường xuyên trong giai đoạn tới để phù hợp với khả năng đáp ứng của nguồn thu NSNN.
Với thực trạng tốc độ tăng chi cao hơn tốc độ tăng thu, dẫn đến bội chi NSNN vẫn ở mức cao, cân đối NSNN ngày càng khó khăn là tất yếu, Ủy ban Tài chính- Ngân sách cho rằng, mặt tích cực trong cân đối NSNN trong những năm gần đây là đã giảm những khoản nợ của NSNN (như nợ quỹ hoàn thuế đã được xử lý dứt điểm, nợ cấp bù lãi suất và phí quản lý của Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội đã được giảm, các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản được xử lý theo lộ trình…).
Bên cạnh đó, trong năm 2015, trước yêu cầu thực tế thị trường trong nước, Chính phủ đã trình Quốc hội cho phép đa dạng hóa kỳ hạn TPCP để tăng khả năng huy động vốn, nhờ đó, đã hoàn thành nhiệm vụ phát hành TPCP được giao. Tuy nhiên, theo cơ quan giám sát tài chính- ngân sách của Quốc hội, thực tế trong cân đối NSNN đã phát sinh nhiều khó khăn về huy động vốn, nhất là vốn TPCP dài hạn, đòi hỏi Chính phủ phải có chiến lược dài hạn trong việc huy động, quản lý, sử dụng và kế hoạch vay, trả nợ của Chính phủ nhằm tạo điều kiện và dư địa thuận lợi, giảm áp lực cạnhtranh về nguồn lực, lãi suất cho doanh nghiệp và các thành phần kinh tế có khả năng tiếp cận với tín dụng, vốn cổ phần để phát triển sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn.
Về thu NSNN, tại kỳ họp thứ 10, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội đánh giá thu NSNN năm 2015 vượt khoảng 16,4 nghìn tỷ đồng, trong đó NSTW hụt khoảng 31,3 nghìn tỷ đồng, NSĐP tăng khoảng 47,7 nghìn tỷ đồng. Kết quả đánh giá bổ sung cho thấy, tổng thu NSNN năm 2015 vượt dự toán 85,77 nghìn tỷ đồng dự toán, tăng 69,37nghìn tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội. Thu NSTW chỉ hụt dự toán khoảng 2,26 nghìn tỷ đồng và có 5 địa phương hụt thu cân đối NSĐP khoảng 1,4 nghìn tỷ đồng.
Về chi NSNN, theo báo cáo bổ sung của Chính phủ, về cơ bản, việc bố trí, cân đối NSNN đã đảm bảo hoạt động của bộ máy nhà nước, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế -xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội. Trong đó, chi đầu tư phát triển tăng 21,5% so với dự toán đầu năm và tăng 33,66 nghìn tỷ đồng so với số báo cáo Quốc hội, chủ yếu do tăng giải ngân 30 nghìn tỷ đồng bổ sung kế hoạch vốn ODA; chi thường xuyên tăng 1,7% so với dự toán, tăng 528 tỷ đồng so với số báo cáo Quốc hội; đặc biệt, chi từ nguồn vượt thu NSNN tăng 69,37 nghìn tỷ đồng.
Về bảo đảm cân đối NSNN, tại kỳ họp thứ 10, Chính phủ đã trình và được Quốc hội quy định tại Nghị quyết về Dự toán NSNN năm 2016 về việc thực hiện một số giải pháp cân đối NSNN, bao gồm: Đa dạng hóa kỳ hạn TPCP; bổ sung 30.000 tỷ đồng vốn ODA ước giải ngân tăng so với kế hoạch vào dự toán chi đầu tư phát triển năm 2015; cho phép sử dụng không quá 10.000 tỷ đồng tiền bán cổ phần sở hữu của nhà nước để chi đầu tư phát triển; thực hiện đa dạng hóa kỳ hạn trái phiếu Chính phủ và phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế để cơ cấu lại nợ trong nước của Chính phủ...
Tại báo cáo bổ sung, Chính phủ đã bổ sung số thực hiện vốn ODA tăng 30.000 tỷ đồng, tăng bội chi NSNN lên mức 6,11% GDP (bội chi dự toán là 5,0%GDP). Đối với khoản 10 nghìn tỷ đồng tiền bán cổ phần sở hữu nhà nước tại một số doanh nghiệp chưa phải sử dụng đến trong năm 2015, Ủy ban Tài chính- Ngân sách cơ bản đồng tình với đề xuất chuyển nguồn sang năm 2016 của Chính phủ, tuy nhiên, cơ quan này đề nghị chỉ sử dụng để cân đối, đáp ứng nhiệm vụ chi đầu tư phát triển theo tinh thần Nghị quyết số 99/2015/QH13 của Quốc hội.