Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Chốt mức chi đầu tư nhưng có chốt được giá dầu?
Lần đầu tiên được xây dựng để trình ra Quốc hội, các kế hoạch tài chính công trung hạn, kế hoạch đầu tư công trung hạn đã thu hút nhiều ý kiến thảo luận tại phiên họp củaỦy ban Thường vụ Quốc hội chiều 7/3.
Nhu cầu đầu tư vượt quá khả năng đáp ứng
Đánh giá về dự kiến kế hoạch đầu tư phát triển giai đoạn 2016 – 2020,Ủy ban Tài chính ngân sách (UBTCNS) cho rằng, việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn theo quy định của Luật Đầu tư công là bước tiến quan trọng, là căn cứ pháp lý cho việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020.
Theo báo cáo của Chính phủ, dự kiến tổng vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN giai đoạn 2016 – 2020 là 1.846 nghìn tỷ đồng. Nếu tính cả 260 nghìn tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ, con số này vào khoảng 2.106 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, về con số này, UBTCNS cho rằng tổng mức đầu tư mới chỉ mang tính định hướng, chưa cụ thể, rõ ràng, chưa thống nhất về số liệu. Tại báo cáo của Chính phủ, các dự án quan trọng quốc gia mới chỉ dừng ở việc nêu khái quát về dự án, chưa có số liệu chi tiết về nhu cầu vốn, dự kiến bố trí cho từng năm và cho cả giai đoạn; chưa có danh mục dự án và mức vốn bố trí cụ thể cho từng dự án, so sánh giữa nhu cầu vốn đầu tư và khả năng đáp ứng thực tế của từng vùng, miền, địa phương, lĩnh vực,... dẫn đến thiếu căn cứ để xem xét, quyết định. Do đó, UBTCNS đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện, bổ sung đầy đủ các nội dung theo quy định tại Điều 52 Luật Đầu tư công để trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Đồng thời, cơ quan thẩm tra của Quốc hội cũng cho rằng, nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2016 - 2020 là rất lớn, vượt quá khả năng cân đối nguồn lực. Do đó, cần xác lập trật tự ưu tiên, thu hẹp định hướng đầu tư đối với các ngành, lĩnh vực, phù hợp với khả năng cân đối vốn; lựa chọn danh mục dự án và dự kiến mức vốn bố trí cụ thể cho các dự án…
Đầu tư công phải dựa trên kế hoạch tài chính
Phát biểu tại UBTVQH về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết nhu cầu đầu tư phát triển của đất nước thời gian tới là rất lớn. Mức dự kiến đầu tư trên là không cao và đã được tính toán dựa trên các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội 5 năm tới.
“Nếu bội chi giảm được thì tốt, nhưng đất nước đang phát triển, nhu cầu đầu tư rất lớn, nên rất cần phải chi tiêu”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói và cho rằng, các điều kiện cần thiết để thông qua kế hoạch đã hoàn thành, do vậy ông “tha thiết” đề nghị Quốc hội thông qua kế hoạch này.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến thảo luận băn khoăn về tổng mức đầu tư, bởi con số này còn phụ thuộc vào ngân sách hàng năm, trong khi có rất nhiều yếu tố rủi ro có thể tác động đến tình hình ngân sách, đặc biệt trong bối cảnh nợ công đã ở mức cao, bội chi theo định hướng sẽ phải giảm dần trong những năm tới.
Theo Chủ nhiệm UBTCNS Phùng Quốc Hiển, kế hoạch tài chính phải được quyết định tương đối chính xác rồi mới quyết được đầu tư công. Dù Quốc hội chỉ quyết định tổng mức đầu tư, nhưng phải có danh mục, số liệu cụ thể để chứng minh thì Quốc hội mới có thể bấm nút thông qua.
“Tài chính là phải cụ thể, không thể chung chung, đây là chuyện đồng tiền bát gạo”, ông Phùng Quốc Hiển nói.
“Phân bổ dễ hơn kiếm tiền”
Đây cũng là sự băn khoăn của Bộ trưởng Bộ Tài chính, bởi theo ông, công tác dự báo của chúng ta còn nhiều vấn đề, tình hình kinh tế vẫn đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, do đó kế hoạch đưa ra chỉ nên mang tính định hướng thay vì chốt cứng số liệu.
“Có thể chốt tổng mức đầu tư 2,1 triệu tỷ đồng, nhưng chúng ta có chốt được giá dầu ở mức 45 USD/thùng, GDP ở mức 31 triệu tỷ đồng (theo kế hoạch) hay không?”,Bộ trưởngĐinh Tiến Dũng đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, nếu giá dầu giảm 5 USD/thùng, ngân sách sẽ giảm thu 45.000 tỷ đồng. Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta hầu như không thể điều chỉnh chính sách để tăng thu được nữa, chưa kể tác động giảm thu từ các lộ trình hội nhập.
Do vậy, ông đề nghị không nên chốt mức đầu tư cho 5 năm tới, mà nên theo kinh nghiệm quốc tế là chỉ tính mức chính xác cho năm 2016, các tính toán cho năm tiếp theo sẽ là định hướng.
Lắng nghe các ý kiến, quan điểm được trình bày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: Mặc dù công tác lập kế hoạch phân bổ sao cho hiệu quả, hợp lý là rất quan trọng nhưng phải dựa vào việc có tiền để phân bổ hay không. “Quan trọng nhất là có tiền mà bỏ vào không? Phân bổ bao giờ cũng dễ hơn kiếm tiền”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Do còn một số vấn đề chưa được làm rõ, trong khi thời gian từ nay đến kỳ họp 11 của Quốc hội không nhiều, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu hoàn thiện thêm các kế hoạch trung hạn để trình Quốc hội khoá XIV thông qua tại kỳ họp thứ 2 vào cuối năm, thay vì tại kỳ họp tháng 3 này như dự kiến ban đầu.