WB ngừng hỗ trợ tài chính đối với hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí
Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ chấm dứt các hỗ trợ tài chính đối với hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí từ sau năm 2019, nhằm đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng do biến đổi khí hậu.
Hiện tại, WB đã ngừng cho các nhà máy điện than vay từ năm 2010 nhưng đã chịu áp lực từ các nhóm vận động hành lang để dành khoảng nửa tỷ đô la Mỹ (khoảng 750 triệu USD) mỗi năm cho vay dầu khí ở các nước đang phát triển.
Phía WB khẳng định, họ cần phải thay đổi cách thức hoạt động trong “một thế giới thay đổi nhanh chóng” và đến năm 2020 sẽ có 28% khoản cho vay để đối phó với thách thức của biến đổi khí hậu. Hiện tại, có 1-2% danh mục đầu tư trị giá 280 tỷ USD của ngân hàng này được thực hiện bởi các dự án dầu khí.
Trong một số trường hợp đặc biệt, WB sẽ xem xét việc cho vay với các dự án dầu khí ở các nước nghèo nhất, nhưng chỉ với mục tiêu giúp người nghèo tiếp cận năng lượng và không mâu thuẫn với cam kết cắt giảm khí nhà kính đã được thực hiện theo thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.
Tuyên bố trên được đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh Paris ngày 12/12 do Tổng thống Pháp Emmaunuel Macron tổ chức với sự đồng chủ trì của Chủ tịch WB Yim Yong Kim, Tổng Thư ký Liên Hiệp quốc Antonio Guterres trong bối cảnh đánh dấu hai năm ký kết Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Các chuyên gia nghiên cứu cho rằng, tuyên bố này của WB có ý nghĩa lịch sử. Theo đó, đã đến lúc các tổ chức, các quốc gia, các nhà đầu tư và từng cá nhân đang thực hiện Thỏa thuận Paris phải ngừng sử dụng các nhiên liệu hóa thạch.
Theo kế hoạch, các doanh nghiệp cam kết sử dụng các báo cáo tài chính để tiết lộ trực tiếp hoặc gián tiếp sự liên quan đối với tình trạng nóng lên toàn cầu. Các ngân hàng có nghĩa vụ phải thông báo với các doanh nghiệp đã cho bao nhiêu doanh nghiệp vay với các rủi ro liên quan đến khí hậu.
Có 20 trong số 30 ngân hàng có hệ thống quan trọng toàn cầu và 8 trong số 10 nhà quản lý tài sản lớn nhất và các công ty bảo hiểm hàng đầu đã cam kết thông báo cho nhà đầu tư. Các công ty xây dựng hàng đầu thế giới, các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, giao thông vận tải, khai khoáng và năng lượng cũng đã tham gia ký cam kết.
Như vậy, các thị trường cần có thông tin đúng đắn để nắm bắt cơ hội và giảm nhẹ rủi ro từ quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải các bon thấp.
Hiện nay, trong số các trung tâm tài chính lớn trên thế giới, London đã phát hành trái phiếu xanh với hơn 40 loại tiền tệ khác nhau như một nỗ lực để ứng phó với các vấn đề của biến đổi khí hậu.