WSJ: Lạm phát dâng cao khắp nơi làm tăng nỗi lo về khủng hoảng tài chính tái diễn

Theo Trung Mến/bizlive.vn

Việc lạm phát trở lại, giống như cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, cuối cùng sẽ có thể thay đổi căn bản tư duy cũng như ưu tiên của các nhà hoạch định chính sách kinh tế.

Ảnh: Bloomberg
Ảnh: Bloomberg

Việc khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng phát cách đây 14 năm và lạm phát tăng mạnh trong năm vừa qua đã khiến nhiều chuyên gia ngạc nhiên. Tất cả đều bắt đầu từ Mỹ và sau đó lây lan mạnh ra toàn cầu. Nỗi lo về khủng hoảng tài chính đang được nhiều người tính đến sau loạt diễn biến mới đây, theo nội dung bài đăng mới đây trên Wall Street Journal.

Việc lạm phát trở lại, giống như cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, cuối cùng sẽ có thể thay đổi căn bản tư duy cũng như ưu tiên của các nhà hoạch định chính sách kinh tế. Đây cũng là nội dung chính trong bài phát biểu vào ngày thứ Ba của tổng quản lý Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), ông Agustin Carstens.

“Chúng ta cần phải cởi mở với khả năng rằng môi trường lạm phát đang thay đổi căn bản. Cách mà chúng ta nhìn nhận về phát triển kinh tế suốt từ thập niên 1990 giờ đây không còn phù hợp nữa”, cựu thống đốc ngân hàng trung ương tuyên bố.

Ông Carstens không nói đến bất kỳ sự tương đồng nào giữa cuộc khủng hoảng tài chính và sự trở lại của lạm phát, tuy nhiên lần này, sự trùng hợp diễn ra khiến ông vô cùng ngạc nhiên.

Cuộc khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ giả thuyết rằng các thị trường đang tự điều chỉnh, nhiều doanh nghiệp tư nhân và các lĩnh vực sẽ có thể sụp đổ mà không gây ra hậu quả với toàn bộ hệ thống tài chính.

Tương tự như vậy, ông Carsten nói rằng lạm phát cũng tự điều chỉnh trong nhiều thập kỷ trước đại dịch COVID-19, biến động giá cả trong một lĩnh vực này sẽ hiếm khi lây sang nhiều lĩnh vực khác và trở thành xu thế. Nhiều ngân hàng trung ương cố gắng vượt qua các cú sốc nguồn cung chứ không nhanh chóng nâng lãi suất.

“Môi trường lạm phát thấp giúp cho ngân hàng trung ương các nước có khả năng quan tâm nhiều hơn đến các mục tiêu khác ví như tăng trưởng kinh tế hoặc lạm phát”, ông nhấn mạnh. Trên thực tế, họ thừa nhận lãi suất thấp có thể gây ra mất ổn định tài chính, điều mà nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới dã cảnh báo, tuy nhiên, lạm phát không phải là thứ để đánh đổi.

Vậy điều gì đã xảy ra? Ông Carsten khởi đầu với 2 quan sát quan trọng. Thứ nhất, sự trở lại của lạm phát đã được nhìn nhận thấy trên toàn cầu, trong đó có cả BIS. Lạm phát kết thúc vào năm 2021 cao hơn 5 điểm phần trăm so với phần lớn các dự báo tại Mỹ và tại khu vực đồng tiền chung châu Âu cao hơn 4 điểm phần trăm so với tính toán. Mọi dự báo đều đã sai, ông Carsten nhấn mạnh,

Thứ hai, sự trở lại của lạm phát, dù rằng rõ ràng nhất tại Mỹ, giờ đây đã trở thành vấn đề toàn cầu. Trong 58% các nền kinh tế phát triển, lạm phát hiện đã vượt mức 5%, còn với nhóm nền kinh tế mới nổi, lạm phát vượt ngưỡng 7% tại 55% các nền kinh tế.

Trong năm nay, lạm phát cao không phải chỉ có nguyên nhân từ việc giá năng lượng lên mạnh. Nó cho thấy nhiều yếu tố đặc thù Mỹ ví như gói kích cầu vào năm ngoái. Tuy nhiên còn nhiều yếu tố bên ngoài khác có ảnh hưởng toàn cầu.

Cũng theo ông Carsten, nhu cầu hồi phục nhanh hơn sau khi các biện pháp phong tỏa thời đại dịch COVID-19 được gỡ bỏ, một phần bởi chính sách tiền tệ và tài khóa dồi dào, quá trình phục hồi kinh tế yếu là điều đã được dự báo trước.

Đại dịch COVID-19 đồng thời cũng làm thay đổi nhu cầu hàng hóa, dịch vụ, nhu cầu tiêu dùng tại Mỹ cũng như tại bất kỳ nơi nào khác đều có những điều chỉnh. Giá tăng vọt khi nhu cầu hàng hóa vượt quá năng lực sản xuất. Trong khi đó, nhu cầu của ngành dịch vụ còn thấp và giá cả cũng khá cao. Phần lớn các mô hình kinh tế không thể đáp ứng được thực tế này bởi họ tính toán lạm phát dựa trên mức độ tổng cầu chứ không phải các thành tố của nó.

Yếu tố đáng lưu tâm nhất chính là phản ứng chậm chạp của phía nguồn cung với việc nhu cầu leo thang, trái ngược với những gì xảy ra sau khủng hoảng tài chính. Ông Carstens nói: “Tình trạng phong tỏa kéo dài gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và mạng lưới vận tải, cho thấy tính dễ tổn thương của mô hình sản xuất tức thời trước đây”.

Nguồn cung dầu và nhiều loại hàng hóa khác bị kìm hãm bởi hoạt động đầu tư thấp và sự ngại ngần của một số nhà sản xuất, họ sợ hãi với khả năng giá sẽ bị sụt giảm mạnh. Nhiều yếu tố gây nghẽn, ví như nguồn cung của sản phẩm bán dẫ, gây tác động trên diện rộng bởi nó diễn ra ở ngay khởi đầu của dây chuyền sản xuất trong khi đó điều này cần thiết để sản xuất hàng hóa và dịch vụ.

Thực tế này khiến cho nhiều người nhớ về khủng hoảng tài chính khi mà Fed tin rằng tình trạng vỡ nợ dưới chuẩn sẽ có thể được kiểm soát, tuy nhiên Fed lại không nhận ra rằng hệ thống tài chính có liên quan với nhau và có tỷ lệ đòn bẩy cao đến như thế nào.