Xây dựng Cần Thơ trở thành trung tâm động lực của vùng đồng bằng sông Cửu Long
Trong dự thảo quy hoạch, thành phố Cần Thơ xác định tầm nhìn tổng quan là xây dựng Cần Thơ trở thành trung tâm động lực của vùng đồng bằng sông Cửu Long, một thành phố thông minh đáng sống của Việt Nam.
Chiều 13/2, phiên họp thẩm định Quy hoạch TP. Cần Thơ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã chính thức diễn ra dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư.
Quy hoạch Cần Thơ thành đầu tàu cho vùng đồng bằng sông Cửu Long
Tại phiên họp, đại diện Ủy ban nhân dân TP. Cần Thơ cho biết, TP. Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, có vị trí, vai trò trung tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đây cũng là giao điểm của hành lang kinh tế đô thị dọc sông Hậu và hành lang kinh tế đô thị Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ, nằm trong Tứ giác trung tâm vùng.
Thời gian vừa qua, Cần Thơ đã có nhiều chuyển biến tích cực trên mọi lĩnh vực kinh tế-xã hội; từng bước thể hiện vai trò là Trung tâm công nghiệp, thương mại-dịch vụ, du lịch, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế…
Tuy nhiên, đại diện địa phương cũng thẳng thắn cho rằng, cho tới nay, tiềm năng của Cần Thơ chưa được phát huy tối đa, một phần cơ bản là do hệ thống hạ tầng chính của vùng chưa hoàn thiện và chiến lược phát triển của Cần Thơ chưa được đồng bộ.
Các công năng cấp vùng còn chưa đủ tầm, chưa đủ lớn, và nằm rải rác, chưa tạo được hiệu quả đầu tàu, động lực.
Trong tương lai, khi những hạ tầng cơ bản của vùng được hoàn thiện, tiềm năng của Cần Thơ sẽ khác hẳn trước đây, với kỳ vọng có những phát triển vượt bậc.
Do đó, quy hoạch TP. Cần Thơ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ tạo ra bước đột phá nhằm đánh thức các tiềm năng và lợi thế của Cần Thơ.
“Cần Thơ thực hiện Quy hoạch tích hợp với một quyết tâm cao nhằm trở thành đầu tàu, kéo theo sự phát triển toàn diện cho toàn vùng đất chín rồng. Quy hoạch mới thể hiện một khát vọng vươn lên để trở thành đô thị sông nước đáng sống trong tương lai”, đại diện Ủy ban nhân dân TP. Cần Thơ nhấn mạnh.
Trong dự thảo quy hoạch, TP. Cần Thơ xác định tầm nhìn tổng quan là xây dựng Cần Thơ trở thành trung tâm động lực của vùng đồng bằng sông Cửu Long, một thành phố thông minh đáng sống của Việt Nam.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, Cần Thơ xác định công nghiệp sẽ đóng vai trò chủ lực với ba chiến lực chính, bao gồm phát huy các thế mạnh sẵn có của công nghiệp nhẹ; đa dạng hóa các ngành công nghiệp mới và tối ưu hóa tiềm năng để thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là của các nước phát triển.
Các nhóm ngành công nghiệp mũi nhọn bao gồm: Chế biến thực phẩm, năng lượng, dược phẩm, sản xuất linh kiện điện tử, thương mại, du lịch, logistics…
Bên cạnh đó, Cần Thơ cũng đẩy mạnh phát triển trên các lĩnh vực như nông nghiệp, giáo dục-đào tạo, y tế, khoa học-công nghệ, văn hóa… theo hướng hiện đại, chất lượng cao.
Chia vùng phát triển, lấy giao thông làm huyết mạch kết nối
Về kết cấu hạ tầng, Cần Thơ xác định giao thông đường bộ là huyết mạch kết nối liên vùng với khung kết nối là 3 tuyến cao tốc, 6 quốc lộ, 1 liên tỉnh, 20 tuyến đường tỉnh cùng các trục chính đô thị và vành đai.
Song song, thành phố cũng phát triển đường thủy nội địa, kiến thiết hạ tầng đường biển bảo đảm lưu thông tàu trọng tải đến 20.000 tấn trên luồng sông Hậu; từ đó xây dựng hệ thống cảng biển Cần Thơ thành cửa ngõ quan trọng cho xuất nhập khẩu vùng đồng bằng sông Cửu Long trong vài thập kỷ tới.
Ngoài ra, Cần Thơ cũng đặt mục tiêu cao trong các lĩnh vực hạ tầng hàng không, thủy lợi theo hướng hiện đại, tiện ích.
Về không gian phát triển, dự thảo quy hoạch chia thành 3 vùng, gồm: Vùng lõi trung tâm đô thị phía nam; vùng phát triển kinh tế mới phía bắc và vùng cải tạo sinh kế nông nghiệp phía Tây đường cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng.
Ba vùng phát triển lớn sẽ được chia thành 18 phân vùng chức năng, trong đó mỗi phân vùng tập trung vào một mũi nhọn phát triển phù hợp.
Về phương hướng quy hoạch đất đai, tỷ lệ đất nông nghiệp dự kiến giảm từ 79% hiện nay xuống còn khoảng 55%, trong đó đặc biệt đất lúa sẽ giảm sâu từ 55% xuống khoảng 20%. Tỷ lệ đất phi nông nghiệp sẽ tăng mạnh lên khoảng 45%.
Về phương án bảo vệ môi trường, Cần Thơ sẽ có 3 phân vùng bao gồm: Vùng bảo vệ nghiêm ngặt; Vùng hạn chế phát thải và vùng môi trường khác.
Ngoài ra, thành phố cũng đặt mục tiêu bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên, cân nhắc thực hiện mô hình thí điểm phục vụ hệ sinh thái rừng ngập nước tại những khu vực ít có giá trị phát triển nông nghiệp và xây dựng…
Dự thảo quy hoạch cũng xác định các nhóm 7 giải pháp quan trọng như huy động tối đa các nguồn vốn, phát triển khoa học công nghệ, nâng cao nguồn nhân lực, tạo cơ chế, chính sách liên kết phát triển; quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn; bảo đảm an sinh xã hội…
Quy hoạch TP. Cần Thơ sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ mở ra không gian phát triển mới, khai thác tiềm năng và thế mạnh của địa phương; phát huy có hiệu quả các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững…
Quy hoạch sẽ tạo ra xung lực mới cho phát triển kinh tế-xã hội
Phát biểu tại phiên họp thẩm định, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, công tác quy hoạch có vai trò hết sức quan trọng, nếu không chọn được cách tiếp cận đúng, không xác định được định hướng đúng, cách đi, đích đến, thời gian đến và phương thức thực hiện thì không thể phát triển nhanh và bền vững, nhất là trong thời điểm có nhiều khó khăn thách thức.
Đồng chí Nguyễn Chí Dũng khẳng định: "Cần phải phát huy, khai thác được hết tiềm năng, lợi thế nổi trội, khác biệt, tận dụng các cơ hội phát triển".
Đồng chí nhấn mạnh, việc thực hiện quy hoạch sẽ giúp rà soát, sắp xếp lại không gian phát triển, định hướng các ngành, các vùng, lĩnh vực để tạo nên xung lực mới, đảm bảo mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.
Liên quan đến quy hoạch TP. Cần Thơ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh: Cần Thơ đang có những điều kiện thuận lợi để triển khai Quy hoạch thành phố.
Về tổng thể, Cần Thơ đã có những chính sách, cơ chế đặc thù riêng được phê duyệt. Bên cạnh đó, việc đã có quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành về giao thông… cũng là những lợi thế quan trọng.
Với vị trí đắc địa, Cần Thơ phải đóng vai trò, sứ mệnh mới cao hơn, trở thành bệ đỡ lan tỏa, thúc đẩy phát triển cho cả vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng như trở thành một cực tăng trưởng của đất nước.
Đồng chí lưu ý, TP. Cần Thơ cần tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện Dự thảo quy hoạch thành phố trên tinh thần khẩn trương, nghiêm túc để bảo đảm chất lượng tốt nhất, qua đó giúp Cần Thơ nói riêng, đồng bằng sông Cửu Long nói chung có những bước phát triển mới trong thời gian tới.
Tham gia ý kiến đối với quy hoạch TP. Cần Thơ, đa số ý kiến cho rằng, Báo cáo Quy hoạch được xây dựng công phu, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và bám sát các quy định, đảm bảo phù hợp với nhiệm vụ lập quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Quy hoạch TP. Cần Thơ cơ bản đã xem xét, xử lý các vấn đề liên ngành, liên huyện nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và hiệu quả.