Xây dựng chuỗi giá trị thủy sản bền vững

Theo Hạnh Nhung/daibieunhandan.vn

Tại cuộc họp với 8 hiệp hội ngành thủy sản ngày 21/9, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, để hướng tới mục tiêu giảm dần khai thác, tăng nuôi trồng thủy sản, xây dựng chuỗi liên kết bền vững rất cần có sự tham gia của các hiệp hội, ngành hàng.

Nuôi trồng tăng, khai thác giảm

Tổng cục Thủy sản cho biết, ước tính đến hết tháng 9/2022, tổng sản lượng thủy sản của cả nước đạt 6,75 triệu tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, sản lượng nuôi trồng ước đạt 3,87 triệu tấn (tăng 7%); sản lượng khai thác ước đạt 2,88 triệu tấn (giảm 2,5%).

Trong tháng 8, giá dầu giảm gần 20% so với tháng 7 nên 80 - 95% tàu cá các địa phương đã khai thác bình thường. Năng suất, sản lượng khai thác của các đội tàu tăng so với các tháng 5 - 6. Một số ít tàu cá còn nằm bờ do đang trong quá trình duy tu, sửa chữa hoặc phụ thuộc vào nghề và mùa vụ khai thác.

Về xuất khẩu, lũy kế từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 7,6 tỷ USD; tăng 37,3% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 84,8% kế hoạch năm 2022 (9 tỷ USD).

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến đánh giá, thủy sản là ngành có tốc độ phát triển lớn. Chiến lược của ngành đến năm 2030 đặt mục tiêu nuôi trồng thủy sản đạt 7 triệu tấn, khai thác 2,8 triệu tấn và xuất khẩu từ 14 - 16 tỷ USD.

Trong hai năm đầu thực hiện Chiến lược, chuyển biến cơ cấu giữa nuôi trồng, khai thác ngày càng rõ: nuôi trồng tăng 7,2%; khai thác giảm 2,8%. Tuy vậy vẫn còn nhiều khó khăn thách thức và để hướng tới mục tiêu giảm dần khai thác, tăng nuôi trồng thủy sản, xây dựng chuỗi liên kết bền vững cần có sự tham gia của các hiệp hội, ngành hàng.

Tăng cường hợp tác, hỗ trợ 

PGS.,TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam cho rằng, ngành thủy sản đang trải qua nhiều khó khăn, câu chuyện chuyển đổi từ nghề cá Nhân dân sang nghề cá thương mại bền vững vẫn chưa rõ nét.

“Phải xác định đây là cuộc chuyển biến mang tính cách mạng. Để thực hiện được, hiệp hội, doanh nghiệp nuôi và chế biến phải ngồi lại với nhau để tìm ra được sản phẩm nuôi biển chủ lực, từ đó có kế hoạch phát triển đúng và trúng hơn”, ông Dũng nói. Về lâu dài, các hiệp hội, ngành hàng, thậm chí các địa phương cần nghiên cứu hình thành Liên đoàn Thủy sản Việt Nam, tổ chức này sẽ giúp ngành có sự liên kết thực sự, hỗ trợ lẫn nhau.

Ngoài ra, hiện nguồn lực của ngành thủy sản đều dựa vào Nhà nước. Theo ông Dũng, đã đến lúc kiến nghị Nhà nước cho phép dùng ”thị trường nuôi thị trường”. Cụ thể là thành lập quỹ phát triển ngành thủy sản Việt Nam, mỗi lô hàng xuất khẩu cộng thêm 0,5 đến 1% giá trị, trích phần cộng thêm đó để thành lập quỹ. Đối với quản lý liên ngành, các công trình Nhà nước đầu tư nên giao cho cộng đồng ngư dân ở khu vực đó quản lý để tăng tính trách nhiệm. 

PGS.,TS Nguyễn Chu Hồi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam cho biết, thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục đồng hành với ngư dân, bảo đảm chế độ chính sách, vấn đề liên quan đến sản xuất, tác động đời sống xã hội của ngư dân. Tới đây, vấn đề bảo vệ nguồn lợi thủy sản sẽ được Hội chú trọng hơn nữa. Những thể chế, cơ chế chính sách cho bảo tồn nguồn lợi thủy sản nên được ưu tiên.

Theo Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam Nguyễn Hoài Nam, thời gian tới, Hiệp hội sẽ tích cực phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các cơ quan thuộc bộ để cải thiện hơn môi trường kinh doanh của ngành.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp thành viên ở ba nhóm ngành hàng cá tra, tôm, hải sản phát triển chuỗi, nâng cao năng lực của doanh nghiệp, thực hiện trách nhiệm xã hội, trách nhiệm môi trường. Ông cũng bày tỏ mong muốn hợp tác chặt chẽ hơn với các hiệp hội, ngành hàng khác để hướng tới phát triển ngành hàng thủy sản bền vững.