Xây dựng Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025

Theo Phúc Khang/baokiemtoannhanuoc.vn

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, Bộ đang khẩn trương xây dựng Dự thảo Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước đã được triển khai thực hiện ngay từ đầu giai đoạn chiến lược 2011-2020 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của giai đoạn mới, từ nước có thu nhập trung bình thấp lên nước có thu nhập trung bình cao.

Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 08/11/2016 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 21/02/2017 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện hai Nghị quyết trên.

Kết thúc giai đoạn 2016-2020, cơ cấu lại nền kinh tế đã đạt được những kết quả tích cực. Mô hình tăng trưởng dần chuyển dịch từ chiều rộng sang chiều sâu, năng suất lao động được nâng lên rõ rệt. Cơ cấu lại nền kinh tế với 3 trụ cột chính là đầu tư công, các tổ chức tín dụng và DNNN đã mang lại nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên, tốc độ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Trong khi đó, bối cảnh phát triển mới đang đặt ra nhiều thách thức cũng như cơ hội mới, đòi hỏi cần có sự điều chỉnh trọng tâm kế hoạch cho phù hợp.

Đáng chú ý như, củng cố nền tảng vĩ mô để tạo dư địa chính sách, ứng phó với những cú sốc bên ngoài; tăng cường nội lực và khai thác thị trường trong nước; thúc đẩy chuyển đổi số và tăng cường ứng dụng tiến bộ công nghệ, đổi mới sáng tạo, tiến tới làm chủ tiến bộ công nghệ nhằm đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng.

Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc xây dựng Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 dựa trên mục tiêu, quan điểm, định hướng và giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, cũng như thực tiễn triển khai quá trình cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 và phân tích, dự báo bối cảnh phát triển đất nước giai đoạn tới.

Cụ thể, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra các mục tiêu phát triển: tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 6,5-7%; đến năm 2025 trở thành nước đang phát triển hướng đến công nghiệp hiện đại; đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại và đến năm 2045 trở thành nước phát triển.

Nhiệm vụ được đặt ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là tổ chức thực hiện hiệu quả và thực chất các nội dung cơ cấu lại nền kinh tế để đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động nhằm hiện đại hóa nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh. Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 được xây dựng nhằm cụ thể hóa và tổ chức triển khai nhiệm vụ trên.

Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 cũng được xây dựng trên cơ sở báo cáo kết quả và định hướng cơ cấu nền kinh tế của các Bộ, ngành, địa phương; khảo sát tại một số địa phương và các buổi trao đổi, tham vấn với các nhà khoa học, các chuyên gia và đại diện một số hiệp hội, doanh nghiệp.

Dự kiến, Chính phủ sẽ trình Quốc hội Dự thảo Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.