Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, 2018: Ưu tiên xử lý những vấn đề cấp bách
Từ ý kiến của Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Kinh tế, Chính phủ đã đồng ý tách dự án Luật Hỗ trợ tái cơ cấu tổ chức tín dụng và Xử lý nợ xấu, thành dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu của Quốc hội (QH) và dự án Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng. Tán thành với việc bổ sung dự thảo Nghị quyết và dự án Luật vào Chương trình năm 2017, nhưng các ý kiến lưu ý cần cân nhắc xem xét, thông qua theo quy trình một hay hai kỳ họp.
Điều chỉnh vấn đề “tình thế” bằng nghị quyết
Theo Tờ trình về đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 gửi Ủy ban Pháp luật thẩm tra, Chính phủ đề xuất bổ sung dự án Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu vào Chương trình năm 2017 nhằm thể chế hóa nội dung của Nghị quyết của Đảng, QH và Chính phủ.
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, dự án Luật này có nhiều nội dung quan trọng, có thể liên quan đến những quy định trong nhiều luật khác như Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Thi hành án dân sự, các luật về thuế, các bộ luật về tố tụng... Các chính sách đưa ra cũng có nhiều ý kiến khác nhau, đòi hỏi phải được nghiên cứu, xem xét, thảo luận một cách thấu đáo.
Trong khi đó, việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu không phải là hoạt động thường xuyên, phổ biến, mà chỉ nhằm giải quyết tình thế trong một giai đoạn nhất định. Do đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị, Chính phủ cân nhắc tách những nội dung mang tính “tình thế” để điều chỉnh trong Nghị quyết của QH.
Phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Pháp luật hôm qua, 13/4, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, trong Phiên họp thường kỳ tháng 4/2017, trên cơ sở lắng nghe các ý kiến, Chính phủ đã quyết định tách dự án Luật này thành dự thảo Nghị quyết Về việc thí điểm các chính sách xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (dự thảo Nghị quyết của QH) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.
Chất lượng dự án quyết định quy trình thông qua tại 1 kỳ họp hay 2 kỳ họp
Thường trực Ủy ban Pháp luật và Thường trực Ủy ban Kinh tế đều đề nghị cần xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết của QH theo quy trình 1 kỳ họp, còn dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng cần theo quy trình 2 kỳ họp.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Dương Quốc Anh cho rằng, việc ban hành Nghị quyết hỗ trợ xử lý nợ xấu sẽ giúp các tổ chức tín dụng khắc phục được khó khăn, hỗ trợ quá trình tái cơ cấu, tạo nền tảng cho sự phát triển an toàn, hiệu quả, gia tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn cho các doanh nghiệp với lãi suất thấp, góp phần phát triển kinh tế bền vững.
“Do tầm quan trọng và nhu cầu cấp bách này, nên Chính phủ cần cố gắng hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết, để có thể trình QH xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3 tới” - ông Dương Quốc Anh nói. Còn dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng phức tạp và nhạy cảm, có áp dụng biện pháp điều chỉnh quyền công dân, nên cần chuẩn bị hồ sơ đầy đủ, trình QH xem xét thông qua theo quy trình 2 kỳ họp.
Cùng quan điểm này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng lưu ý, dù trọng tâm sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng là nhằm thực hiện tái cơ cấu các tổ chức yếu kém, nhưng thực tế triển khai thi hành luật cũng đang đặt ra nhiều vấn đề. Bởi lẽ, lãi suất quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015 và trong Luật Các tổ chức tín dụng hiện chưa thống nhất.
“Đây cũng là nội dung khi ra tòa có nhiều tranh chấp, pháp luật chưa thống nhất nên có nhiều rủi ro cho các tổ chức tín dụng” - ông Hoàng Thanh Tùng lưu ý. Ngoài ra, việc cấp tín dụng cho các tổ chức kinh doanh chứng khoán cũng có nhiều bất cập, mà vấn đề kinh doanh bất động sản của các tổ chức tín dụng đang bị lợi dụng.
Thậm chí, giới hạn cấp tín dụng 15%, 20%, 25% cho người có liên quan, cá nhân... khi thực hiện đang cho thấy nhiều vấn đề. Ông Hoàng Thanh Tùng cũng chỉ ra rằng, trong 5 chính sách được dự án luật đề cập, thì có 2 nội dung điều chỉnh với các tổ chức tín dụng nói chung, chứ không chỉ điều chỉnh với tổ chức yếu kém. Do đó, nếu xem xét, thông qua theo quy trình 2 kỳ họp thì nên mở rộng phạm vi điều chỉnh, để xử lý được các bất cập, vướng mắc.
Giải trình tại phiên họp, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết, xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là vấn đề cấp bách, vì nợ xấu hiện chỉ 30%, nhưng nợ tiềm ẩn nợ xấu rất lớn.
Nếu không xử lý nhanh số nợ xấu thì không chỉ làm suy yếu hệ thống ngân hàng, mà kéo theo nhiều hệ lụy khác như lãi suất không giảm được, cung ứng vốn cho nền kinh tế, lãi suất đưa ra cao... gây khó khăn cho quá trình phát triển. Đồng thời, việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng cũng rất cấp bách, vì một số ngân hàng vừa được Ngân hàng Nhà nước mua lại có nguy cơ bị kiểm soát đặc biệt.
Nếu không có luật này, quá trình xử lý sẽ khó khăn, bởi quyết phương án nào đều thiếu cơ sở pháp lý. “Nếu kéo dài, thậm chí vài tháng nữa, tình trạng yếu kém của hệ thống ngân hàng sẽ phức tạp hơn. Còn nếu dự thảo Nghị quyết được thông qua nhanh, sẽ tạo điều kiện cho ngành ngân hàng trong xử lý nợ xấu, tái cơ cấu tổ chức tín dụng” - ông Nguyễn Kim Anh nói.
Trước hai quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng, việc thông qua dự thảo Nghị quyết và dự án Luật theo quy trình nào còn phụ thuộc vào chất lượng của quá trình soạn thảo. Mặt khác, về nguyên tắc, việc quyết định xem xét thông qua theo quy trình nào phải do Đại biểu QH quyết định. “Khi chưa có nội dung rõ ràng, thì không nên đóng khung vào quy trình 1 kỳ họp hay 2 kỳ họp” - ông Nguyễn Khắc Định nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cũng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã quyết định dành thời gian họp dự phòng của Phiên họp thứ 9 (từ ngày 17 - 21/4) để cho ý kiến lần đầu với dự thảo Nghị quyết và dự án Luật này (tức thứ 7 tuần sau). Trong Phiên họp lần thứ 10 vào tháng 5, UBTVQH sẽ cho ý kiến lần hai.
“Đây là vấn đề rất cấp bách, nên dù đang đi công tác nước ngoài, nhưng Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân vẫn nghiên cứu dự thảo Nghị quyết, dự án Luật, và đề xuất dành thời gian họp dự phòng tại Phiên họp thứ 9 của UBTVQH để cho ý kiến” - ông Nguyễn Khắc Định nói rõ.
Như vậy, UBTVQH đã dành ưu tiên về thời gian cho dự thảo Nghị quyết và dự án Luật để đồng hành với Chính phủ xử lý vấn đề cấp bách trong thực tiễn. Thời gian từ nay đến Phiên họp thứ 9 không còn nhiều, nên các thành viên Ủy ban Pháp luật đề nghị, Bộ Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước phải phối hợp để tiến hành thẩm định, kịp thời hoàn thiện hồ sơ để trình UBTVQH cho ý kiến.