Xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm địa phương: Giải pháp nào?
Mục tiêu của việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm địa phương nhằm định vị giá trị sản phẩm, hình ảnh thương hiệu, tạo cơ sở mở rộng thị trường, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới…
Trong những năm qua, Việt Nam đã nỗ lực xây dựng thương hiệu cho sản phẩm các vùng miền. Đặc biệt, việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý như một công cụ hữu hiệu để bảo hộ cho nông sản, bước đầu đã có kết quả đáng khích lệ.
Cụ thể, đã có 43 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được bảo hộ; 32/63 tỉnh, thành phố có chỉ dẫn địa lý, trong đó 8 địa phương có từ 2 chỉ dẫn địa lý trở lên.
Chương trình Thương hiệu quốc gia ra đời, một trong những mục tiêu là xây dựng thương hiệu tầm quốc gia cho từng sản phẩm nổi tiếng ở các địa phương được các địa phương, doanh nghiệp, người sản xuất hưởng ứng nhiệt tình.
Phong trào “Mỗi làng một sản phẩm - OVOP” mà Hà Nội đang dẫn đầu; phong trào “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP” của Quảng Ninh mà cốt lõi là xây dựng thương hiệu cho những sản phẩm tiêu biểu của mỗi địa phương đang đơm hoa kết trái... Năm 2015, cả nước đã chọn được 100 sản phẩm tiêu biểu quốc gia…
Tuy vậy, cũng phải thừa nhận rằng, hành trình xây dựng thương hiệu cho sản phẩm vùng miền còn nhiều gian nan. Nhiều sản phẩm địa phương chưa có thương hiệu, mạnh ai nấy làm, nên sản phẩm khó vào được kênh phân phối lớn. Việc xây dựng, đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm địa phương còn nhiều bất cập...
Do đó, vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu vùng miền vừa cấp thiết vừa là chiến lược lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực về nhiều mặt của các ngành, địa phương, doanh nghiệp, người sản xuất.
Những vấn đề đó đã được đề cập trong khuôn khổ Chuơng trình Thương hiệu quốc gia và được bàn thảo nhiều trên các diễn đàn, hội thảo, có nhiều khuyến nghị của các chuyên gia về các nhóm giải pháp lớn, gồm:
Thứ nhất, nhóm các giải pháp căn cơ từ sản xuất: Xây dựng và triển khai chiến lược đầu tư, phát triển sản xuất, quy hoạch vùng ổn định, hiệu quả và bền vững dựa trên mối quan hệ hữu cơ giữa sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp địa phương với con người và môi trường xã hội theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, phát huy lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực, dịch vụ hàng đầu được lựa chọn xây dựng thương hiệu mạnh.
Áp dụng những tiến bộ của công nghệ sinh học về giống cây con, quy trình chăm sóc, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch hiệu quả, cho ra sản phẩm sạch, giá thành hợp lý; tập trung nghiên cứu thị trường, xác định xu hướng tiêu dùng, giá cả từng loại sản phẩm để hiệu chỉnh quy hoạch sản xuất, tránh theo tâm lý đám đông.
Thứ hai, nhóm các giải pháp về xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu: Xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam để sản phẩm được công nhận mang thương hiệu quốc gia, vùng miền để các doanh nghiệp thực hiện; xây dựng logo gắn vào những sản phẩm đạt chuẩn; có chỉ dẫn địa lý.
Tổ chức các hội chợ trong và ngoài nước để giới thiệu các thương hiệu sản phẩm; tuyên truyền thương hiệu sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng; các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài giúp sức quảng bá thương hiệu Việt ở nước sở tại, làm nòng cốt tổ chức “Tuần lễ thương hiệu Việt Nam”.
Đặc biệt, thông qua các dự án hợp tác, hỗ trợ thương mại của các tổ chức quốc tế để đào tạo nguồn nhân lực, chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng, bảo vệ thương hiệu. Đồng thời, nhà nước cần hoàn thiện cơ chế chính sách và hệ thống pháp luật (như quyền sở hữu trí tuệ...) để xây dựng và bảo vệ thương hiệu.
Cần có quy hoạch, phân luồng đào tạo chuyên môn và dạy nghề, đặc biệt chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cán bộ quản lý có năng lực cung cấp cho các doanh nghiệp hay khu công nghiệp của vùng miền.