Xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về giá
Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá là cơ sở dữ liệu do Bộ Tài chính xây dựng, quản lý và là đầu mối kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu về giá của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực và địa phương, đồng thời, kết nối với cơ sở dữ liệu về giá của tổ chức, cá nhân theo quy định tại Nghị định số 149/2016/NĐ-CP, nhằm cung cấp thông tin về giá phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước và theo yêu cầu của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật. Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá là cơ sở dữ liệu thành phần thuộc cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính.
Yêu cầu xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giá
Để hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử tạo một bước đột phá khi triển khai ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý nhà nước để đưa đất nước vào giai đoạn phát triển hơn, việc xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội.
Ngày 22/5/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 714/QĐ-TTg ban hành danh mục CSDL quốc gia cần ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử. Theo đó, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm triển khai xây dựng, thực hiện quản lý, vận hành CSDL quốc gia về Tài chính.
Xây dựng CSDL quốc gia về Tài chính thống nhất đáp ứng nhu cầu về tiếp cận, khai thác thông tin, dữ liệu phục vụ cho công tác xây dựng chiến lược, hoạch định chính sách, quản lý và điều hành trong lĩnh vực tài chính, ngân sách, đảm bảo tính kịp thời, đầy đủ, công khai, minh bạch, phù hợp thông lệ quốc tế. CSDL quốc gia về Tài chính là cốt lõi, trung tâm của Hệ thống thông tin tài chính quốc gia. Thông tin dữ liệu trong CSDL quốc gia về Tài chính sẽ là kho thông tin tri thức quản lý và khai thác theo các phương thức quản lý và khai thác của một nguồn lực kinh tế trong nền kinh tế mới – kinh tế tri thức.
Danh mục CSDL chuyên ngành của Bộ Tài chính gồm 12 CSDL: Quản lý Thuế; quản lý Kho bạc; quản lý Hải quan; quản lý Chứng khoán; quản lý Giá; quản lý thu - chi ngân sách nhà nước; quản lý dự trữ nhà nước; quản lý Bảo hiểm; quản lý Nợ công; quản lý Tài sản công; quản lý, giám sát vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Danh mục điện tử dùng chung ngành Tài chính.
Đối với lĩnh vực chuyên ngành Quản lý giá: Lộ trình xây dựng CSDL quốc gia về giá đã được Bộ Tài chính phê duyệt, thực hiện theo 2 giai đoạn như sau:
Giai đoạn 1: Triển khai xây dựng CSDL quốc gia về giá trong phạm vi một phần ngành Tài chính, triển khai từ năm 2016 đến 2018 với các đối tượng cụ thể gồm Cục Quản lý giá; 20 Sở Tài chính tiêu biểu đảm bảo tính đại diện cho cả nước; Cục Quản lý công sản; Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế.
Giai đoạn 2: Mở rộng phạm vi tích hợp triển khai phần còn lại của ngành Tài chính và các đơn vị ngoài ngành Tài chính nhằm đáp ứng toàn diện các yêu cầu quản lý nhà nước về giá.
Thực tế triển khai cho thấy, Dự án CSDL quốc gia về giá giai đoạn 1 bước đầu đã đem lại những hiệu quả thiết thực cho công tác quản lý giá, tuy nhiên chưa quản lý được đầy đủ các nội dung trong CSDL quốc gia về giá được quy định trong Điều 4, Thông tư số 142/2015/TT-BTC ngày 4/9/2015 của Bộ Tài chính về quy định về CSDL quốc gia về giá.
Phạm vi triển khai trong giai đoạn 1, mới chỉ dừng lại ở một số Vụ/Cục trong Bộ Tài chính, 20 Sở Tài chính và 10 doanh nghiệp thẩm định giá nên nguồn cung cấp thông tin còn hạn chế. Vì vậy chưa đáp ứng được quy mô của CSDL quốc gia về giá được nêu tại Điều 7, Điều 8, Điều 9 trong Thông tư số 142/2015/TT-BTC đặt ra là thu thập dữ liệu, kết nối với CSDL về giá của các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực; CSDL về giá của Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; CSDL giá của các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, CSDL về giá của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; Tập đoàn, Tổng công ty, Doanh nghiệp thẩm định giá.
Theo Khoản 11, Điều 1, Nghị định số 149/2016/ NĐ-CP ngày 11/11/2016 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật giá): UBND tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, tổ chức, cá nhân có liên quan xây dựng, khai thác và quản lý vận hành CSDL về giá tại địa phương, nhưng hiện tại hầu hết các Tỉnh vẫn chưa xây dựng được CSDL giá tại địa phương. Do vậy, CSDL quốc gia về giá giai đoạn 2 cần cung cấp một phân hệ quản lý các nghiệp vụ lõi về giá cho địa phương để cán bộ Sở Tài chính bước đầu có thể vận hành, quản lý những nghiệp vụ cơ bản về giá trên địa bàn Tỉnh để phục vụ công tác quản lý giá tại địa bàn đồng thời cung cấp thông tin phục vụ công tác quản lý chung về giá.
Từ những phân tích trên cho thấy, việc tiếp tục thực hiện dự án Xây dựng CSDL quốc gia về giá giai đoạn 2 là cấp thiết nhằm xây dựng một hệ thống CSDL quốc gia về giá đáp ứng đầy đủ hơn các yêu cầu của Nghị định số 149/2016/NĐ-CP và Thông tư số 142/2015/TT-BTC để giúp Bộ Tài chính ứng dụng CNTT một cách hiệu quả để thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về giá.
Từ thực trạng và phân tích trên, Bộ Tài chính đã phê duyệt Dự án Xây dựng CSDL quốc gia về giá tại Quyết định số 890/QĐ-BTC ngày 23/6/2020. Đến nay, Bộ Tài chính đã hoàn thành xây dựng CSDL quốc gia về giá và đưa phần mềm vận hành từ ngày 01/11/2021.
Thực tiễn vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về giá
Các đơn vị tham gia
Theo Khoản 11, Điều 1, Nghị định số 149/2016/ NĐ-CP ngày 11/11/2016 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013/ NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giá, các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm trong việc xây dựng, quản lý CSDL về giá như sau:
- Bộ Tài chính có trách nhiệm, xây dựng, khai thác và quản lý vận hành CSDL quốc gia về giá đảm bảo tính tương thích và kết nối được với các hệ thống CSDL về giá của các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân khác;
- Bộ quản lý ngành, lĩnh vực có trách nhiệm, xây dựng, khai thác và quản lý vận hành CSDLvề giá thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách; Phối hợp với Bộ Tài chính kết nối, chia sẻ, cung cấp thông tin thuộc CSDL về giá trong phạm vi quản lý của bộ quản lý ngành, lĩnh vực vào CSDL quốc gia về giá;
- Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, tổ chức, cá nhân có liên quan xây dựng, khai thác và quản lý vận hành CSDL về giá tại địa phương; phối hợp với đơn vị quản lý CSDL quốc gia về giá để kết nối, chia sẻ thông tin từ CSDL về giá tại địa phương với CSDL quốc gia về giá.
Phạm vi triển khai
Phạm vi triển khai dự án Xây dựng CSDL quốc gia về giá bao gồm các đơn vị trong và ngoài ngành Tài chính, cụ thể:
- Các đơn vị trong ngành Tài chính: Cục Tin học và Thống kê tài chính, Cục Quản lý Giá, Cục Quản lý công sản, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, 63 Sở Tài chính các tỉnh/thành phố.
- Các đơn vị ngoài ngành Tài chính: 09 Bộ (Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài nguyên và Môi trường), 280 doanh nghiệp thẩm định giá, 04 Tập đoàn/Tổng công ty (Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam, Tổng công ty Dầu Việt Nam – CTCP, Tổng Công Ty Phân Bón và Hóa Chất Dầu khí – CTCP, Công Ty Cổphần Lọc hóa dầu Bình Sơn).
Quy trình nghiệp vụ tin học hóa
Số lượng quy trình nghiệp vụ được tin học hóa là 09 quy trình, đáp ứng được hầu hết các quy định quản lý Nhà nước về giá được nêu tại Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá; Nghị định số 149/2016/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP; Thông tư số 142/2015/ TT-BTC ngày 04/9/2015 của Bộ Tài chính quy định về CSDL quốc gia về giá, cụ thể:
- Quy trình thu thập dữ liệu giá hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá;
- Quy trình thu thập dữ liệu giá hàng hóa dịch vụ thuộc danh mục đăng ký, kê khai giá của doanh nghiệp đăng ký giá, kê khai giá tại Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải;
- Quy trình thu thập dữ liệu giá thị trường hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục báo cáo giá thị trường theo quy định của Bộ Tài chính;
- Quy trình thu thập dữ liệu giá thị trường hàng hóa, dịch vụ khác phục vụ công tác dự báo và quản lý nhà nước về giá;
- Quy trình thu thập dữ liệu về các thông tin liên quan đến lĩnh vực thẩm định giá đáp ứng Khoản 11, Điều 1, Nghị định số 149/2016/NĐ-CP;
- Quy trình thu thập dữ liệu về các thông tin khác phục vụ công tác quản lý giá theo quy định của pháp luật;
- Quy trình thu thập giá hàng hóa dịch vụ dành cho địa phương;
- Quy trình khai thác dữ liệu;
- Quy trình thu thập và khai thác trên thiết bị cầm tay.
Các nhóm chức năng
CSDL quốc gia về giá được xây dựng gồm 26 nhóm chức năng (1.275 chức năng) đáp ứng tương đối đầy đủ nhu cầu quản lý về giá theo yêu cầu Nghị định số 149/2016/NĐ-CP.
- Quản lý danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá; danh sách tổ chức, cá nhân thực hiện đăng ký giá tại Bộ Tài chính; quản lý danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá;
- Thu thập, xử lý hàng hóa dịch vụ, gồm các nhóm chức năng quản lý: Giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá theo quy định tại Khoản 7, Điều 1, Nghị định số 149/2016/NĐ-CP và các pháp luật chuyên ngành (tại các Bộ); Giá hàng hóa dịch vụ thuộc danh mục đăng ký, kê khai giá; Giá thị trường của hàng hóa, dịch vụ theo quy định của Bộ Tài chính tại Thông tư số 116/2018/ TT-BTC; Tổng hợp và tính giá bình quân của giá thị trường hàng hóa, dịch vụ; Giá thị trường hàng hóa, dịch vụ (theo phòng nghiệp vụ Giá); Giá thị trường hàng hóa, dịch vụ của các hiệp hội, ngành hàng, tổng công ty; Giá thị trường hàng hóa, dịch vụ của các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực tự quy định; Tổng hợp giá thị trường hàng hóa, dịch vụ trên cả nước; Thu thập giá thị trường hàng hóa, dịch vụ tự động từ internet;
- Quản lý giá dành cho các Sở Tài chính, gồm các nhóm chức năng quản lý: Giá tính lệ phí trước bạ do UBND Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành; Giá tính thuế tài nguyên do UBND tỉnh quy định; Giá vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh;
- Quản lý hoạt động thẩm định giá, gồm các nhóm chức năng quản lý: Hội đồng thẩm định giá Nhà nước; Giá trị tài sản thẩm định giá do Hội đồng thẩm định giá Nhà nước định giá; Quản lý thông tin kết quả thi cấp thẻ thẩm định viên về giá; Quản lý thông tin thẩm định viên về giá; Quản lý hoạt động tước thẻ, thu hồi thẻ thẩm định viên về giá; Quản lý thông tin các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thẩm định giá; Tình hình thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về giá và thẩm định giá; Doanh nghiệp thẩm định giá;
- Quản lý các thông tin phục vụ công tác quản lý nhà nước về giá, gồm các nhóm chức năng quản lý: GiáTài sản khác dưới 500 triệu đồng; Giá tài sản của các dự án sử dụng vốn Nhà nước; Giá tài sản được xác lập sở hữu toàn dân; Giátrịtài sản thuộc sởhữu Nhànước; Giá tính lệ phí trước bạ do Bộ Tài chính ban hành; Giá sản xuất lắp ráp ô tô trong nước do Tổng cục Thuế quản lý; Nhóm chức năng Giá hàng hóa xuất nhập khẩu; Giátrúng thầu đối với hàng dựtrữquốc gia; Giá dịch vụ hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán;
- Nhóm chức năng Khai thác dữ liệu;
- Nhóm chức năng Quản trị danh mục;
- Nhóm chức năng Phân tích và dự báo CPI;
- Nhóm chức năng trên thiết bị cầm tay (máy tính bảng, điện thoại thông minh).
Các nhóm chức năng thu thập, hệ thống được xây dựng qua đầy đủ các cấp: nhập liệu, phê duyệt để đảm bảo tính chính xác của dữ liệu cập nhật trên hệ thống.
Ứng dụng công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo
Ứng dụng công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo được triển khai từ khâu thu thập, cập nhật dữ liệu, làm sạch dữ liệu và khai thác dữ liệu để phục vụ tốt hơn, hiệu quả hơn việc điều hành của lãnh đạo và tác nghiệp của chuyên viên.
Thu thập giá thị trường và khai thác dữ liệu trên thiết bị cầm tay
CSDL quốc gia về giá đã có phiên bản chạy trên thiết bị di động (AppMobile) đã đưa lên chợ ứng dụng Applestore và CHPlay với tên ứng dụng “CSDL quốc gia về giá” bao gồm các chức năng đáp ứng cơ bản nhất, tiện dụng cho người dùng khi muốn truy vấn và khai thác nhanh dữ liệu, cụ thể:
- Đối với dữ liệu công khai: người dùng có thể khai thác thông tin về Báo cáo giá cả thị trường do Cục Quản lý Giá thực hiện và công bố, danh sách Doanh nghiệp thẩm định giá và danh sách Thẩm định viên về giá.
- Đối với dữ liệu dành cho người dùng có tài khoản đăng nhập: ngoài khai thác dữ liệu công khai nêu trên, người dùng có thể:
+ Đối với người dùng là Lãnh đạo Bộ Tài chính và cán bộ thuộc Cục Quản lý Giá, Cục Tin học và Thống kê tài chính:
Khai thác chuyên sâu: dữ liệu giá hàng hóa, dịch vụ; giá kê khai của hàng hóa, dịch vụ; giá đăng ký của hàng hóa, dịch vụ; giá thị trường của hàng hóa, dịch vụ.
Khai thác Dashboard trên thiết bị cầm tay cho phép người dùng được cấp quyền thực hiện Khai thác dữ liệu biểu đồ: bảng giá hàng hóa, dịch vụ có biến động lớn nhất; giá hàng hóa, dịch vụ; giá hàng hóa, dịch vụ trung bình của cả nước, theo từng vùng miền; chỉ số giá tiêu dùng chung của cả nước; chỉ số giá tiêu dùng theo từng giỏ hàng hóa, dịch vụ; chỉ số giá tiêu dùng theo 5 biểu hiện của CPI.
+ Đối với người dùng là cán bộ thuộc Sở Tài chính: có thể thu thập giá thị trường hàng hóa, dịch vụ từ thiết bị cầm tay.
Kết luận
Hệ thống CSDL quốc gia về giá đã đáp ứng đầy đủ các nhu cầu quản lý về giá, song để phần mềm “sống” được, phụ thuộc vào việc cập nhật dữ liệu của các đơn vị thuộc phạm vi triển khai dự án. Chính vì vậy, Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá là đơn vị chủ trì về nghiệp vụ) đang xây dựng Thông tư ban hành quy chế hoạt động CSDL quốc gia về giá, trong đó quy định rõ trách nhiệm của từng đơn vị trong việc cập nhật dữ liệu vào hệ thống.
Việc thực hiện cập nhật dữ liệu đúng theo quy định giúp thông tin, dữ liệu CSDL quốc gia về giá luôn được duy trì, là dữ liệu sống, phản ánh kịp thời tình hình, diễn biến giá mặt hàng, dịch vụ, giúp Bộ Tài chính, các tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý, điều hành giá; công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá cả thị trường; công tác thẩm định giá và các mục đích khác phù hợp với quy định pháp luật có liên quan.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá;
2. Nghị định số 149/2016/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP;
3. Thông tư số 142/2015/TT-BTC ngày 04/9/2015 của Bộ Tài chính quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá.
* Phan Minh Duy, Bùi Doãn Bảo Châu - Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính).
** Bài đăng Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 11/2022.