Xiết chặt quản lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kho bạc Nhà nước
(Tài chính) Từ ngày 1/7, tổ chức và cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kho bạc Nhà nước sẽ bị áp dụng mức hình phạt cảnh cáo, phạt tiền và buộc phải khắc phục hậu quả.
Đó là quy định mới được ban hành trong Thông tư số 54/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính. Theo đó, những hành vi vi phạm vừa có thể áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo, vừa có thể áp dụng hình thức phạt tiền, thì hình thức xử phạt cảnh cáo được áp dụng đối với vi phạm lần đầu và không có tình tiết tăng nặng. Trường hợp không thuộc đối tượng được áp dụng hình thức phạt cảnh cáo nêu trên, thì áp dụng hình thức phạt tiền.
Các hành vi vi phạm trong lĩnh vực Kho bạc Nhà nước bao gồm: Vi phạm quy định khoản chi ngân sách nhà nước phải có trong dự toán ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền giao; Chi ngân sách nhà nước sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định; Lập hồ sơ, chứng từ giả mạo để chi ngân sách nhà nước; Vi phạm chế độ thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước; Vi phạm thủ tục kiểm soát cam kết chi; Vi phạm thời hạn thanh toán tạm ứng ngân sách nhà nước
Cũng theo Thông tư này, đối với những hành vi chỉ quy định hình thức phạt tiền hoặc không đủ điều kiện áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo, mức phạt tiền cụ thể được xác định như sau:
Một là, mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính không có tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó. Mức trung bình của khung tiền phạt được xác định bằng trung bình giữa mức tối đa của khung hình phạt và mức tối thiểu của khung hình phạt.
Hai là, cứ một tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng, thì mức tiền phạt được giảm hoặc tăng 20% so với mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó, nhưng không được thấp hơn mức tối thiểu và không được cao hơn mức tối đa của khung hình phạt đó.
Ba là, khi xác định mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm vừa có tình tiết giảm nhẹ, vừa có tình tiết tăng nặng, thì xem xét giảm trừ tình tiết tăng nặng theo nguyên tắc có một tình tiết giảm nhẹ được giảm trừ một tình tiết tăng nặng. Sau khi giảm trừ, nếu còn tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng thì áp dụng theo quy định tại điểm b Khoản này.
Thông tư cũng nhấn mạnh, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kho bạc Nhà nước không được sử dụng tiền ngân sách nhà nước hoặc tiền có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước để nộp phạt và khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm của mình gây ra. Sau khi chấp hành quyết định xử phạt, tổ chức bị xử phạt xác định cá nhân có lỗi gây ra vi phạm hành chính để xác định trách nhiệm pháp lý, bao gồm cả việc nộp lại khoản tiền phạt và khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm của mình gây ra tương ứng với mức độ vi phạm của cá nhân đó.
Việc xử phạt vi phạm hành chính phải được lập thành hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính, bao gồm: Biên bản vi phạm hành chính; quyết định xử phạt; các tài liệu, giấy tờ có liên quan, được đánh bút lục và được lưu giữ theo quy định.
Báo cáo về tình hình xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện định kỳ 6 tháng và hàng năm. Theo đó, thời hạn báo cáo được thực hiện như sau: Báo cáo 6 tháng, Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gửi Kho bạc Nhà nước trước ngày 5/4 năm báo cáo; Kho bạc Nhà nước báo cáo Bộ Tài chính trước ngày 10/4 năm báo cáo. Báo cáo năm, Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gửi Kho bạc Nhà nước trước 5/10 năm báo cáo, Kho bạc Nhà nước báo cáo Bộ Tài chính trước ngày 10/10 năm báo cáo.
Khi phát hiện hành vi vi phạm, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kho bạc nhà nước quy định tại Điều 53, Điều 54 Nghị định số 192/2013/NĐ-CP.
Công chức Kho bạc Nhà nước được giao nhiệm vụ kiểm soát chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước phải kịp thời lập biên bản vi phạm hành chính.