Xu hướng cải cách chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp
Xu hướng quốc tế cho thấy nhiều nước đã chuyển từ ưu đãi nhiều ngành, lĩnh vực sang ưu đãi theo diện rộng, khuyến khích tổng thể nền kinh tế bằng chính sách điều tiết thuế thu nhập doanh nghiệp hợp lý (hạ thuế suất), đồng thời chỉ tập trung ưu đãi để phát triển một số rất ít ngành, lĩnh vực mũi nhọn...
Xu hướng điều chỉnh thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp tại các nước
Nhằm khắc phục các tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và suy giảm kinh tế, thời gian gần đây, nhiều quốc gia đã thực hiện giảm mức thuế suất phổ thông thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) nhằm nâng cao sức cạnh tranh và hấp dẫn đầu tư.
Các nước OECD giảm mức thuế suất thuế TNDN trung bình từ 32% năm 2000 xuống 26% năm 2008 và 25% năm 2015. Năm 2017, một loạt các quốc gia thuộc khu vực châu Âu đã cắt giảm thuế suất thuế TNDN như Slovakia giảm thuế suất từ 22% xuống 21%; Ý từ 27,5% xuống 24%; Na Uy từ 25% xuống 24%…
Tại khu vực châu Á, Nhật Bản giảm mức thuế suất từ 25,5% xuống 23,9% từ 01/4/2015. Bangladesh giảm thuế suất từ 27,5% xuống 25% từ 01/7/2015. Malaysia giảm thuế suất từ 25% xuống 24% từ năm 2016. Irasel giảm thuế suất từ 25% xuống 24% năm 2016 và 23% năm 2017…
Ngoài việc giảm thuế suất thuế TNDN phổ thông, một số nước còn thực hiện chủ trương khuyến khích, thúc đẩy một số lĩnh vực ưu tiên đầu tư, khuyến khích hoạt động nghiên cứu đổi mới và phát triển khoa học và công nghệ... thông qua một số chính sách ưu đãi thuế TNDN.
Từ 01/01/2014, Bồ Đào Nha mở rộng ưu đãi thuế đối với các hoạt động nghiên cứu và phát triển đến năm 2020 và giảm thuế đối với lợi nhuận để lại phục vụ cho việc tái đầu tư. Thái Lan thực hiện miễn thuế TNDN đối với DNNVV có lợi nhuận đạt được tối đa là 300.000 Bạt Thái áp dụng từ 1/1/2017 đến hết 31/12/2017.
Bên cạnh đó, một số quốc gia còn tăng tỷ lệ chi phí được trừ nhằm hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) và các DNNVV. Ví dụ: Thổ Nhĩ Kỳ tăng tỷ lệ chi phí được trừ đối với hoạt động R&D lên 100% áp dụng đến 31/12/2023.
Ngược lại với xu hướng chung của nhiều quốc gia là giảm thuế suất thuế TNDN để thu hút đầu tư nêu trên, trong những năm qua một số ít quốc gia thực hiện tăng thuế suất thuế TNDN và mở rộng cơ sở thuế nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách. Chi Lê tăng thuế suất thuế TNDN từ 24% lên 25% năm 2017; Hy Lạp tăng từ 26% lên 29% từ tháng 7/2015; Pê ru tăng từ 28% lên 29,5% năm 2017; Algeria tăng từ 23% lên 26% từ năm 2016; Áo tăng mức thuế suất đối với thu nhập phát sinh từ giao dịch bất động sản từ 25% lên 30% từ 01/01/2016...
Xu hướng quốc tế cho thấy, nhiều nước đã chuyển từ ưu đãi nhiều ngành, lĩnh vực sang ưu đãi theo diện rộng, khuyến khích tổng thể nền kinh tế bằng chính sách điều tiết thuế TNDN hợp lý. Cùng chung xu hướng đó, để tạo thuận lợi cho cộng đồng DN có điều kiện tăng tích luỹ, tích tụ, thêm nguồn lực để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh và tăng khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực, Luật Thuế TNDN số 14/2008/QH12 của Việt Nam có hiệu lực từ ngày 01/01/2009 đã hạ mức thuế suất thuế TNDN chung từ 28% xuống 25% và từ ngày 01/01/2016 là 20% theo quy định của Luật số 32/2013 (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNDN).
Mặt khác, để khắc phục việc ưu đãi dàn trải vừa theo ngành nghề, lĩnh vực, vừa theo địa bàn, bảo đảm chính sách ưu đãi thuế phát huy tác dụng là công cụ tạo sự chuyển biến trong phân bổ nguồn lực, thu hút đầu tư vào các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và một số ngành, lĩnh vực quan trọng theo chính sách phát triển của Nhà nước, Luật thuế TNDN đã cải cách ưu đãi thuế theo nguyên tắc giữ mức ưu đãi thuế cao nhất để không ảnh hưởng đến môi trường đầu tư nhưng cần có khoảng cách chênh lệch đủ lớn so với mức ưu đãi thấp hơn; thu hẹp diện ưu đãi theo lĩnh vực để tạo sức hấp dẫn của mức ưu đãi cao theo địa bàn…
Để tiếp tục góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ DN phát triển, Bộ Tài chính đang chủ trì việc xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế TNDN, Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật Thuế tài nguyên để trình Chính phủ trong quý III/2017 và báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2018.
Đối với Luật Thuế TNDN, Dự án Luật đề xuất giảm thuế suất thuế TNDN với DNNVV để đáp ứng và tương thích với Luật Hỗ trợ DNNVV mới ban hành. Cụ thể, DN siêu nhỏ (doanh thu dưới 3 tỷ đồng/năm) được áp dụng thuế suất 15%. DNNVV (số lao động bình quân không quá 200 người, tổng doanh thu từ 3 - 50 tỷ đồng/năm) được áp dụng thuế suất 17%.
Bên cạnh đó, Dự án Luật cũng có các nội dung sửa đổi khác về thuế TNDN cũng nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN là: Ưu đãi thuế đối với hoạt động đầu tư, cải tạo chung cư cũ (áp dụng thuế suất thuế TNDN ưu đãi 10% tương tự như đang áp dụng đối với hoạt động đầu tư xây dựng nhà ở xã hội hiện hành); Bổ sung quy định ưu đãi đối với thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư tại khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế 4 năm và giảm thuế 9 năm tiếp theo); Bổ sung ưu đãi miễn, giảm thuế đối với tổ chức tài chính vi mô (nhưng chỉ áp dụng đối với tổ chức tài chính vi mô hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận)...