Xu hướng khu công nghiệp thân thiện môi trường đang "hot"
Ông Thomas Rooney - Quản lý Cấp cao, Bộ phận Bất động sản công nghiệp Savills Hà Nội cho biết, nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế đều đang xem xét chuyển đổi các khu công nghiệp (KCN) của họ thành KCN thân thiện với môi trường.
Cụ thể, các nhà đầu tư nước ngoài đang tập trung vào môi trường, coi bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội là một phần của các mục tiêu toàn cầu của họ.
Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước cũng ngày càng chú trọng đến ESG (bộ tiêu chuẩn đo lường phát triển bền vững), trong bối cảnh Việt Nam đang hướng đến mục tiêu “Net Zero” vào năm 2050
Hiện nay, các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Philippines đã có các trung tâm công nghiệp sinh thái, các KCN xanh. Tại Việt Nam, tháng 4/2024 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất dự Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế nhằm hướng tới tạo điều kiện cho Việt Nam xây dựng những khu công nghiệp lớn đáp ứng yêu cầu phát triển chuỗi cung ứng cũng như phát triển kinh tế xanh.
Theo ông Thomas Rooney, nhiều KCN hiện tại đã được phát triển từ lâu theo mô hình truyền thống. Việc chuyển đổi một KCN thông thường thành KCN thân thiện với môi trường không đơn giản vì chi phí tốn kém và cần sự xem xét kỹ lưỡng của Chính phủ về khung pháp lý.
Theo đó, KCN xanh rất khác biệt so với các KCN thông thường. Các KCN xanh được xây dựng theo cách tiết kiệm chi phí và thân thiện với môi trường. Cụ thể là, tạo ra nhiều mảng xanh và sử dụng các vật liệu có thể tái chế, sử dụng các nguồn năng lượng sẵn có (mặt trời, nước, gió), phát triển hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác... Nâng cao khả năng thu gom và xử lý rác thải so với trước đây thông qua việc sử dụng công nghệ mới.
Thực tế hiện nay cho thấy, Việt Nam đang thiếu hệ thống pháp luật liên quan đến KCN xanh, sinh thái vẫn chưa đầy đủ, đồng bộ. Các yêu cầu về KCN xanh - thông minh đang được quy định rải rác trong nhiều bộ luật, quy định nên việc thực hiện còn phức tạp và khó khăn. Đặc biệt, quy chuẩn hướng dẫn về tuần hoàn, tái sử dụng chất thải còn chưa rõ ràng, thiếu thống nhất hay các quy định về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông minh trong quản lý, sản xuất cho lĩnh vực này chưa có...
Theo nhiều chuyên gia, để thực hiện thành công mô hình KCN xanh, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước về chế độ, chính sách đối với nhân dân khu vực có đất bị thu hồi cũng như với chủ đầu tư xây dựng KCN sinh thái, do tỷ suất đầu tư lớn. Bên cạnh đó là các chính sách ở tầm vĩ mô như quy hoạch "vùng đệm" ổn định, lâu dài và không bị phá vỡ bởi các dự án khác. Quy hoạch phát triển KCN xanh phải hài hòa với quy hoạch chung và quy hoạch sử dụng đất để bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững.
Ngoài việc xử lý nước thải trong KCN, cần xử lý nước thải trong khu dân cư liền kề; quản lý đầu tư vào KCN để không phá vỡ quy hoạch và mục tiêu môi trường đặt ra; quan tâm xây dựng nhà ở cho người lao động trong KCN; xây dựng các trung tâm thương mại, dịch vụ chung quanh các KCN để đời sống người lao động ngày càng tốt hơn.