Đã đến thời của trái phiếu xanh
Tuần qua, Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố tổng kết niên độ tài chính 2018. Điểm nhấn trong hoạt động của IFC năm 2018 là thúc đẩy sự phát triển của trái phiếu xanh với 360 triệu USD đầu tư vào các quốc gia tại Đông Nam Á.
Trước hết, trái phiếu xanh là gì? Năm 2007, thị trường đón nhận đợt phát hành trái phiếu xanh hạng AAA đầu tiên của các tổ chức phát hành là EIB và WB. Tính từ thời điểm đó, trái phiếu xanh luôn có tốc độ tăng trưởng nhanh.
Năm 2013, giá trị phát hành của trái phiếu xanh toàn cầu đạt 11,4 tỷ USD, tăng hơn ba lần so với năm 2012. Gần đây nhất, theo báo cáo từ tổ chức phi lợi nhuận Climate Bonds Initiative, trái phiếu xanh phát hành trên toàn cầu trong năm 2017 đã đạt 155,5 tỷ USD, tăng 78% so với năm 2016.
Với mục tiêu chuẩn hóa các loại trái phiếu xanh, tháng 3/2015, Hội nghị thường niên đầu tiên của Green Bond Principles (GBP) gồm Bank of America Merrill Lynch, Citi Group, Crédit Agricole và JPMorgan Chase Bank đã thông qua Dự thảo lần hai Bộ nguyên tắc GBP 2015.
Theo đó, định nghĩa trái phiếu xanh là bất kỳ một loại trái phiếu nào mà số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu được sử dụng cho việc tài trợ hoặc tái tài trợ một phần hoặc toàn bộ Dự án xanh mới hoặc Dự án xanh đang hoạt động đủ điều kiện cấp vốn… trái phiếu xanh cũng được xếp hạng tín nhiệm, có kỳ hạn, có hoặc không có lãi suất. Trái phiếu xanh có thể được phát hành bởi chính phủ, các ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính quốc tế, các công ty…
Tại Việt Nam, năm 2015, chương trình hợp tác giữa Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức, và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đã xây dựng Đề án phát triển thị trường trái phiếu xanh. Năm 2016, lãnh đạo Bộ Tài chính đã phê duyệt Đề án phát hành thí điểm trái phiếu xanh của chính quyền địa phương. TP. Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu là hai địa phương đầu tiên triển khai đề án này.
Mới đây nhất, theo quy định Khoản 1 Điều 21 Nghị định số 95/2018/NĐ-CP (ban hành ngày 30/6/2018) quy định về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán: Trái phiếu xanh là một loại trái phiếu Chính phủ được phát hành để đầu tư cho các dự án liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường (dự án xanh) và nằm trong danh mục dự án được phân bổ vốn đầu tư công theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước.
Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng đề án phát hành trái phiếu Chính phủ xanh báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước khi triển khai thực hiện. Theo quy định tại khoản 3, điều 21 Nghị định số 95/2018/NĐ-CP thì điều kiện điều khoản, việc tổ chức phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch trái phiếu Chính phủ xanh thực hiện giống như trái phiếu Chính phủ.
Thực tế những năm qua các tổ chức như WB, IFC và Cơ quan Hợp tác phát triển Đức (GIZ) mới chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ vốn ODA cho các dự án hợp tác với Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng các công cụ quản lý rủi ro đối với môi trường và xã hội trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của một số ngành, lĩnh vực...
Một số ngân hàng thương mại đã, đang tham gia giải ngân các chương trình “tín dụng xanh” với nguồn vốn khá hạn hẹp được hỗ trợ từ các tổ chức này. Đánh giá tầm quan trọng của mục tiêu phát triển bền vững, Việt Nam đã có chủ trương hỗ trợ phát triển nguồn vốn xanh thông qua việc Ngân hàng Nhà nước đã ra Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Đặc biệt, tháng 8/2018, Thống đốc đã ban hành Quyết định số 1604/QĐ-NHNN phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam.
Một trong những mục tiêu của Đề án là phấn đấu đến năm 2025, 100% ngân hàng thực hiện đánh giá rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường cho các dự án được ngân hàng cấp vốn vay; 60% ngân hàng tiếp cận được nguồn vốn xanh và triển khai cho vay các dự án tín dụng xanh...
Trong phát ngôn mới đây, ông Ông Kyle Kelhofer - Giám đốc Quốc gia IFC phụ trách Việt Nam, Campuchia và Lào khẳng định, từ nay đến hết 2019 IFC có thể sẽ hỗ trợ một, đến hai ngân hàng Việt Nam phát hành trái phiếu xanh. Những dữ liệu trên cho thấy trái phiếu xanh hội đủ những điều kiện thuận lợi để phát triển tại Việt Nam.