Xu hướng xuất khẩu mặt hàng chủ lực trong 6 tháng cuối năm 2023
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự báo, trong 6 tháng cuối năm 2023, mặt hàng rau quả duy trì tăng trưởng tốt nếu chú trọng chất lượng, cải tiến mẫu mã, bao bì, truy xuất nguồn gốc. Xuất khẩu gạo có khả năng đạt tương đương mức năm 2022.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản đạt 24,59 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Bên cạnh suy giảm xuất khẩu nhóm hàng lâm sản, thủy sản ở mức tương ứng 28,2% và 27,4% so với cùng kỳ năm 2022, xuất khẩu gạo, rau quả, điều, cà phê tăng tương ứng là 34,7%, 64,2%, 7,7%, 3%, trong đó xuất khẩu gạo và rau quả tăng đột biến.
Trong số các thị trường trọng điểm và tiềm năng, Trung Quốc đứng số 1 với kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản vào thị trường này 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 5,2 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giá trị xuất khẩu 5 tháng đầu năm của 4/9 mặt hàng tăng mạnh về giá trị là rau quả (1,2 tỷ USD, tăng 80,2%), gạo (364 triệu USD, tăng 79,2%), hạt điều (198,8 triệu USD, tăng 50,9%) và chè (4,2 triệu USD, tăng 58,7%).
Về xu hướng xuất khẩu các mặt hàng chủ lực trong 6 tháng cuối năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, dự báo mặt hàng rau quả duy trì tăng trưởng tốt nếu chú trọng chất lượng, cải tiến mẫu mã, bao bì, truy xuất nguồn gốc. Xuất khẩu gạo có khả năng đạt tương đương mức năm ngoái là 6,5 triệu tấn. Thị trường tiêu thụ thủy sản có thể phục hồi chậm, ngành hàng gỗ và sản phẩm gỗ vẫn tiếp tục khó khăn do lạm phát và nhu cầu thấp.
Đối với mặt hàng rau quả, Hiệp hội Rau quả Việt Nam thông tin trong tháng 7/2023, xuất khẩu rau quả cả nước ước đạt hơn 475,5 triệu USD, giảm 28,2% với tháng trước và tăng 90,7% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu rau quả đạt hơn 3,25 tỷ USD, tăng 68,8% so với cùng kỳ năm 2022. Rau quả là ngành có mức tăng trưởng xuất khẩu cao nhất trong các mặt hàng nông - lâm - thủy sản Việt Nam từ đầu năm đến nay.
Nhận định về tình hình xuất khẩu gạo, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo đạt khoảng 4,2 triệu tấn, tăng 21% về khối lượng và tăng 32% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Riêng 13 ngày đầu tháng 7 xuất khẩu được khoảng 290 ngàn tấn, đưa khối lượng gạo xuất khẩu tính đến giữa tháng 7 đạt 4,5 triệu tấn. Xuất khẩu gạo đạt được mục tiêu là tiêu thụ hết lúa hàng hóa trong dân, đảm bảo an ninh lương thực.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, nhu cầu thị trường gạo thế giới trong thời gian tới tương đối tích cực. Ấn Độ dự báo vẫn tiếp tục chi phối thị trường gạo thế giới và giữ vị trí đứng đầu, tuy nhiên tình hình từ nay đến cuối năm ảnh hưởng của El Nino nên Ấn Độ có thể hạn chế xuất khẩu gạo và Indonesia tăng nhập khẩu gạo như thời gian qua. Đây là các yếu tố tích cực hỗ trợ xuất khẩu gạo Việt Nam về đích 6,5 triệu tấn như đã đặt ra.
Về mặt hàng thuỷ sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, từ nay tới cuối năm, thị trường tiêu thụ thủy sản có thể phục hồi chậm. Tồn kho tại các thị trường lớn là Hoa Kỳ, EU và lượng hàng giá rẻ của các nước khác như: Ecuador và Ấn Độ sẽ tác động lớn đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, nhất là mặt hàng tôm.
Đối với gỗ và sản phẩm gỗ, giá trị xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2023 đạt 6,01 tỷ USD, giảm 28,8%. Dự báo xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ nay tới cuối năm còn gặp nhiều khó khăn khi các thị trường xuất khẩu tiếp tục thắt chặt chi tiêu, nhu cầu tại thị trường Hoa Kỳ thấp, EU áp dụng nhiều luật mới liên quan đến nạn phá rừng, trong đó có mặt hàng gỗ…