Xu hướng xuất khẩu số trên thế giới
Doanh thu của thương mại điện tử đã tăng gấp năm lần tại một số nền kinh tế chủ chốt trong giai đoạn đầu của dịch bệnh.
Alibaba.com vừa công bố báo cáo “Toàn cảnh chuyển đổi số Việt Nam B2B 2022”. Theo đó, đại dịch COVID-19 đã khiến nền kinh tế trên thế giới “chao đảo” kể từ khi xuất hiện vào đầu năm 2020. Thậm chí, các tác động của nó vẫn còn hiện hữu rõ nét cho đến ngày nay.
Doanh thu của thương mại điện tử đã tăng gấp năm lần tại một số nền kinh tế chủ chốt trong giai đoạn đầu của dịch bệnh. Khi các lệnh phong toả bắt đầu được nới lỏng vào năm 2021, mọi người có xu hướng mua sắm bên ngoài nhiều hơn.
Alibaba.com đã chỉ ra các lĩnh vực chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong và sau đại dịch. Lĩnh vực đầu tiên phải kể đến đó là năng lượng. So với năm 2020, ngành năng lượng đã đạt tốc độ tăng trưởng 79% trong năm 2021. Ngoài ra, các lĩnh vực khác ghi nhận sự tăng trưởng vượt trội hậu COVID-19 bao gồm ngành kim loại, khoáng sản, thiết bị văn phòng và dược phẩm. Cụ thể, ngành kim loại và khoáng sản tăng lần lượt là 46% và 48% so với mức trước đại dịch.
Lĩnh vực thiết bị văn phòng tăng trưởng 31%, một kết quả tất yếu của việc các văn phòng mở cửa lại. Bên cạnh đó, ngành dược phẩm cũng tăng 33%, phần lớn được thúc đẩy bởi việc phát hành vắc xine và những thiết bị phụ trợ khác như kim tiêm.
Làn sóng COVID-19 thứ tư được ghi nhận là nặng nề nhất đối với Việt Nam, nhưng theo báo cáo của Tổng Cục Thống kê, thị trường xuất, nhập khẩu vẫn ghi nhận những tín hiệu khả quan. Năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 668,55 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu đạt hơn 336,3 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020.
Tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam trên sàn Alibaba.com cũng có những dấu hiệu tích cực. Theo Báo cáo chuyển đổi số B2B Việt Nam 2022, Alibaba.com đã thực hiện nghiên cứu trong khoảng thời gian 90 ngày để chỉ ra ba lĩnh vực tiềm năng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam có thể nắm lấy cơ hội mở rộng kinh doanh trên nền tảng này. Những lĩnh vực đó bao gồm:
Thứ nhất, nông nghiệp. Ba dòng sản phẩm nông nghiệp bán chạy nhất trên nền tảng. Vị trí đầu bảng là dầu ăn, với khoảng hơn 300 khách hàng trung bình mỗi ngày và hơn 250.000 sản phẩm cần được bổ sung. Các loại hạt và nhân xếp hạng thứ hai với khoảng hơn 200 khách hàng trung bình mỗi ngày và hơn 3.700 sản phẩm cần được bổ sung. Cuối cùng, hạt giống và củ cây đứng ở vị trí thứ ba trong danh sách, ghi nhận hơn 200 khách hàng năng động trung bình mỗi ngày và hơn 6.000 sản phẩm được yêu cầu bổ sung.
Thứ hai, ngành chăm sóc cá nhân và sắc đẹp. Dòng sản phẩm đầu tiên là tóc nối và tóc giả với hơn 3.500 người dùng tích cực trung bình mỗi ngày và hơn 500.000 sản phẩm được yêu cầu bổ sung. Dựa theo phân tích từ công ty, khoảng 500 thương nhân đang chờ lên sàn và 500.000 sản phẩm sẽ được bổ sung cho dòng sản phẩm này. Dòng sản phẩm và dụng cụ chăm sóc da. Dòng sản phẩm này ghi nhận hơn 1.000 người mua hàng tích cực với khoảng hơn 400.000 sản phẩm được bán ra. Hiện tại đang có khoảng 1.500 nhà bán hàng đang chờ lên sàn và xấp xỉ 400.000 sản phẩm sẽ được bổ sung cho hạng mục này.
Sản phẩm và dụng cụ trang điểm có doanh thu lớn thứ ba trong ngành hàng. Lượng khách hàng năng động trung bình một ngày ghi nhận ở mức hơn 1.300 người với hơn 800.000 sản phẩm được yêu cầu. Dựa theo phân tích ngành hàng, có khoảng 2.500 nhà bán hàng đang chờ lên sàn và 800.000 sản phẩm đang chờ được bổ sung.
Thứ ba, là ngành hàng nhà cửa và làm vườn. Nhà cửa và vườn tược tiếp tục là lĩnh vực xuất khẩu trực tuyến đầy hứa hẹn trong năm 2022.
Dù chưa có số liệu cụ thể nhưng Việt Nam được dự đoán là quốc gia duy nhất ở khu vực Đông Nam Á có tăng trưởng thương mại điện tử ở mức 2 con số trong năm 2021. Đặc biệt, thương mại điện tử xuyên biên giới ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chiến lược kinh doanh của không ít doanh nghiệp khi các phương thức xuất khẩu truyền thống bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.
Theo Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, thương mại điện tử xuyên biên giới năm nay tăng trưởng đến 25,7% so với năm ngoái. Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương, đánh giá thương mại điện tử Việt Nam những năm gần đây đã có bước phát triển ấn tượng nhờ sự thay đổi trong tư duy của nhiều nhà bán hàng, nhà xuất khẩu. "doanh nghiệp từ chỗ ngại ngần chuyển đổi số, chỉ bán hàng trực tiếp thì nay đã sẵn sàng bán hàng trực tuyến. Đó là thay đổi lớn về mặt nhận thức, tư duy của doanh nghiệp Việt khi đưa sản phẩm ra thế giới" - ông Đặng Hoàng Hải nhận xét.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể cạnh tranh đưa sản phẩm vào các kênh phân phối quốc tế theo cách truyền thống nên đã dồn sức cho xuất khẩu online với chi phí thấp. Dù vậy, để xuất khẩu online hiệu quả, doanh nghiệp phải đầu tư hạ tầng công nghệ một cách bài bản, chuyên nghiệp.
Còn với doanh nghiệp quy mô lớn, đã xuất khẩu thành công theo cách truyền thống, hình thức bán hàng trực tuyến xuyên biên giới không quá hấp dẫn họ. Chính vì vậy, khi đối mặt dịch Covid-19 và buộc phải chuyển sang khai thác kênh online, họ lúng túng bởi trước nay chỉ có nhân lực cho phương thức B2B (bán buôn), thiếu nhân lực phù hợp cho phương thức bán hàng B2C (bán lẻ đến tận tay người dùng).
Xuất khẩu trực tuyến có thể là cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt bởi rất nhiều lợi ích nó mang lại. Tuy nhiên, để thành công, doanh nghiệp phải tự giải được nhiều bài toán khó.