Xử lý dứt điểm vi phạm giới hạn về sở hữu cổ phiếu ngân hàng
Đại diện cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ kiên quyết xử lý dứt điểm vấn đề sở hữu chéo, vi phạm giới hạn về sở hữu cổ phiếu dẫn tới chi phối ngân hàng của cổ đông hoặc nhóm cổ đông lớn, lợi ích nhóm trong các tổ chức tín dụng (TCTD) cổ phần.
Cơ quan Thanh tra Giám sát –Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, hoạt động tái cơ cấu và xử lý nợ xấu hiện nay đã đạt được những thành tựu nhất định nhưng còn không ít các khó khăn.
Xác định những khó khăn, thách thức cần đối mặt để tiến tới hoàn thành công tác tái cơ cấu và xử lý nợ xấu đề ra tại Quyết định 1058 và Nghị quyết số 42 theo đúng mục tiêu, lộ trình và kế hoạch, trong thời gian tới, NHNN đã đưa ra 8 giải pháp.
Thứ nhất, hoàn thành việc thẩm định, phê duyệt/chấp thuận chủ trương và theo dõi, giám sát việc thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của các TCTD.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt và triển khai thực hiện phương án xử lý TCTD yếu kém, đặc biệt là các quỹ tín dụng nhân dân yếu kém yếu kém; tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ hoạt động của các TCTD yếu kém để kịp thời xử lý.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các ngân hàng thương mại Nhà nước; Triển khai phương án nâng cao năng lực tài chính của các ngân hàng thương mại Nhà nước sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thứ tư, tăng cường củng cố, chấn chỉnh hệ thống quỹ tín dụng nhân dân; Kiên quyết xử lý các quỹ tín dụng nhân dân yếu kém, không có khả năng phục hồi.
Thứ năm, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về tiền tệ và hoạt động ngân hàng.
Thứ sáu, kiên quyết xử lý dứt điểm vấn đề sở hữu chéo, vi phạm giới hạn về sở hữu cổ phiếu dẫn tới chi phối ngân hàng của cổ đông hoặc nhóm cổ đông lớn, lợi ích nhóm trong các TCTD cổ phần theo lộ trình thích hợp.
Thứ bảy, triển khai các giải pháp mua, bán, xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường, đồng thời áp dụng các biện pháp kiểm soát rủi ro trong việc mua bán nợ theo cơ chế thị trường.
Thứ tám, chỉ đạo TCTD tổ chức triển khai áp dụng toàn diện các biện pháp quy định tại Nghị quyết số 42; Rà soát, tiết giảm các chi phí hoạt động và tập trung mọi nguồn lực cho việc xử lý nợ xấu; Thực hiện có hiệu quả các giải pháp để ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật làm phát sinh nợ xấu tại từng TCTD.