Xử lý mạnh tay với gian lận, giả mạo xuất xứ hàng hóa
Vụ gian lận xuất xứ nhôm quy mô 4,3 tỷ USD vừa bị cơ quan chức năng kịp thời phát hiện đã khiến xã hội dành sự quan tâm đặc biệt. Làm sao để ngăn chặn, xử lý hiệu quả những vụ gian lận tương tự đã, đang hoặc sẽ xảy ra trong tương lai?
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”. Trong đó, tập trung vào các biện pháp trọng tâm như quy định xử phạt vi phạm hành chính, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh lực hải quan đối với hành vi gian lận xuất xứ, giả mạo nhãn hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp…
Đồng thời cần áp dụng các biện pháp nghiệp vụ quản lý rủi ro (đối với cơ quan hải quan) như: thực hiện thu thập, phân tích thông tin trong nước và ngoài nước để xác định mặt hàng, doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao về gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ để áp dụng các biện pháp nghiệp vụ kiểm tra, điều tra, xác minh làm rõ các hành vi vi phạm.
Rà soát xác định những giao dịch, công ty xuất nhập khẩu có kim ngạch xuất nhập khẩu tăng đột biến so với năng lực, quy mô sản xuất để tiến hành thu thập, củng cố thông tin, tiến hành phân tích quyết định kiểm tra, xác minh, điều tra làm rõ dấu hiệu vi phạm.
Đề án trên nhấn mạnh việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra sau thông quan đối với lĩnh vực xuất xứ hàng hóa để kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm. Ngoài việc kiểm tra, giám sát thì các cơ quan chuyên trách cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến những quy định về xuất xứ hàng hóa, chống gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp cho doanh nghiệp, công chức hải quan… Có sự phối hợp giữa lực lượng chuyên trách với các bộ, ngành để trao đổi, kết nối thông tin cấp C/O giữa Bộ Công thương, VCCI với cơ quan hải quan…
Đáng chú ý, đề án nói trên cũng yêu cầu tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác đấu tranh, ngăn chặn gian lận, giả mạo xuất xứ, chủ động sẵn sàng kết nối trao đổi thông tin với cơ quan hải quan, cơ quan điều tra các nước để đấu tranh, ngăn chặn tình trạng gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp làm ăn chân chính, bảo vệ người tiêu dùng.
Tiết lộ từ một cán bộ hải quan cho biết, tình trạng doanh nghiệp thành lập mới chỉ để buôn lậu, gian lận thương mại khá nhiều. Hầu hết những doanh nghiệp thuộc diện nghi vấn, vi phạm nhiều lần đều được phía hải quan bàn giao danh sách cho công an để có hướng xử lý. Nhưng theo như cán bộ này thì đây là thực tế đau lòng, ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh, tác động tiêu cực đến những doanh nghiệp làm ăn chân chính.
“Nếu doanh nghiệp nào cũng đua nhau kinh doanh chụp giựt và có tâm lý nhỏ gian lận kiểu nhỏ, lớn gian lận kiểu lớn thì sẽ rất khó cạnh tranh trong môi trường kinh doanh quốc tế như hiện nay”, giám đốc một doanh nghiệp chuyên kinh doanh hàng nhập khẩu tại TPHCM cho hay.
Thực tế, người bán không khó để phát hiện ra hàng gian lận thương mại, mập mờ xuất xứ, ngoại trừ những mặt hàng được làm giả tinh vi và chỉ bán cho đối tượng khách hàng chuyên biệt. Ví dụ, khách có nhu cầu dùng hàng fake (nhái) để phô trương trong khi không đủ khả năng kinh tế để dùng hàng thật. Bởi thực tế, phần lớn các chủ nhập hàng đều nắm rõ nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa mà mình phân phối. Chính vì thế, đối tượng nên đẩy mạnh tuyên truyền chính là các tiểu thương, doanh nghiệp nhỏ và vừa… Bởi suy cho cùng, những đối tượng này chính là “cánh tay nối dài” để phân phối hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng. Thế nhưng, kỳ lạ ở chỗ, hầu hết những lần lực lượng quản lý thị trường, công an kinh tế… phối hợp kiểm tra các kho hàng, quầy sạp tại các trung tâm mua sắm trên địa bàn TP vi phạm (kinh doanh hàng dỏm, giả mạo xuất xứ) thì chủ hàng đều lắc đầu kêu bị lừa. Nguyên nhân do thiếu hiểu biết nên không biết đó là hàng nhái, giả mạo thương hiệu...
Cũng câu chuyện này, vài hôm trước có khách hàng đặt mua 3 đôi giày Nike trên mạng, giá 2,5 triệu đồng. Người bán hàng (tại quận 5) khẳng định hàng giảm giá, chính hãng mua 2 tặng 1. Người mua thấy giá tốt nên chuyển khoản đầy đủ. Nhưng khi mang về sử dụng chưa đầy 1 tháng, keo dán bị bung, các đường chỉ bị đứt trông rất xấu. Lật mác phía gót giày, khách vô tình phát hiện các dòng chữ “Made in Vietnam” được khâu đè trên dòng chữ “Made in China”.
Khảo sát “bỏ túi” của một đơn vị cho thấy, người tiêu dùng ở các TP lớn hiểu rằng “tiền nào của ấy” và họ chấp nhận hàng thật, giá thật. Ví dụ, người bán có thể sòng phẳng nói với khách rằng, đó là sản phẩm từ quốc gia nào, chất lượng ra sao và bán đúng giá. Ngược lại, một khi khách hàng phát hiện bị lừa, người bán, doanh nghiệp mất uy tín, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh. Mà nhiều điểm bán lừa đảo như thế vô tình tạo ra tiếng xấu cho cả thị trường và đây mới là điều đáng lo.
Do vậy, đi đôi với chế tài đủ mạnh để răn đe thì bản thân những người làm kinh doanh cũng nên soi lại mình và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững thay vì “ăn xổi” như báo chí đã phản ánh trong thời gian qua.