Ngăn chặn tình trạng gian lận xuất xứ và chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp
Trước tình hình các nước ồ ạt khởi xướng điều tra với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam, doanh nghiệp Việt phải đối mặt với việc nhiều mặt hàng Việt như đá nhân tạo, gỗ, sắt, thép...đang lọt vào danh sách cảnh báo nguy hiểm bị Mỹ điều tra chống bán phá giá.
Ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, vụ kho nhôm 4,3 tỷ USD là điển hình của việc Việt Nam dễ bị "lợi dụng" và nhận hình phạt từ phía Mỹ nếu nhà chức trách không quyết tâm, gắt gao với các hành vi gian lận trong giới kinh tế.
Thực tế, Mỹ đang là nước nhập khẩu hàng hoá số 1 của Việt Nam, với hàng loạt các mặt hàng tỷ USD. Do đó, bất cứ một sai sót nào cũng có thể để lại những hệ quả nghiêm trọng.
Đặc biệt, cơ quan Hải quan cũng nhận định nguy cơ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị các nước điều tra, áp thuế chống bán phá giá, thuế tự vệ, thuế trợ cấp ở mức rất cao, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất Việt Nam, mất uy tín trên thị trường quốc tế hoặc bị hạn chế xuất khẩu vào các thị trường này nếu bị nước nhập khẩu phát hiện và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
Trước tình hình đó, Tổng cục Hải quan đã áp dụng nhiều biện pháp quản lý nhằm ngăn chặn tình trạng gian lận xuất xứ và chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp.
Cụ thể, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo và yêu cầu tất cả các Cục Hải quan, bao gồm các cửa khẩu, cảng biển, cảng hàng không, tăng cường công tác giám sát hoạt động xuất nhập khẩu nhằm chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại từ các đối tác khác và bảo vệ hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam đang tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do FTA, vì vậy hàng hóa từ các nước bị áp thuế suất cao sẽ tìm cách chuyển tải bất hợp pháp vào Việt Nam, giả mạo hợp thức hóa xuất xứ Việt Nam sau đó xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản,…nhằm hưởng mức thuế suất ưu đãi mà hàng hóa Việt Nam được áp dụng.
Với vai trò quản lý, giám sát, kiểm soát của cơ quan hải quan theo luật Hải quan là rất quan trọng nhằm chủ động phát hiện, ngăn chặn các hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp, bảo vệ các nhà sản xuất Việt Nam, thu hút dịch chuyển luồng đầu tư vào Việt Nam sản xuất sản phẩm xuất khẩu đáp ứng tiêu chí xuất xứ Việt Nam, nâng cao tính tuân thủ pháp luật cho các doanh nghiệp về các biện pháp phòng vệ thương mại.
Để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ nước ngoài trung chuyển qua Việt Nam gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu hoặc tiêu thụ tại thị trường nội địa gây thiệt hại cho người tiêu dùng, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Hải xây dựng văn bản chỉ đạo chung cho các Cục Hải quan tỉnh, thành phố và các đơn vị có liên quan trong Tổng cục nhằm tăng cường chống gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, ghi nhãn hàng hóa.
Theo đó, quy định cụ thể trách nhiệm, sự phối hợp của các đơn vị nghiệp vụ thuộc Tổng cục Hải quan trong việc thu thập, phân tích thông tin, xác định mặt hàng, doanh nghiệp có rủi ro cao nghi vấn gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp để áp dụng các biện pháp kiểm soát phù hợp; trách nhiệm của Cục Hải quan các tỉnh, thành phố trong việc kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa khi làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; hướng dẫn xem xét chuyển luồng kiểm tra thực tế hàng hóa để kiểm soát chặt chẽ xuất xứ hàng hóa.
Mới đây, Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” được Chính phủ ban hành với mục tiêu nhằm nâng cao hiệu quả của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, nhằm ngăn chặn các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt là gian lận xuất xứ hàng hóa, theo hướng toàn diện, đồng bộ và kịp thời, giúp khai thác hiệu quả các cam kết quốc tế, phát triển bền vững xuất nhập khẩu, bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam trong thương mại quốc tế; bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.
Đề án đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp bao gồm: Tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, đầu tư nước ngoài; Nâng cao nhận thức, hiệu quả thực thi quy định pháp luật về phòng vệ thương mại, xuất xứ, hải quan, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại; Rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ; Ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa.
Bên cạnh đó, Thông qua Dự án Tạo thuận lợi Thương mại, USAID hỗ trợ Chính phủ Việt Nam áp dụng và triển khai cách tiếp cận quản lý rủi ro tại các cơ quan Hải quan và kiểm tra chuyên ngành, từ đó tăng cường việc thực hiện Hiệp định Tạo thuận lợi Thương mại của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) mà Việt Nam và Hoa Kỳ đều là thành viên.
Trong thời gian triển khai, Dự án Tạo thuận lợi Thương mại sẽ hợp tác với Tổng cục Hải quan, Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các bên liên quan nhằm giải quyết tình trạng gian lận xuất xứ và xác định, điều tra chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp nhằm lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại.
Dự án Tạo thuận lợi Thương mại sẽ phối hợp với Tổng cục Hải quan tổ chức Hội thảo đầu tiên về nội dung này, dự kiến diễn ra vào giữa tháng 11/2019, tập trung vào trao đổi kinh nghiệm, đồng thời rà soát những quy định pháp lý liên quan tại Việt Nam và Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó, về phía Bộ Công Thương cũng liên tục phát đi những cảnh báo với doanh nghiệp, các địa phương để ngăn chặn tình trạng gian lận xuất xứ. Nhiều mặt hàng, được Bộ Công Thương nâng lên mức "cảnh báo đỏ" nguy hiểm. Đồng thời, cung cấp thông tin cập nhật, kịp thời để các doanh nghiệp, ngành sản xuất có định hướng đầu tư, kinh doanh phù hợp trong bối cảnh các biện pháp mang tính chất bảo hộ đang diễn biến phức tạp.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 9/2019, đã có 154 vụ việc phòng vệ thương mạiđược khởi xướng điều tra bởi 19 quốc gia và vùng lãnh thổ đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam.Trong đó, Hoa Kỳ là nước khởi xướng điều tra nhiều nhất với 30 vụ, chiếm 19%; thứ hai là Thổ Nhĩ Kỳ với 21 vụ, chiếm 14%; thứ ba là Ấn Độ 20 vụ, chiếm 13% và thứ tư là EU 14 vụ, chiếm 9%.
Đáng chú ý là, dẫn đầu trong các vụ việc phòng vệ thương mại được khởi xướng điều tra là điều tra chống bán phá giá có 87 vụ việc, chiếm 56%; tiếp đó là các vụ việc tự vệ với 33 vụ, chiếm 21%; thứ ba là các vụ việc chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá với 19 vụ việc, chiếm 13% ...