Xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT
Nhấn mạnh về ý nghĩa quan trọng của chính sách an sinh xã hội nói chung và chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) nói riêng trong giữ ổn định chính trị - xã hội, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh khẳng định, những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) cần phải xử lý nghiêm khắc theo quy định để làm gương cho các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm.
Ngày 26/11/2020, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn công tác tham gia tố tụng hình sự đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.
Kiến nghị khởi tố hơn 300 vụ
Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh, thời gian qua, với chức năng, nhiệm vụ được giao, ngành BHXH Việt Nam đã đạt được những kết quả ấn tượng trên các lĩnh vực công tác.
Điển hình như: Công tác phát triển đối tượng dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, nhưng vẫn tạo dấu ấn lớn, nhất là BHXH tự nguyện với dự kiến khoảng 1 triệu người tham gia tính đến hết năm 2020 - cao hơn năm 2019 khoảng từ 300 - 500 nghìn người.
Bên cạnh đó, công tác chi trả các chế độ BHXH được cơ quan BHXH thực hiện ngày càng tốt hơn, đảm bảo đầy đủ, kịp thời quyền lợi cho người dân và người lao động.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ngành BHXH Việt Nam vẫn gặp phải một số khó khăn, trong đó đặc biệt là tình trạng trục lợi quỹ, trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp kéo dài và ngày càng phức tạp, tinh vi hơn. Trong bối cảnh đó, BHXH Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan để xử lý tình trạng này.
Theo ông Đào Việt Ánh, với chức năng được giao, sau gần 2 năm thực hiện Điều 214, 215, 216 của Bộ luật Hình sự và Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao, ngành BHXH Việt Nam đã tích cực tham gia kiến nghị khởi tố các đơn vị vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, nhưng vẫn có rất ít đơn vị bị xử lý.
Từ thực trạng trên, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị này nhằm: Xác định rõ và đúng các hành vi vi phạm; lắng nghe khó khăn của các địa phương để cùng nhau tháo gỡ; xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan đến việc xử lý tố tụng hình sự đối với các hành vi vi phạm.
Theo thống kê, tính đến 30/9/2020, cơ quan BHXH đã kiến nghị khởi tố hơn 300 vụ, trong đó đã có 4 vụ được khởi tố theo Điều 214. Như vậy, đến thời điểm hiện tại, ngoài 4 vụ việc đã có quyết định khởi tố theo Điều 214 về tội gian lận BHXH, BH thất nghiệp, thì hiện chưa có vụ việc nào bị khởi tố theo Điều 215 về tội gian lận BHYT và Điều 216 về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.
Xác định rõ trách nhiệm của từng bên trong quá trình tham gia tố tụng
Giới thiệu về các quy định của Bộ luật Hình sự liên quan các tội danh trong lĩnh vực BHXH, đại diện Tòa án Nhân dân Tối cao cho biết: Tội gian lận BHXH, BH thất nghiệp quy định tại Điều 214; tội gian lận BHYT quy định tại Điều 215; tội trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người lao động quy định tại Điều 216.
Cùng với xác định rõ những tội danh trong lĩnh vực BHXH, đại diện Tòa án Nhân dân Tối cao cũng hướng dẫn việc áp dụng các điều luật này trong Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao.
Tại hội thảo, đại diện các địa phương cũng đã thẳng thắn nêu ra những khó khăn, vướng mắc trong việc xác định hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới các vấn đề như: Xác định hành vi vi phạm, thu thập tài liệu về dấu hiệu “đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm”; về số tiền tính lãi thời gian chậm đóng có được tính làm căn cứ kiến nghị khởi tố hay không…
Để giúp các địa phương nhận diện đúng các hành vi vi phạm, đại diện Bộ Công an cho biết, trên thực tế, các hành vi vi phạm quy định tại Điều 216 của Bộ luật Hình sự thường bị nhầm lẫn hoặc khó xác định, do có tính chất cố ý và vô ý. Từ thực tế này, để thực hiện hiệu quả công tác tố tụng ban đầu, phía cơ quan BHXH cần nắm rõ thông tin, trao đổi với phía cơ quan Công an và chính quyền địa phương để nắm bắt tình hình doanh nghiệp, từ đó có quyết định đúng khi chuyển hồ sơ sang cơ quan công an.
Đồng tình với quan điểm này, đại diện Tòa án Nhân dân Tối cao cho rằng, hành vi trốn đóng BHXH là vi phạm pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động, cũng như sự phát triển kinh tế đất nước.
Chính vì vậy, các trường hợp này cần phải xử lý nghiêm để có thể răn đe, nhưng để xử lý được một cách đúng tội thì cần sự phối hợp chặt chẽ của các bên, đặc biệt là cần xác định rõ trách nhiệm của từng bên trong quá trình tham gia tố tụng.
Kết luận Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh mong muốn, thời gian tới, ngành BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ phía Bộ Công an và Tòa án Nhân dân Tối cao trong việc gỡ vướng quá trình xử lý doanh nghiệp vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT.
Đồng thời, ông cũng yêu cầu các địa phương trước khi gửi hồ sơ sang cơ quan Công an cần trao đổi, nắm bắt thông tin để việc xử lý dễ dàng nhất. “Đối với một số trường hợp cố tình vi phạm, cần bổ sung hồ sơ chuyển sang cơ quan Công an để xử lý một cách nghiêm khắc theo quy định của pháp luật, qua đó làm gương cho các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm”- Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh nhấn mạnh.
Theo thống kê, tính đến 30/9/2020, cơ quan BHXH đã kiến nghị khởi tố hơn 300 vụ, trong đó đã có 4 vụ được khởi tố theo Điều 214. Như vậy, đến thời điểm hiện tại, ngoài 4 vụ việc đã có quyết định khởi tố theo Điều 214 về tội gian lận BHXH, BH thất nghiệp, thì hiện chưa có vụ việc nào bị khởi tố theo Điều 215 về tội gian lận BHYT và Điều 216 về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.