Vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán sẽ bị xử phạt tới 3 tỷ đồng

PV.

Luật Chứng khoán (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội khóa XIV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019), nếu được thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019), thì mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính sẽ là 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân.

Quy định về mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính là 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân. Nguồn: Internet
Quy định về mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính là 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân. Nguồn: Internet
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa đăng tải Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) và dự thảo Tờ trình Chính phủ của dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) trên cổng thông tin Điện tử UBCKNN (www.ssc.gov.vn) để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia góp ý kiến.
Dự thảo bổ sung một số quy định về thẩm quyền của UBCKNN khi tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm như: Yêu cầu các tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ thanh tra, kiểm tra, giám sát…

Theo các chuyên gia chứng khoán, để đảm bảo thị trường chứng khoán hoạt động công bằng, hiệu quả và minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, việc bổ sung thẩm quyền bảo đảm cho UBCKNN có đủ quyền lực để thực thi tốt các chức năng quản lý, giám sát, thanh tra và cưỡng chế thực thi, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán là cần thiết.

Từ đầu năm đến nay, UBCKNN đã ban hành nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, trong đó có các cá nhân là lãnh đạo doanh nghiệp, hoặc có mối liên quan tới ban lãnh đạo. Theo thống kê, 7 tháng đầu năm 2018, UBCKNN đã xử phạt hành chính 231 tổ chức, cá nhân vi phạm (gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2017), với tổng số tiền xử phạt hơn 11 tỷ đồng (gần bằng 2 lần so với cùng kỳ năm 2017.

Các vi phạm chủ yếu liên quan đến hoạt động công bố thông tin cơ bản, nhưng có tác động không nhỏ tới giá cổ phiếu như giải trình kết quả kinh doanh, báo cáo tài chính, quyết định xử lý vi phạm của cơ quan thuế.

Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ tình trạng vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin vẫn còn nhiều, là vì chế tài chưa đủ mạnh. Do đó, để khắc chế tình trạng này, cần trao quyền cho UBCKNN và các Sở giao dịch xử lý vi phạm nhanh hơn, mạnh hơn để giảm thiểu tình trạng vi phạm, cũng như giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư khác trên thị trường chứng khoán.  

Trước yêu cầu từ thực tiễn này, tại Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi), quy định về mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính là 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân. Mức phạt tiền tối đa trong trường hợp tái phạm gấp 2 lần mức phạt tiền tối đa trong trường hợp vi phạm lần đầu và tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng một hoặc một số các biện pháp xử lý quy định tại Luật này. Cùng với đó, Dự thảo Luật cũng trao quyền cho Chủ tịch UBCKNN, Chánh Thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán.

Đồng thời, Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) đã bổ sung thêm đối tượng phải công bố thông tin. Theo đó, bổ sung các đối tượng công bố thông tin là tổ chức niêm yết, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam; Tổ chức kiểm toán được chấp thuận; Dự án Luật bổ sung đối tượng công bố thông tin là tổ chức niêm yết, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam; Tổ chức kiểm toán được chấp thuận; Người nội bộ của công ty đại chúng, quỹ đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng và người có liên quan của người nội bộ; Cổ đông lớn, nhóm người có liên quan sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty đại chúng; Nhà đầu tư, nhóm người có liên quan sở hữu từ 5% trở lên chứng chỉ quỹ của quỹ đóng; Cổ đông sáng lập trong thời gian bị hạn chế chuyển nhượng của công ty đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng...

Dự thảo Luật chứng khoán (sửa đổi) với mức xử phạt mới khi được thông qua sẽ  hỗ trợ hoạt động giám sát, phát hiện, xử lý vi phạm, nhất là các hành vi mang tính lạm dụng thị trường như hành vi thao túng, nội gián, góp phần tăng cường tính minh bạch trên thị trường chứng khoán.