Xu thế mới trong hợp tác công ty chứng khoán ASEAN
Hội nghị Tổng giám đốc các sở Giao dịch Chứng khoán ASEAN lần thứ 25 và Chương trình ASEAN Broker Networking (Kết nối công ty chứng khoán ASEAN) lần thứ 3 diễn ra vào cuối tuần qua đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa các công ty chứng khoán trong nước và khu vực.
“Nổ phát súng” đầu tiên là Công ty chứng khoán (CTCK) Bảo Việt (BVSC), khi ký kết thỏa thuận hợp tác song phương với CTCK MNC (Indonesia).
Chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, ông Nhữ Đình Hòa, Tổng giám đốc BVSC cho biết, việc BVSC chính thức ký với MNC đánh dấu mốc quan trọng trong định hướng tăng cường hợp tác quốc tế, mở rộng khai thác thị trường ra khu vực của BVSC.
Đây là một phần quan trọng trong chiến lược hoạt động giai đoạn 2016–2020 của Công ty. Thông qua đó, BVSC mong muốn đẩy mạnh các cơ hội hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển sản phẩm... nhằm mang lại những trải nghiệm dịch vụ tốt nhất cho khách hàng.
Theo thỏa thuận ký kết, BVSC và MNC sẽ cùng nhau phát triển mối quan hệ hợp tác kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ cho khách hàng, chia sẻ các cơ hội đầu tư tiềm năng bằng những thế mạnh nghiệp vụ của mỗi bên.
Không chỉ ký kết với đối tác đến từ Indonesia, BVSC còn có cuộc tiếp xúc song phương với các CTCK đến từ Singapore, Malaysia, Myanmar, Thái Lan…
Đánh giá về xu thế mới trên thị trường vốn, ông Hòa cho biết thêm, BVSC nhận thấy tiềm năng từ các cuộc hợp tác với các CTCK trong khu vực ASEAN là có, song trước mắt sẽ là các cơ hội đầu tư trực tiếp đã và đang diễn ra.
Bởi trên thực tế, Malaysia, Thái Lan, Singapore vẫn đang đầu tư trực tiếp khá nhiều vào Việt Nam, còn đầu tư gián tiếp thì chưa lớn do thủ tục hành chính cũng còn khó khăn cho phía nhà đầu tư nước ngoài liên quan đến các quy định về ngoại hối.
Riêng các khoản đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài hiện nay vẫn còn rất hạn chế, trong đó có nguyên nhân quan trọng là khung pháp lý chưa cho phép.
Ông Phan Anh Vũ, Phó giám đốc CTCK Vietcombank (VCBS) cho biết, Chương trình kết nối các CTCK ASEAN lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam đã tạo cơ hội cho các CTCK trong nước tìm kiếm cơ hội hợp tác với các CTCK trong khu vực.
Trong khuôn khổ Chương trình, VCBS đã làm việc với một số đối tác, thảo luận về khả năng chia sẻ cơ hội đầu tư cho khách hàng của nhau cũng như tìm kiếm đối tác chiến lược ở góc độ hợp tác kinh doanh tại mỗi nước ASEAN.
Theo đó, các CTCK trong khu vực có thể giới thiệu khách hàng của mình đến mở tài khoản trực tiếp tại VCBS để giao dịch tại thị trường Việt Nam.
Ngoài ra, các CTCK nước ngoài có thể mở tài khoản tổng và đăng ký các tài khoản khách hàng dưới dạng tiểu khoản để đơn giản hoá thủ tục mở tài khoản cho từng khách hàng khi đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Theo lãnh đạo VCBS, TTCK càng phát triển thì áp lực tăng năng lực tài chính của khối CTCK càng lớn. Một trong những cách tăng năng lực tài chính là tìm cơ hội hợp tác chiến lược với một đối tác đủ tầm thông qua các cuộc gặp song phương.
Công ty cũng đã tính tới việc gia tăng sức mạnh tài chính trong tương lai nếu như VCBS thay đổi hình thái sở hữu và cần phải được sự chấp thuận của Ngân hàng Vietcombank.
Thực tế, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam tuy quy mô còn nhỏ so với khu vực, nhưng đang là điểm đến hấp dẫn bởi tiềm năng tăng trưởng kinh tế và chính trị ổn định.
Nhiều CTCK trong nước cũng cho biết, hiện tại, nhà đầu tư nước ngoài đến từ Singapore, Thái Lan, Malaysia… đang ngày một quan tâm đến TTCK Việt Nam và đây là cơ hội để các CTCK trong nước mở rộng hợp tác.
Các CTCK trong nước cũng đã chia sẻ với các CTCK trong khu vực những thông tin và cơ hội đầu tư tốt nhất tại thị trường Việt Nam, các cơ hội M&A, cơ hội đầu tư vào các doanh nghiệp thông qua hình thức đầu tư trái phiếu hoặc cổ phiếu.
Đồng thời, CTCK cũng mong muốn tìm kiếm các cơ hội hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các nguồn vốn từ các nước trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).
Bên cạnh việc hợp tác với CTCK CIMB (Singapore), một trong những CTCK có quy mô toàn cầu, nhằm giới thiệu các cơ hội đầu tư ở TTCK Việt Nam ra nước ngoài thông qua các cuộc hội thảo và tiếp xúc nhà đầu tư được tổ chức bởi CIMB tại khu vực, VN Direct cũng như nhiều CTCK khác mong muốn tìm một đối tác chiến lược để nâng tầm dịch vụ, mở rộng ra các nước trong khu vực.
Đối tác chiến lược phải đảm bảo tiêu chí quan trọng nhất là có cam kết về nguồn lực và thấu hiểu văn hóa của thị trường châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng.
Tại Chương trình Kết nối CTCK ASEAN, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước nhìn nhận, cơ hội hợp tác giữa các CTCK trong nước với các CTCK trong khu vực ASEAN luôn hiện hữu, đặc biệt thông qua các cuộc họp, trao đổi thông tin sẽ giúp các bên hiểu rõ về nhau, từ đó đi đến các mối quan hệ hợp tác. Hiện nay, nhiều nhà đầu tư đến từ Thái Lan, Malaysia đang khá quan tâm đến thị trường Việt Nam.
“Trong vai trò cầu nối, các CTCK phải làm thế nào để biến sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài thành các hoạt động đầu tư thực sự. Phía cơ quan quản lý sẽ tiếp tục hoàn thiện về hành lang pháp lý theo hướng nâng dần tiêu chuẩn hoạt động của các CTCK để giúp thị trường quản trị tốt hơn và hoạt động bền vững hơn”, ông Sơn nói.
Các thị trường vốn ASEAN riêng lẻ còn ở quy mô nhỏ nên phạm vi sản phẩm và dịch vụ chưa được phong phú. Vì vậy, sự hợp tác giữa các CTCK trong khu vực được kỳ vọng sẽ tạo ra sự cộng hưởng, giúp từng thị trường trong khu vực thu hút mạnh mẽ hơn lượng nhà đầu tư, để đưa thị trường vốn ASEAN nâng tầm mạnh mẽ trong thời gian tới.