Xuất khẩu gạo năm 2021 đạt khoảng 6 triệu tấn
Ngày 17/9, tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, ước tính 8 tháng năm 2021 đã xuất hơn 3,96 triệu tấn gạo, trị giá 2,11 tỉ USD, so với cùng kỳ giảm 14% về số lượng và giảm 6% về giá trị. Dự kiến năm 2021, các doanh nghiệp sẽ xuất khẩu gạo đạt từ 6-6,2 triệu tấn, kim ngạch đạt khoảng 3,32 tỉ USD.
Thời gian qua, do nhiều địa phương tại Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế đi lại… khiến việc thu mua lúa gạo trong nông dân cùng việc vận chuyển, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn, từ đó ảnh hưởng nhất định đến đời sống của người trồng lúa, cũng như hoạt động của các thương nhân xuất khẩu gạo.
Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp đã nỗ lực duy trì xuất khẩu, ước tính 8 tháng năm 2021 đã xuất hơn 3,96 triệu tấn gạo, trị giá 2,11 tỉ USD, so với cùng kỳ giảm 14% về số lượng và giảm 6% về giá trị. Dự kiến năm 2021, các doanh nghiệp sẽ xuất khẩu gạo đạt từ 6-6,2 triệu tấn, kim ngạch đạt khoảng 3,32 tỉ USD.
Khó khăn hiện nay là đặc thù tại Đồng bằng sông Cửu Long kênh rạch chằng chịt nên việc vận chuyển lúa gạo đa số bằng đường thủy. Tuy nhiên, một số nơi bị ách tắc phương tiện lưu thông thủy do áp dụng giãn cách để phòng chống dịch COVID-19, dẫn đến nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng lúa gạo hàng hóa từ đồng ruộng ra đến nhà máy chế biến, cũng như các cảng để phục vụ xuất khẩu.
Bên cạnh đó, việc ưu tiên tiêm vaccine cho doanh nghiệp chế biến gạo và người lao động chưa được chú trọng nhiều. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân công làm việc tại các nhà máy chế biến gạo xuất khẩu.
Cũng theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cuối tháng 8/2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có những chính sách chỉ đạo các ngân hàng thương mại hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp. Thế nhưng, hạn mức cho vay thấp, thời gian cho vay ngắn và hầu hết các thủ tục giải ngân đều yêu cầu doanh nghiệp phải có hợp đồng xuất khẩu gạo; trong khi tình hình ký kết, thực hiện hợp đồng trong giai đoạn giãn cách xã hội hiện nay là hết sức khó khăn. Vì vậy, nhu cầu nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo hiện vẫn chưa được đáp ứng phù hợp.
Trước tình hình này, Hiệp hội kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét gia hạn nợ đối với các doanh nghiệp khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19; tiếp tục giảm thêm lãi suất cho vay đối với nguồn vốn phục vụ hoạt động thu mua lúa gạo; đơn giản hóa quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay; đồng thời đa dạng các sản phẩm tín dụng phù hợp với tình hình sản xuất, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu gạo những tháng cuối năm...