Xuất khẩu gạo Việt Nam nhiều lạc quan nhờ hưởng lợi từ Hiệp định EVFTA
Xuất khẩu gạo của Việt Nam hưởng nhiều lợi thế nhờ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) mang lại.
EVFTA mang lại cơ hội cho gạo Việt
Theo các thương nhân ngành lúa gạo, Hiệp định EVFTA đã mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu gạo Việt Nam tại các thị trường lớn, tạo lợi thế cạnh tranh cho gạo Việt Nam trên thị trường thế giới. Bằng chứng là trong hơn 6,5 tháng qua, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang dẫn đầu và ổn định ở mức khá cao, cao nhất trong nhóm 4 nước xuất khẩu gạo truyền thống là Việt Nam, Thái Lan, Pakistan và Ấn Độ.
“Xuất khẩu gạo Việt tại các thị trường lớn đang có thế cạnh tranh hơn so với gạo các nước Ấn Độ, Thái Lan. Trong năm 2022, gạo Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là Hiệp định EVFTA” - ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, nhận định.
Tháng 6/2022 vừa qua, Tập đoàn Lộc Trời đã xuất khẩu 500 tấn gạo thơm thương hiệu riêng của Lộc Trời là “Cơm Việt Nam Rice” sang EU. Gạo được vận chuyển bằng đường biển tới 3 nước: Đức, Hà Lan và Pháp. Trong tương lai, gạo Việt sẽ “phủ sóng” tại các nước EU nhờ chất lượng vượt trội.
Theo bà Vũ Thị Huệ - Trưởng phòng Kinh doanh Xuất nhập khẩu, Công ty TNHH Xuất Nhập khẩu Đại Dương Xanh, từ khi thực thi Hiệp định EVFTA, cơ hội xuất khẩu gạo Việt Nam tại thị trường EU rất lớn. EVFTA đã mang lại ưu đãi thuế quan giúp giá gạo Việt Nam sang EU có lợi thế cạnh tranh hơn rất nhiều, tạo cơ hội để doanh nghiệp Việt tăng thị phần xuất khẩu gạo tại thị trường EU.
Minh chứng rõ nhất là năm nay, nhiều doanh nghiệp đã xuất khẩu cả tàu với số lượng lớn hàng ngàn tấn, thay vì xuất số lượng nhỏ lẻ trước đây chỉ vài trăm tấn.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, gạo là mặt hàng tăng trưởng rõ rệt nhất trong mấy năm gần đây vào Bắc Âu và lượng gạo nhập vào Thụy Điển từ Việt Nam đã tăng đáng kể sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Gần đây, gạo Jappnica cũng đã xâm nhập thành công vào thị trường Thụy Điển.
Tái cơ cấu để chinh phục thị trường thế giới bằng chất lượng
TS. Trần Ngọc Thạch - Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long - cho hay, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất lúa gạo chính của cả nước, với sản lượng trung bình hàng năm khoảng 24 triệu tấn và cung cấp trên 90% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, các chuyên gia ngành lúa gạo cho rằng, Việt Nam vẫn chiếm ưu thế phân khúc gạo trắng hạt dài, chưa khai thác tốt thị trường ngách cho các phân khúc gạo thơm cao cấp, gạo japonica, gạo giàu chất dinh dưỡng và gạo hữu cơ. Chưa xây dựng được vùng lúa nguyên liệu và tổ chức sản xuất phù hợp với các yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và các tiêu chuẩn khác về vệ sinh an toàn thực phẩm; chưa truy xuất được nguồn gốc và độ thuần của gạo để đảm bảo tính ổn định của chất lượng gạo; chưa xây dựng được thương hiệu và tiêu chuẩn gạo cho từng sản phẩm. Để xuất khẩu bền vững, Việt Nam phải giải quyết được tất cả các vấn đề này.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng nhấn mạnh: Để đảm bảo gạo thơm xuất khẩu sang EU được hưởng ưu đãi phải được chứng nhận đảm bảo tính đúng giống. Do đó, doanh nghiệp phải có diện tích canh tác đảm bảo đúng giống, chất lượng, thực hiện đúng các cam kết của EVFTA.
Hiện nay, ngành lúa gạo đang được tái cơ cấu mạnh mẽ theo hướng tăng giá trị, giảm diện tích gieo trồng, phát triển bền vững. Do đó, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, trong thời gian tới, bộ sẽ phối hợp với các địa phương và các doanh nghiệp tập trung xây dựng thương hiệu cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam, đồng thời tiếp tục triển khai các cơ chế, chính sách, giải pháp xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo hoàn chỉnh, phục vụ xuất khẩu bền vững
“Xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2022 tương đối tốt. Với tình hình khan hiếm lương thực của thế giới, trong đó có lúa gạo như hiện nay, xuất khẩu gạo của Việt Nam từ nay đến cuối năm sẽ tốt. Bộ Công Thương và Hiệp hội Lương thực Việt Nam dự báo, trong năm 2022 sẽ xuất khẩu khoảng 6,3 - 6,4 triệu tấn gạo, tăng hơn năm ngoái khoảng 20.000 tấn. Điều đáng nói là giá cả tương đối ổn định”.
Ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An