Xuất khẩu sang EU tăng hơn 21% so với cùng kỳ nhờ tận dụng EVFTA
5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU đạt 26,2 tỷ USD, tăng 14,36%, chiếm 8,55% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.
Theo Bộ Công Thương, trong 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU tiếp tục tăng trưởng nhờ lợi thế từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) mang lại.
Cụ thể, 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU đạt 26,2 tỷ USD, tăng 14,36%, chiếm 8,55% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.
Trong đó, xuất khẩu sang EU đạt 19,54 tỷ USD, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 12,7% xuất khẩu cả nước. Các mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng cao như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 3,11 tỷ USD, tăng 15,3%; máy móc thiết bị và phụ tùng khác đạt 2,23 tỷ USD, tăng 15,8%; hàng dệt may đạt 1,66 tỷ USD, tăng 36,4%, trong đó xuất khẩu hàng dệt may sang Đức tăng 44%, Hà Lan tăng 43%; hàng thuỷ sản đạt 560 triệu USD, tăng 43,9%; cà phê đạt 0,78 tỷ USD, tăng 43,2%; gạo đạt 7,09 triệu USD, tăng 1,1%...
Về nhập khẩu, trong 5 tháng đầu năm, nhập khẩu từ EU đạt 6,66 tỷ USD, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 4,4% nhập khẩu cả nước. Trong đó, các mặt hàng nhập khẩu chính từ EU là thức ăn gia súc và nguyên liệu, sản phẩm hoá chất, dược phẩm, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị và phụ tùng khác.
Bộ Công Thương đánh giá, các ngành tận dụng khá tốt cơ hội từ việc cắt giảm thuế quan của EU thông qua hiệp định thương mại tự do thế hệ mới EVFTA. Trong 5 tháng đầu năm, các ngành hàng có tỷ lệ sử dụng mẫu C/O EVFTA cao, gồm: gạo 372,88%, thuỷ sản 76,67%, rau quả 64,21%, chè 53,43%, giày dép 97,58%, bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc 84,85%...
Các chuyên gia kinh tế dự báo, trên đà tăng trưởng năm 2021, năm 2022, thị trường xuất khẩu sẽ tiếp tục mở rộng ở nhiều quốc gia, đặc biệt với một số thị trường lớn đến từ các quốc gia cùng tham gia FTA, như EVFTA. Các ngành sản xuất như nông sản, dệt may, giày dép, gỗ, linh kiện điện tử…. đã đưa ra kế hoạch tăng trưởng hơn 10% so với năm 2021.
Tuy nhiên, để nắm bắt cơ hội xuất khẩu cho hàng hóa, Tổng cục Thống kê cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách xúc tiến thương mại phù hợp với diễn biến tình hình trong và ngoài nước. Đặc biệt, cần có cơ chế, chính sách xuất khẩu không chỉ theo hướng thúc đẩy xuất khẩu mà phải gắn xuất nhập khẩu với kinh tế chung của cả nước, phát triển xuất nhập khẩu bền vững...