Tận dụng EVFTA để phát triển thị trường EU
Thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2021 đạt 63,6 tỷ USD, tăng trưởng 14,8% so với năm 2020.
Xuất nhập khẩu có nhiều cơ hội
Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang các nước EU trong năm 2021 đạt 45,8 tỷ USD, tăng 14,2% và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ khối này đạt 17,9 tỷ USD, tăng 16,5% so với năm 2020.
Nguyên nhân chính cho sự tăng trưởng nói trên là nhờ Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và khối EU (EVFTA), có hiệu lực vào tháng 8/2020.
Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ (C/O mẫu EUR.1) đạt khoảng 7,8 tỷ USD cho thấy, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng cơ hội từ việc cắt giảm thuế quan của EU theo EVFTA.
Đáng chú ý, đối với gạo Việt Nam, EVFTA mở ra cơ hội rất lớn với hạn ngạch 80.000 tấn thuộc các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao được miễn giảm thuế quan và đã có những kết quả tích cực.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, trong 11 tháng năm 2020, Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường này 53.910 tấn gạo, trị giá 38,07 triệu USD, tăng 0,8% về lượng và 21,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Theo đó, tỷ trọng gạo thơm trong tổng xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU cũng đã tăng lên 70% trong 11 tháng năm 2021, tăng 6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020.
Cả gạo thơm, các mặt hàng nông sản khác cũng nhận được lợi ích từ EVFTA, đặc biệt là các loại hoa quả nhiệt đới, khi được tăng tính cạnh tranh nhờ các ưu đãi thuế quan so với các quốc gia châu Á khác chưa có hiệp định thương mại tự do với EU.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính của Việt Nam (bao gồm cà phê, hạt điều, cao su, rau quả, hạt tiêu, gạo và chè) sang thị trường EU trong 11 tháng năm 2021 đạt khoảng 2,2 tỷ USD và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Với kết quả này, xuất khẩu các loại nông sản chính sang EU chiếm 13,7% tổng kim ngạch xuất khẩu, đưa EU trở thành một trong những thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam.
Đa phần thị trường xuất khẩu nông sản chính trong năm 2021 của Việt Nam trong khu vực EU đều có sự tăng trưởng tích cực dù chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.
Cụ thể, xuất khẩu nông sản sang Đức đạt 641 triệu USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu sang Hà Lan đạt 500 triệu USD, tăng 1,9%, sang thị trường Italy đạt 285 triệu USD, tăng 3,2%, còn xuất khẩu sang Pháp tăng trưởng 25,2%, đạt 142 triệu USD.
Mặt khác, một số thị trường có kim ngạch xuất khẩu nhỏ nhưng đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ, cho thấy tiềm năng xuất khẩu như Phần Lan (tăng 198%), Hungary (tăng 86,9%), Cộng hoà Séc (tăng 49,2%).
Nhiệm vụ phát triển thị trường EU trong năm 2022
Trong Hội nghị tổng kết về công tác phát triển thị trường châu Âu năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), Thứ trưởng Đặng Hoàng An đã nhận định, năm nay xuất khẩu Việt Nam sang EU sẽ gặp phải những trở lực nhất định như tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn phức tạp có thể gây rủi ro cho kinh tế và thương mại thế giới.
Song song đó, xung đột địa chính trị ngày càng căng thẳng, cạnh tranh gay gắt trên thị trường và yêu cầu ngày càng cao về tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Ngoài ra vẫn có những rủi ro về khả năng điều tra và áp thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với ngày càng nhiều quốc gia tăng cường xuất khẩu vào thị trường châu Âu.
Trong đó, công tác phát triển thị trường châu Âu năm 2022 được đặc biệt lưu ý khai thác và tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, phối hợp với hệ thống thương vụ Việt Nam tại các quốc gia để bám sát thị trường, quảng bá các sản phẩm và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đưa sản phẩm tới người tiêu dùng nước ngoài.