Xuất khẩu gỗ: Cơ hội và thách thức mới
Gỗ là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Trong năm 2015, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 6,9 tỷ USD, đưa Việt Nam thành nước xuất khẩu đồ gỗ lớn thứ 4 trên thế giới, sau Trung Quốc, Đức và Ý.
Thống kê trong 7 tháng đầu năm nay của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, xuất khẩu gỗ và sản phẩm đạt kim ngạch 3,8 tỷ USD. Dự báo, con số này của cả năm có thể đạt trên 7,4 tỷ USD. Với triển vọng còn rất lạc quan, các chuyên gia cho rằng, ngành gỗ Việt Nam có khả năng đạt kim ngạch xuất khẩu 20 tỷ USD trong 5-10 năm tới.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), những năm qua xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ luôn vượt trội hơn so với nhiều ngành hàng chủ lực khác.
Đặc biệt, xuất khẩu gỗ sẽ rộng đường tăng trưởng hơn khi dự kiến cuối năm nay, Hiệp định Đối tác tự nguyện (VPA) về tăng cường thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT) giữa Việt Nam và EU được ký kết.
Dưới góc nhìn doanh nghiệp (DN) trong ngành, ông Vũ Quốc Vương, Chủ tịch Hội Gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ cũng có chung nhận xét: Nhiều DN ở Đồng Kỵ đã khẳng định được thương hiệu và sản xuất ra những sản phẩm gỗ đạt chất lượng và xuất khẩu vào các thị trường khó tính, đặc biệt là thị trường EU. Việc ký kết VPA/FLEGT giúp cho việc xuất khẩu gỗ Việt Nam được minh bạch, hợp pháp và sẽ khuyến khích quản lý rừng bền vững hơn, thúc đẩy quản trị rừng và DN tốt hơn.
Đồng tình với quan điểm trên, một số chuyên gia nhận định việc Việt Nam ký kết VPA/FLEGT với EU sẽ còn giúp tăng niềm tin với khách hàng Hoa Kỳ, Úc và Nhật Bản - những thị trường đã áp dụng quy chế tương tự như EU về nguồn gốc gỗ hợp pháp, qua đó góp phần mở rộng thêm một số thị trường xuất khẩu quan trọng của ngành gỗ Việt Nam.
Cụ thể, VPA/FLEGT sẽ giúp các DN gỗ Việt Nam tăng cường năng lực, tạo chuyển biến tích cực về môi trường sản xuất và quyền lợi của người lao động. Ngoài việc sản phẩm gỗ được sản xuất từ nguồn gỗ hợp pháp sẽ có giá cao hơn, kể cả tại thị trường ngoài EU, thì việc thực thi Hiệp định sẽ giúp bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, bởi khi sản phẩm gỗ xuất khẩu vào EU được sản xuất từ gỗ rừng trồng trong nước, có xuất xứ rõ ràng sẽ là cơ hội tốt để phát triển trồng rừng.
Đáng chú ý, VPA/FLEGT cũng sẽ tạo cơ hội để Việt Nam hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp gỗ Việt Nam được đồng bộ, có tính khả thi cao hơn, giúp cho DN xây dựng được những chương trình, kế hoạch sản xuất kinh doanh lâu dài, ổn định và bền vững, cũng như quản trị DN lâm nghiệp một cách chuyên nghiệp hơn.
Tuy nhiên, theo Vifores, mặc dù EU là thị trường rất tiềm năng cho sản phẩm gỗ của Việt Nam, nhưng để xuất khẩu gỗ sang thị trường này cần có những tiêu chuẩn khắt khe. Trong đó, việc EU đưa ra dự thảo đầu tiên về chương trình hành động FLEGT là ví dụ điển hình. Một trong những nội dung quan trọng nhất của chương trình này là ký kết VPA với các quốc gia đối tác xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ vào EU.
Trong khi đó, các đối tượng chịu tác động mạnh của VPA/FLEGT như các hộ gia đình trồng rừng, các làng nghề và các cơ sở chế biến gỗ nhỏ và rất nhỏ chưa được tiếp cận và nhận thức còn mờ nhạt về Hiệp định. Và chúng ta chưa có một nghiên cứu và đánh giá đầy đủ về tác động của VPA/FLEGT đối với các đối tượng này.
Hiện nay và sau này, Việt Nam vẫn cần nhập khẩu gỗ từ nhiều quốc gia chưa quan tâm đầy đủ tới tính pháp lý về khai thác, sử dụng buôn bán nguồn gỗ hợp pháp, nên sẽ tạo ra nhiều rủi ro cho các DN nhập khẩu gỗ. Mặt khác, DN gỗ Việt Nam phần lớn là DNNVV, trình độ và năng lực để quản lý nguồn gỗ hợp pháp thông qua chuỗi hành trình sản phẩm còn rất hạn chế.
Cùng với đó, các làng nghề gỗ và các hộ cá thể sản xuất đồ gỗ xuất khẩu không có giấy phép sản xuất kinh doanh, không có hồ sơ, hóa đơn bán hàng, mua hàng... và sử dụng nguồn gỗ có nguồn gốc phức tạp sẽ chịu tác động rất lớn hoặc giải thể hoặc tạm dừng sản xuất.
Ông Vũ Quốc Vương thừa nhận, vẫn có nhiều DN gỗ chưa nắm được các đòi hỏi của FLEGT, cũng như chưa biết những tác động của VPA/FLEGT đối với hoạt động và xuất khẩu sang EU. Vì vậy, cần có những tập huấn chuyên sâu cho các hội viên để nắm rõ hơn về VPA/FLEGT.
Gợi mở giải pháp cho DN, ông Nguyễn Tôn Quyền cho rằng, các DN ngoài việc tiếp cận thông tin, mở rộng kiến thức về VPA/FLEGT, còn cần xây dựng hệ thống quản lý để theo dõi chuỗi hành trình sản phẩm (CoC), quy trình quản lý nguồn nguyên liệu (IWAY)... để có sự cải tiến phù hợp.
Đồng thời, cần quan tâm đến các quy định pháp lý để chấp hành tốt các quy định pháp luật, đảm bảo hồ sơ xuất khẩu hợp lệ và đánh giá cấp chứng chỉ hệ thống quản trị như ISO, SA...