Xuất khẩu không lo thiếu đơn hàng mà chỉ sợ rủi ro

Theo Nhật Linh/vnbusiness.vn

Tổng cầu thế giới tăng trở lại, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cho biết đã có đơn hàng từ 6 tháng tới cả năm. Song, trước thách thức của dịch bệnh COVID-19, xung đột Nga - Ukraine, rủi ro trong hoạt động xuất khẩu cũng gia tăng. Đó có thể là khó khăn chung như chi phí logistics đội lên cao hay những rủi ro như bị đối tác lừa trắng cả lô hàng, đối mặt nguy cơ phá sản...

Cước vận tải biển vẫn tiếp tục là rào cản với các doanh nghiệp xuất khẩu.
Cước vận tải biển vẫn tiếp tục là rào cản với các doanh nghiệp xuất khẩu.

Kinh doanh thời kỳ này, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cho biết phải đứng trước nhiều vấn đề khó khăn, nếu không muốn nói là "may hơn khôn" trước những quyết định.

Lừa đảo thương mại gia tăng

Trong đó phải kể tới vụ gần 100 container điều xuất khẩu sang thị trường Italia có nguy cơ bị lừa, đến nay vẫn còn khoảng 30 container bị mất kiểm soát với bộ chứng từ. Có thể nói, để lấy lại lô hàng, chuyển sang bán cho đối tác khác chắc chắn sẽ là hành trình gian nan và tốn kém cả về thời gian và tiền bạc với các doanh nghiệp trong vụ việc này.

2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu tăng trưởng 11,7% so với cùng kỳ nhưng rủi ro cũng gia tăng. 
2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu tăng trưởng 11,7% so với cùng kỳ nhưng rủi ro cũng gia tăng. 

 

Theo ông Nguyễn Đức Thanh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Italia, các doanh nghiệp và Hiệp hội Điều Việt Nam cần tích cực làm việc với các cơ quan hữu quan để làm sao có các phán quyết khẩn cấp nhằm giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể sớm giải phóng hàng, bởi vì với mặt hàng thực phẩm như điều nhân, thời gian chính là tiền bạc.

Dù đưa ra khá nhiều khuyến nghị, kinh nghiệm trong việc lựa chọn phương thức thanh toán, song ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), bày tỏ băn khoăn khi một doanh nghiệp có chia sẻ với ông rằng: Đã là người bán, ai chẳng muốn chọn phương thức trả tiền trước hoặc L/C (ngân hàng thay mặt người nhập khẩu cam kết với người xuất khẩu sẽ trả tiền trong thời gian quy định khi người xuất khẩu cung cấp hàng hóa xuất trình những chứng từ phù hợp với quy định trong L/C đã được ngân hàng mở theo yêu cầu của người nhập khẩu). 

"Nhưng nếu ai cũng như mình "khôn hết phần thiên hạ" thì còn đâu là thị trường. Người mua cũng khôn khéo, lọc lõi lắm, nên cuối cùng lựa chọn phương thức thanh toán nào lại nằm ở vị thế đàm phán giữa người bán và người mua với nhau, chứ không phải do phương thức thanh toán nào ưu việt hơn", ông Hải dẫn lời một doanh nghiệp xuất khẩu.

Trong khi đó, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group nhắc tới cú lừa thế kỷ khiến ông "bạc đầu". Ông kể: Vào năm 2007, Phúc Sinh nhận được một đơn hàng 37 container hồ tiêu giao ngay một lần sang cảng Varna (Bulgaria) với mức giá hấp dẫn 6.300 USD/tấn CIF, thanh toán tại ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ. Ở thời điểm đó, giá trị lô hàng lên tới 53 tỷ đồng - một con số quá hấp dẫn với một doanh nghiệp startup. Khách đã đặt cọc 10% và hàng được vận chuyển sang Varna.

Mọi thứ diễn ra bình thường cho đến khi khách liên tục hối thúc giao hàng và gửi mã vận đơn. Linh cảm và kinh nghiệm của một người làm kinh doanh, ông Thông cảm nhận có thể đây là một vụ lừa đảo. Nếu có chứng từ hoặc mã vận đơn, họ có thể lấy hàng trong khi chưa hoàn thành nghĩa vụ thanh toán.

"Chúng tôi nhờ ngân hàng Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ vào cuộc kiểm tra và nhận “tin sét đánh” là đây có thể là dấu hiệu của một vụ lừa đảo. Trong khi đó, hàng đã đến Bulgaria, 37 container hàng rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Tim tôi như như nhảy phắt ra khỏi lồng ngực vì lo lô hàng bị giữ lại, số tiền khổng lồ và lãi suất ngân hàng 18-22% ám ảnh", Chủ tịch Phúc Sinh chia sẻ.

Đến phút chót, Phúc Sinh đã ủy quyền được cho hãng tàu, liên hệ với khách hàng và bán được 27 container sang Pháp, Israel và Đức; 10 container còn lại quay về Việt Nam.

"20 năm kinh doanh, sao không có sai lầm, nhưng may mắn là chúng tôi vẫn tỉnh đòn. Nếu lúc đó, tôi vội vàng, mờ mắt với số tiền lớn mà đưa ra quyết định sai lầm, Phúc Sinh có thể đã phá sản", ông Thông nói.

Sẽ cảnh báo sớm về rủi ro

Ở thời điểm hiện tại, Phúc Sinh đã có khá nhiều kinh nghiệm trong làm ăn, tuy nhiên những thách thức vẫn luôn xuất hiện. Ông Thông cho biết trước xung đột Nga - Ukraine, doanh nghiệp cũng đã triển khai các biện pháp điều hành, thay đổi phương thức thanh toán để tránh rủi ro.

Theo người đứng đầu Phúc Sinh, hiện nay, cước vận tải biển vẫn tiếp tục là rào cản với các doanh nghiệp xuất khẩu. Ở thời điểm này, các hãng tàu không còn cạnh tranh với nhau nữa mà bắt tay để nâng giá. Nhu cầu của doanh nghiệp rất nhiều nhưng không có sẵn container rỗng, giá container đắt hơn 10-20 lần so với trước dịch và chưa biết khi nào sẽ hạ nhiệt.

Có thể nói, trong bối cảnh kinh doanh đầy bất định như hiện nay thì cũng khó tránh được những rủi ro mà doanh nghiệp xuất khẩu phải đối mặt. Theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), năm 2022, Vinatex dự báo ngành dệt may Việt Nam nói chung đạt kim ngạch xuất khẩu 43 tỷ USD dựa trên 2 cơ sở: Thế giới dự báo tổng cầu dệt may tăng khoảng 3%. Cùng với đó, qua dịch bệnh, việc giữ được sự liên tục vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu là một lợi thế. Việt Nam là điểm đến ưu tiên khi khách hàng lớn, đơn hàng lớn trên thế giới quay trở lại đặt hàng.

Tuy nhiên, ông Trường cũng cho hay thách thức còn nhiều, ngay trong những tháng đầu năm đã diễn ra rất nhiều tín hiệu khác nhau của thị trường từ giá dầu lên, khủng hoảng địa chính trị Nga - Ukraine, Ngân hàng trung ương châu Âu, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất...

"Hiện nay, dù nhiều doanh nghiệp đã ký đơn hàng đến hết tháng 6, nhiều đơn hàng hết cả năm nhưng chưa thể khẳng định kết quả năm nay sẽ hoàn thành tốt mục tiêu đặt ra, bởi rủi ro và biến động thị trường đang diễn ra rất nhanh và phức tạp", ông Trường nhấn mạnh.

Đồng thời, Chủ tịch Vinatex phản ánh, hiện nay chi phí logistics nội địa tại Việt Nam đang cao nhất trong các nước sản xuất dệt may. Nếu tính riêng trong kết cấu giá thành sản phẩm dệt may, logistics chiếm 9,3% giá thành. Tức là chi phí logistics đứng thứ 3 sau vải, nhân công khiến doanh nghiệp dệt may trong nước kém cạnh tranh hơn. Nếu giải quyết được khâu này, đảm bảo chi phí nội địa tương đương với các quốc gia cạnh tranh, dệt may Việt Nam có cơ hội và tốc độ phát triển cao hơn.

Trước những thách thức mới, Bộ Công Thương cho biết trong thời gian tới sẽ đổi mới công tác thông tin thị trường, bảo đảm thực chất, hiệu quả, kịp thời thông tin về thay đổi trong chính sách quản lý nhập khẩu, những điều kiện, quy chuẩn kỹ thuật và các rủi ro của thị trường.

Đồng thời, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp khi tham gia hoạt động xuất nhập khẩu cần kiểm tra, xác thực kỹ đối tác qua nhiều kênh khác nhau, trong đó có kênh cơ quan Thương vụ Việt Nam tại các nước.

Các doanh nghiệp nên trao đổi với đơn vị tư vấn để hiểu rõ, nắm vững nội dung các điều khoản của hợp đồng, các nghĩa vụ của mỗi bên, các trường hợp miễn trừ trách nhiệm, quy định về xử lý tranh chấp, bồi thường...

Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần lưu ý các các biện pháp phòng ngừa và quản trị rủi ro, trong đó có việc mua bảo hiểm đầy đủ và chủ động thuê tàu, kiểm soát các khâu trong chuỗi logistics.

TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)

Doanh nghiệp vẫn đang trong những ngày "giông bão", dịch bệnh COVID-19. Phần thắng chỉ thuộc về người nhanh chân, đòi hỏi cộng đồng doanh nghiệp nỗ lực hơn trong tương lai không có gì chắc chắn. Sự phục hồi của doanh nghiệp, hoạt động nền kinh tế sẽ không trở lại trạng thái ngày hôm qua, thời kỳ trước đại dịch, mà doanh nghiệp, nền kinh tế phải bắt đầu mô hình kinh doanh mới theo hướng chuyển đổi sang mô hình kinh doanh sáng tạo, năng lực chống chịu trở thành một trong những năng lực cạnh tranh cốt lõi. Bên cạnh cơ hội để bứt phá thì rủi ro sẽ tăng lên, trong đó có rủi ro pháp lý là những vấn đề mà doanh nghiệp phải thận trọng.

Ông Nguyễn Duy Ninh - Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Hồ Gươm

Hiện tại, chúng tôi đang hứng chịu toàn bộ những tác động nghiêm trọng từ xung đột Nga - Ukraine. Việc Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán SWIFT khiến các lô hàng trị giá hơn 4 triệu USD của Hồ Gươm đã xuất khẩu nhưng chưa được khách hàng thanh toán. Bên cạnh đó, một số lô hàng của công ty đang bị lưu ở Hà Lan do không có phương tiện vận chuyển sang Nga. Hàng hóa lưu kho tại Hà Lan tính tiền theo ngày, cứ đà này đến ngưỡng nào đó không lấy hàng về có khi còn đỡ thiệt hại hơn.

Ông Vương Vĩnh Hiệp - Tổng giám đốc Công ty TNHH Long Sinh

Dịch COVID-19 khiến chi phí của doanh nghiệp bị đội lên cao. Thị trường xuất khẩu không bị ảnh hưởng nhưng gặp khó khăn trong việc gửi chứng từ, chứng thư qua đường bưu điện. Một tờ giấy nhưng vì dịch bệnh mà không chuyển đi được nước ngoài. Cuối năm ngoái, chúng tôi phải chia sẻ 5.000 USD trong số 10.000 USD tiền phạt mà đối tác bên Nhật Bản phải đóng phạt do chứng từ bên Việt Nam đến chậm, không giải phóng được hàng hóa. Đây chỉ là một trong số nhiều rủi ro mà doanh nghiệp phải đối mặt. Chúng tôi phải chấp nhận với mục tiêu duy trì việc làm, ổn định sản xuất đảm bảo đời sống cho công nhân.