Tỉnh Đắk Lắk:
Xuất khẩu lấy lại đà tăng trưởng giữa đại dịch COVID-19
Chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực do đại dịch COVID-19, nhưng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Đắk Lắk đã được cải thiện và đang dần ổn định trở lại. Trong tháng 10, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh Đắk Lắk thực hiện 53 triệu USD, tăng 1,9% so với tháng trước.
Các mặt hàng: cà phê hòa tan, hạt điều, cao su xuất khẩu tăng về lượng so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, cà phê hòa tan xuất khẩu đạt 7.200 tấn (tăng 10,8% về lượng), hạt điều 205 tấn (tăng 10,8%), cao su 9.700 tấn (tăng 21,25%)... Điều này đang cho thấy những tín hiệu khả quan trong phục hồi kinh tế và hoạt động thương mại xuất khẩu ở những tháng còn lại của năm 2021.
Theo Sở Công thương Đắk Lắk, các doanh nghiệp (DN) vẫn duy trì hoạt động xuất khẩu đến những thị trường truyền thống và tìm kiếm mở rộng thị trường mới, tiềm năng. Hiện, Đắk Lắk có hơn 90 DN xuất nhập khẩu, trong đó 21 DN có hoạt động xuất nhập khẩu thường xuyên, 3 DN có vốn đầu tư nước ngoài. Hàng hóa nông sản của tỉnh xuất khẩu đi hơn 68 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và đã thâm nhập được vào các thị trường lớn với yêu cầu chất lượng hàng hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm nghiêm ngặt như: Mỹ, Nhật Bản, Anh, Pháp…
Ở thời điểm hiện nay, nhu cầu của thị trường thế giới đang hồi phục mạnh, các DN đã biến thách thức thành cơ hội, đẩy mạnh xuất khẩu, có thêm những đơn hàng mới. Điển hình như Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk, giữa đại dịch COVID-19, trong tháng 9, công ty đã xuất thành công lô hàng gần 20 tấn cà phê đặc sản sang Anh, với tổng trị giá khoảng 100.000 USD. Loại cà phê này được chế biến theo phương pháp cà phê đặc sản, theo tiêu chuẩn của tổ chức cà phê đặc sản quốc tế, giá trị hơn các loại cà phê xuất khẩu thông thường gần 3 lần.
Trên đà đó, trong tháng 10 vừa qua, công ty cũng nhận được đơn hàng xuất khẩu cà phê đặc sản đi thị trường Hàn Quốc… Điều này đã giúp DN tự tin mở rộng vùng nguyên liệu sản xuất cà phê đặc sản trong niên vụ cà phê mới 2021 - 2022, chinh phục sâu hơn nữa vào nhiều thị trường khó tính.
Bên cạnh những tín hiệu tích cực thì hoạt động xuất khẩu trên địa bàn vẫn gặp nhiều khó khăn về vấn đề vận chuyển do giá cước tàu biển tăng cao, thiếu container và tàu, dẫn đến DN không lấy được lịch vận chuyển khiến các hợp đồng bị chậm giao hàng. Đây là một trong những nguyên nhân làm giảm sản lượng xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh. Theo thống kê, 10 tháng của năm 2021, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh thực hiện 445 triệu USD, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 68,5% kế hoạch năm.
Theo ông Huỳnh Ngọc Dương - Phó Giám đốc Sở Công thương, hiện nay tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của tỉnh. Tuy nhiên, dự báo kim ngạch xuất khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới, khi mà các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang dần được thực thi một cách toàn diện, hiệu quả hơn.
Đặc biệt, các Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA)… sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thông qua đó thúc đẩy xuất khẩu của tỉnh tăng trưởng mạnh.
Để tận dụng tốt cơ hội đó, ngành công thương đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ DN địa phương thúc đẩy xuất khẩu. Cụ thể, Sở Công thương nỗ lực hỗ trợ DN tìm kiếm thị trường, đa dạng các kênh phân phối, tạo điều kiện về cải cách hành chính để nâng cao kim ngạch xuất khẩu; thường xuyên cập nhật thông tin từ hệ thống thương vụ Việt Nam tại các nước để nắm bắt những thay đổi trong quy định kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu tại nước sở tại do diễn biến của dịch bệnh, nắm bắt nhu cầu tiêu dùng ở các quốc gia trên thế giới để thông tin đến DN của tỉnh. Đồng thời, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu…
Giữa những thuận lợi và thách thức đan xen, các DN cũng đã và đang cố gắng duy trì sản xuất, kinh doanh, nối lại các mối quan hệ với đối tác, tìm kiếm cơ hội mới từ thị trường. Để bảo đảm mục tiêu xuất khẩu trong năm 2021, nhiều DN mong muốn được đẩy mạnh việc tiêm vắc xin cho người lao động, có chính sách hỗ trợ về vốn vay cũng như lãi suất ngân hàng để sớm khôi phục trạng thái hoạt động, phục hồi sản xuất, xuất khẩu; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong hoạt động logistics như: dịch vụ kho bãi, cước phí, sớm có biện pháp giải quyết tình trạng thiếu hụt container rỗng nhằm giảm cước phí vận chuyển cho DN…
Ông Huỳnh Ngọc Dương - Phó Giám đốc Sở Công thương Đắk Lắk: "Tín hiệu vui là nhiều doanh nghiệp đã chủ động, linh hoạt thúc đẩy đầu ra cho sản phẩm bằng việc thực hiện chuyển đổi số, giao dịch thương mại bằng phương thức trực tuyến; đẩy mạnh tìm kiếm thị trường mới để giữ đà tăng trưởng xuất khẩu trong bối cảnh dịch bệnh..."