Xuất khẩu lúa gạo: Giữ an toàn và chớp đúng thời cơ
Hiện tại, nhiều quốc gia đã tăng mức nhập khẩu lúa gạo để đảm bảo an ninh lương thực. Những quốc gia có tiềm năng xuất khẩu gạo đang tính toán cho riêng mình – Việt Nam cũng không nằm ngoài “vòng xoay” ấy! Tuy nhiên, giữ an toàn và chớp lấy thời cơ vẫn có thể thành công – nếu có quyết định đúng và một “nhạc trưởng” tài ba.
Những bài học chưa cũ…
Đầu những năm 1980, miền Bắc bị thiếu hụt lương thực nặng nề. Do cơ chế lưu thông cũng như tình hình giao thông, vận chuyển ngày ấy, nếu chuyển lương thực từ miền Nam ra miền Bắc, giá sẽ khá cao. Khi đó, Bộ trưởng Bộ Lương thực nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) là ông La Lâm Gia đã đưa ra một đề xuất táo bạo là “xuất Nam, nhập Bắc”. Theo đề xuất này, miền Nam đang thừa gạo thì có thể cho xuất khẩu lấy ngoại tệ. Còn miền Bắc thiếu lương thực, thay vì lấy gạo từ miền Nam ra thì nên cho nhập khẩu gạo phẩm cấp không cao với giá về đến Việt Nam rẻ so với gạo đưa từ miền Nam ra. Tuy nhiên, đề xuất táo bạo này của ông La Lâm Gia đã không được chấp thuận. Sau này, nhiều chuyên gia ngành Lương thực cho rằng, đề xuất của ông La Lâm Gia tuy rất táo bạo nhưng hoàn toàn đúng đắn và có thể thực hiện được vào thời điểm đương thời.
Năm 1987, Việt Nam bị thiếu tới 1 triệu tấn lương thực, có doanh nghiệp ở phía Nam cũng đề nghị Hội đồng Bộ trưởng cho phép xuất khẩu gạo. Lúc đó, đề nghị này bị coi là điên rồ bởi cả nước đang thiếu gạo thì lấy đâu ra gạo mà xuất. Tuy nhiên, trên thực tế, ở các tỉnh Nam bộ, lúa gạo trong dân còn khá nhiều. Nhưng do chính sách thu mua 1 giá, tức là giá lúa nghĩa vụ hay lúa dư được Nhà nước thu mua theo chương trình huy động lương thực, đều chỉ có một giá và rất thấp khiến nông dân bị lỗ. Điều này, làm cho nông dân phải dấu bớt lúa dư (ngoài lúa nghĩa vụ) để lén bán ra thị trường tự do. Cũng do cơ chế thu mua không hợp lý nên việc điều tiết lương thực ngày đó gặp nhiều khó khăn trở ngại, góp phần gây thiếu lương thực, trong khi vẫn còn gạo trong dân.
Năm 2008, bài học về xuất nhập khẩu gạo vẫn còn nguyên. Năm 2008, khi mà Việt Nam đang xuất gạo với giá 900 USD một tấn (giá hiện tại gần 400 USD) thì có lệnh ngừng xuất khẩu. Giá gạo giảm còn trên 300 USD. Trong khi Thái Lan mở kho xuất đi ào ào thì dân mình cay đắng chở gạo đi bán lẻ trước cổng các khu công nghiệp. Sau này, giới kinh doanh đánh giá, Việt Nam đã đánh mất một cơ hội xuất khẩu gạo với khối lượng lớn và giá rất tốt. Nhiều chuyên gia cũng đánh giá là ở Việt Nam, gạo là mặt hàng mà nguồn cung có thể được bổ sung sau 3-4 tháng, nên việc lo sợ quá mức về thiếu hụt nguồn cung đã dẫn tới việc đánh mất cơ hội cho cả người sản xuất lúa gạo (nông dân) lẫn các nhà xuất khẩu.
Thái Lan tăng tốc…
Nhu cầu gạo toàn cầu đã gia tăng sau khi dịch Covid-19 bùng phát, đẩy giá gạo tăng thêm 30-50 USD/tấn kể từ đầu năm nay. Riêng giá xuất khẩu của gạo Thái Lan vào cuối tháng 3 vừa qua đạt mức 550 USD/tấn, cao nhất kể từ tháng 8/2013. Giới chức Thái Lan hôm 2/4 cho biết, nước này không có kế hoạch hạn chế xuất khẩu gạo, bất chấp nỗi lo về an ninh lương thực đang tăng trên thế giới.
Bà Pimchanok, Tổng Giám đốc Văn phòng Chính sách và Chiến lược Thương mại Thái Lan cho hay, Thái Lan khó có thể rơi vào cảnh thiếu hụt lương thực hoặc gạo trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành trên thế giới bởi nhu cầu tiêu dùng nội địa chỉ chiếm 50% tổng sản lượng gạo mỗi năm, trong khi xuất khẩu chỉ chiếm 32% và phần còn lại để lưu kho. Trong khi đó, Hiệp hội thương mại ở Thái Lan cho rằng, xuất khẩu gạo của nước này sẽ giảm còn 7,5 triệu tấn trong năm 2020 (so với mức 11,1 triệu tấn năm 2018).
Hiện tại, Thái Lan không cho thấy dấu hiệu hạn chế xuất khẩu gạo lúc này ngay cả khi hạn hán trên diện rộng, khiến sản lượng vụ lúa thứ hai thấp hơn. Còn trong trường hợp nhu cầu xuất khẩu và tiêu dùng nội địa gia tăng vì có nhiều người ở nhà hơn, tình trạng thiếu hụt cũng không thể xảy ra.
Giữ an toàn và chớp đúng thời cơ
Nhìn ở góc độ nào thì an toàn, an ninh lương thực vẫn phải đặt lên hàng đầu. Song, dịch Covid -19 đã lan rộng toàn cầu, hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh ĐBSCL, miền Trung, Tây Nguyên và tác động của mùa Đông ấm ở các tỉnh phía Bắc gây bất lợi. Do vậy, sản lượng thóc đảm bảo cho an toàn, an ninh lương thực và xuất khẩu cả năm 2020 (ở mức bình thường như năm 2019), phải tối thiểu là 41 – 43 triệu tấn.
Bộ NN&PTNT, dự kiến trong thời gian 6 tháng đầu năm, toàn bộ lúa vụ Đông Xuân cả nước sẽ được thu hoạch, sản lượng sẽ đạt khoảng 20,1 triệu tấn thóc; trong đó các tỉnh phía Bắc là 6,9 triệu tấn, các tỉnh phía Nam là 13,2 triệu tấn. Trong thời gian 6 tháng cuối năm, toàn bộ lúa vụ Hè Thu, Mùa, Thu Đông cả nước được thu hoạch với sản lượng dự kiến là 23,4 triệu tấn thóc; trong đó các tỉnh phía Bắc là 6,2 triệu tấn, các tỉnh phía Nam là 17, 2 triệu tấn. Như vậy, tổng sản lượng thóc năm nay ước khoảng 42 – 43,5 triệu tấn. Nếu cộng với số thóc, gạo dự trữ Quốc gia là 7,5 triệu tấn và hơn 1,5 triệu gạo tồn kho năm 2019 chuyển sang, thì nhiều chuyên gia dự tính Việt Nam vẫn an toàn – nếu xuất khẩu 6 – 6,5 triệu tấn gạo như năm 2019.
Để đạt sản lượng 43,5 triệu tấn thóc, năm 2020 cả nước phải duy trì tối thiểu 7,364 triệu hec-ta lúa, giảm khoảng 115.000ha so với năm 2019 do chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tác động của hạn mặn; năng suất phải đạt 59,3 tạ/ha, tăng 1 tạ/ha so với năm 2019 để bù vào phần diện tích bị cắt giảm. Mặt khác, nhu cầu lương thực trong nước cũng như thế giới có thể sẽ tăng do một số quốc gia và người dân có thể mua để tích trữ. Do đó, Bộ NN&PTNT sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường để có thể điều chỉnh tăng diện tích lúa Thu Đông lên khoảng 800.000ha nếu đủ nước tưới và thời tiết thuận lợi. Trước mắt, Bộ sẽ tập trung chỉ đạo xác định khung thời vụ, vùng xả lũ, cơ cấu giống cây trồng và các giải pháp kỹ thuật phù hợp cho vụ Thu Đông đảm bảo duy trì diện tích, năng suất và khung thời vụ thu hoạch tốt nhất để có thể sản xuất sớm vụ Đông Xuân 2020 – 2021.
Về thị trường, diễn biến trong những tháng đầu năm cho thấy, tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam tương đối thuận lợi, giá gạo xuất khẩu tăng cao đem lại lợi ích cho cả nhà nước, doanh nghiệp và người trồng lúa. Tính đến ngày 15/3, sản lượng gạo xuất khẩu đạt 1,298 triệu tấn, tăng 26,5% với giá trị đạt 602 triệu USD, tăng 34,6% so với cùng kỳ năm 2019. Theo Hiệp hội Lượng thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Việt Nam ngày 20/3 là từ 418 – 422 USD/tấn; loại 25% tấm giá từ 403 – 407 USD/tấn; gạo Jasmine có giá từ 528 – 532 USD/tấn. Giá bán loại 5% tấm so với với giá trung bình của tháng 2/2020 cao hơn từ 30 – 40 .USD/tấn.
Giá lúa tại ĐBSCL đã tăng, các doanh nghiệp, thương lái thu mua lúa tươi của nông dân tại ruộng. Nếu dãn biên độ và hạn chế năng lực xuất khẩu lúa gạo thì sẽ có hiện tượng ép giá, dìm giá lúa của tư thương với người nông dân. Và cái vòng quẩn quanh: Vay nợ, bán lúa non, thiếu vốn cho vụ Hè Thu là điều chắc chắn. Cũng trong kịch bản này, có ý kiến cho rằng, dịch Covid-19 đã lan ra toàn cầu, không định đoán được thời gian hết dịch, trong khi nhu cầu nhập lúa gạo của các quốc gia dường như chưa thay đổi. Vì vậy, Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội xuất khẩu lúa gạo với giá cao. Điều này có thể đúng, nhưng kịch bản vẫn là kịch bản, giả thiết vẫn là giả thiết! trong kinh doanh, một khi đã gẫy khúc cung ứng – đấy là khi tự đánh mất thị trường, nhất là thị trường truyền thống đã dày công xây đắp niềm tin. Bài học dừng xuất khẩu lúa gạo năm 2008 của Việt Nam là một giá đắt, phải đến 2 năm sau nỗ lực mới giành lại được thị trường, đôi khi phải đánh đổi giảm giá để khôi phục giao thương.
Sức mạnh của hạt gạo Việt Nam tại thời điểm hiện tại ra sao? Xin được dẫn chứng rằng, khi nghe tin Việt Nam tạm dừng xuất khẩu gạo (ngày 23/3/2020), thì ngày 24/3, Hiệp hội các nhà buôn Hồng Kông đã gửi thư tới Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA); ngày 26/3 Bộ trưởng Tài chính Philippin đã điện cho Bộ trưởng NN&PTNT Việt Nam; ngày 27/3 Đại sứ Australia tại Việt Nam đã điện gửi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Việt Nam đều muốn nhập khẩu gạo và cam kết là thị trường ổn định trong giao thương.
Điểm cần bàn luận ở đây là, nhiều nước bị dịch Covid-19 làm xáo trộn, chưa chuẩn bị kịp nguồn lương thực dự trữ lâu dài. Đây là cơ hội tốt cho lúa gạo Việt Nam tính toán xuất khẩu và chủ động mặc cả về giá với khách hàng hợp đồng mua. Việt Nam còn có một lợi thế với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sẽ có hiệu lực vào tháng 7/2020, việc tận dụng hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm mà EU dành cho Việt Nam, sẽ là cơ hội tốt để Việt Nam thu hẹp bất lợi trong cạnh tranh và mở rộng thị trường gạo cao cấp này.
Vấn đề khác đặt ra là Ai sẽ được giao quyền “cầm đũa”? Và vị nhạc trưởng đó có được toàn quyền điều khiển dàn giao hưởng ấy, mà không phải chịu một mệnh lệnh hành chính nằm ngoài tất cả lý thuyết về kinh doanh, đó là ‘phải chơi nhạc’ đúng theo định hướng của nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ra sao?