Xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ, cả nước xuất siêu 8,4 tỷ USD
Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá ước đạt 369,59 tỷ USD, tăng 16,03% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục thặng dư với xuất siêu ước đạt 8,4 tỷ USD.
Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm. Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng ước đạt 188,97 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu tăng ở các khu vực kinh tế và tăng cao ở nhóm doanh nghiệp trong nước (5 tháng đạt 43,69 tỷ USD, tăng 20,5%, chiếm 27,9% tổng kim ngạch xuất khẩu); khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô - 5 tháng ước đạt 113,08 tỷ USD, tăng 13,3%, chiếm 72,1%).
Xuất khẩu của nhóm chủ lực là công nghiệp chế biến chế tạo ước đạt 159,92 tỷ USD, chiếm 84,63% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2023 với nhiều nhóm sản phẩm tăng cao trong 5 tháng đầu năm như: Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 61,2%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 33,4%; sản phẩm chất dẻo tăng 29,6%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 23,5%.
Nông sản tiếp tục là điểm sáng về tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 18,21 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2024. Một số mặt hàng nông sản tăng cao trong 5 tháng đầu năm như: cà phê tăng 43,9%; gạo tăng 38,2%; chè các loại tăng 20,1%; rau quả tăng 28,2%; nhân điều tăng 19,3%; hạt tiêu tăng 19,7%; sắn và các sản phẩm từ sắn tăng 19,2%.
Các thị trường xuất khẩu cơ bản có sự phục hồi tốt và đạt mức tăng trưởng cao trong 5 tháng đầu năm 2024, trong đó nổi bật là các thị trường: Hoa Kỳ ước đạt 43,98 tỷ USD, chiếm 28% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng tới 21% so với cùng kỳ năm trước; Trung Quốc kim ngạch ước đạt 22,65 tỷ USD, tăng 10,2%; EU ước đạt 20,69 tỷ USD, tăng 16,1%; Hàn Quốc ước đạt 10,4 tỷ USD, tăng 12,8%.
Trong 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá ước đạt 369,59 tỷ USD, tăng 16,03% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục thặng dư với xuất siêu ước đạt 8,4 tỷ USD và chủ yếu do đóng góp của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, kể cả dầu thô.
Tuy nhiên, theo ông Bùi Huy Sơn - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Công Thương), hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng tốt nhưng vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Đó là, xuất khẩu tăng có đóng góp của sự gia tăng về giá (đặc biệt là các mặt hàng nông sản, năng lượng) và gia tăng giá cước vận tải (do tác động của các xung đột chính trị) và sự lên giá của đồng đô la.
Bên cạnh đó, xuất nhập khẩu vẫn tiếp tục phụ thuộc vào một số thị trường, mặt hàng và khu vực FDI; một số mặt hàng xuất khẩu một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang các thị trường lớn như EU, Mỹ… tiếp tục phải đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh.
Trong nửa cuối năm, Bộ Công Thương đánh giá, hoạt động xuất nhập khẩu có nhiều thuận lợi khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang có với các đối tác/thị trường tiếp tục có tác động tích cực, duy trì lợi thế của Việt Nam trong hoạt động thương mại, đầu tư. Song nền kinh tế toàn cầu đang bước vào một thời kỳ mới với nhiều rủi ro và thách thức và khó đoán định làm gia tăng sự cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu của Việt Nam...
Do đó, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp về khơi thông sản xuất, phát triển ổn định nguồn cung cho xuất khẩu và thị trường trong nước; đảm bảo an ninh năng lượng. Đặc biệt, tập trung các giải pháp về thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu và tiêu dùng trong nước; kiểm soát có hiệu quả nhập khẩu và chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường.