Xuất khẩu sang EU nhờ EVFTA: Cơ hội lớn nhưng khởi đầu sẽ chật vật
Xuất khẩu đang chịu nhiều tác động tiêu cực từ dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực ngay trong tháng 7/2020 đang được xem như phao cứu sinh cho xuất khẩu năm nay bởi sẽ mở ra cơ hội thị trường rộng lớn hơn. Theo các chuyên gia, sẽ có rất nhiều nhóm hàng được hưởng lợi từ FTA này.
Đối với xuất khẩu của Việt Nam, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, nhìn chung cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hoá giữa Việt Nam và EU mang tính bổ trợ thay vì cạnh tranh. Trong đó, các nhóm ngành xuất khẩu nhận nhiều cơ hội gồm nhóm hàng nông sản như gạo, đường, thịt lợn, thịt gia súc gia cầm, đồ uống và thuốc lá; nhóm ngành chế biến chế tạo như dệt, may mặc, da giày… đặc biệt là sau 2025 khi phần lớn hàng rào thuế quan bị xóa bỏ.
Với EVFTA, tiềm năng mở rộng thị trường EU rất lớn đối với ngành dệt may. Theo đó, 42,5% dòng thuế áp dụng đối với các sản phẩm dệt may sẽ giảm về 0% ngay khi FTA này có hiệu lực, còn lại sẽ giảm về 0% theo lộ trình 3-7 năm, giúp hàng hóa Việt Nam dần trở nên cạnh tranh hơn so với Trung Quốc và cạnh tranh ngang bằng về giá với các nước đang được hưởng thuế 0% như Campuchia, Bangladesh, Lào. Nghiên cứu của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may trên thị trường EU sẽ tăng nhanh với tốc độ đến 2025 khoảng 67% so với kịch bản không có hiệp định. Đến năm 2020 đạt tổng 5-5,5 tỷ USD và tăng thêm khoảng 3,2 tỷ USD đến năm 2025.
Một ngành khác dự kiến sẽ được hưởng lợi lớn từ EVFTA chính là da giày, đặc biệt khi hiện nay Việt Nam đang đứng thứ 2 về xuất khẩu giày dép sang EU, chiếm tỷ trọng khoảng 20,1% kim ngạch nhập khẩu của EU đối với mặt hàng này. EVFTA dự kiến sẽ mang lại tác động tích cực cho ngành da giày Việt Nam khi 37% số dòng thuế nhập khẩu sẽ được xóa bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực. Số còn lại sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình từ 3-7 năm.
Một số sản phẩm khác sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi hiệp định có hiệu lực, như túi xách, ví, vali, mũ, ô dù… Nghiên cứu của Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-Mutrap) cho thấy, tốc độ tăng xuất khẩu vào EU của các sản phẩm da giày dự báo sẽ gấp đôi vào 2025, và tổng xuất khẩu giày da cũng sẽ tăng khoảng 34%, sản lượng của toàn ngành tăng ở mức 31,8%.
Bên cạnh đó, nhiều nhóm hàng nông sản cũng sẽ có cơ hội mở ra thị trường tiêu thụ lớn tại EU. Đơn cử như với thuỷ sản, EU xóa bỏ thuế quan đối với 86,5% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong vòng 3 năm, 90,3% trong vòng 5 năm và 100% trong vòng 7 năm. Đối với cá ngừ đóng hộp, EU dành cho ta hạn ngạch thuế quan 11.500 tấn.
Đối với mặt hàng gạo, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn các loại; đồng thời tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, giúp ta có thể xuất khẩu tới 100.000 tấn tấm vào EU hàng năm. Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau một lộ trình nhất định.
Tương tự như vậy, mặt hàng đường dù không được tự do hoá hoàn toàn, song cũng được EU dành cho hạn ngạch 10.000 tấn đường trắng và 10.000 tấn sản phẩm chứa đường trên 80%. Điều này sẽ mở ra cơ hội tiêu thụ sản phẩm rất lớn đối với ngành mía đường của Việt Nam, trước bối cảnh cung đang vượt cầu rất lớn do phải cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu.
Các sản phẩm khác như củ quả, rau củ quả chế biến, nước hoa quả khác, sản phẩm nhựa, sản phẩm gốm sứ thủy tinh… về cơ bản sẽ được xóa bỏ thuế quan ngay khi hiệp định có hiệu lực.
Theo các chuyên gia về thương mại, hiện nay phần lớn sản phẩm đang xuất khẩu sang EU được hưởng thuế quan theo chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập GSP, ở mức 3-4%. Khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam không còn hưởng lợi từ GSP, vì vậy trong vài năm đầu thực hiện FTA này, sẽ có một số ảnh hưởng bất lợi do mức thuế giảm dần đều từ mức hơn 10%, vẫn sẽ cao hơn mức 3-4% theo GSP. Song tính toán trong dài hạn, các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn sẽ hưởng lợi đáng kể từ EVFTA khi đã tận dụng được các điều kiện để hưởng thuế suất ưu đãi.
Tuy nhiên, TS.Trần Toàn Thắng - Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp thuộc NCIF lưu ý, cần tính toán tới một số vấn đề bất lợi trong thời gian đầu thực hiện EVFTA. Chẳng hạn, nhiều khả năng sẽ có làn sóng dịch chuyển sản xuất của các ngành từ Trung Quốc sang Việt Nam, đơn hàng gia công từ Trung Quốc cũng có thể chuyển sang Việt Nam dẫn tới nguy cơ nhiều ngành hàng xuất khẩu trở thành nơi "đóng dấu" xuất xứ cho hàng Trung Quốc, tăng nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại từ EU.
Bên cạnh đó, việc gia tăng quá nhanh xuất khẩu vào EU có thể dẫn đến việc EU tăng cường các rào cản kỹ thuật đối với sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó chủ yếu là các quy định về hạn chế hóa chất độc hại, quy định an toàn sản phẩm tiêu dùng, điều kiện về môi trường, trách nhiệm xã hội cùng các biện pháp phòng vệ như chống bán phá giá, chống trợ cấp. Một yếu tố khác là do tăng công suất sản xuất, các doanh nghiệp trong nước cũng có thể đối mặt với mức lương tăng cao làm cho lợi nhuận từ sản xuất, gia công bị giảm sút.