Xuất khẩu trực tuyến, vì sao vẫn “thờ ơ”?
Ước tính chỉ 1% doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam biết cách ứng dụng trực tuyến để tạo ra đơn hàng, cho dù đây là kênh bán hàng không có giới hạn về địa lý và khách hàng với chi phí rất thấp. Vậy lí do nào đang khiến các doanh nghiệp Việt chưa nắm bắt bắt được kênh xuất khẩu này.
Đối với phương thức xuất khẩu (XK) trực tuyến, doanh nghiệp (DN) Việt Nam có hai kênh chính để sử dụng: tìm đối tác nước ngoài thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT); thông qua kênh bán hàng này bán trực tiếp tới tận tay người tiêu dùng ở nước ngoài.
Kênh XK trực tuyến đem đến cơ hội thành công rất cao vì đây là kênh bán hàng không có giới hạn về địa lý với lượng khách hàng khổng lồ và mức chi phí thấp.
Chỉ 1% doanh nghiệp xuất khẩu trực tuyến
Theo Báo cáo Chỉ số TMĐT năm 2017, thực hiện giao dịch điện tử sẽ mang lại hiệu quả lớn cho DN XNK. DN sẽ tiết kiệm được 15-30%, thậm chí tới 90% thời gian so với cách làm truyền thống; đồng thời tiết kiệm về nhân lực, giảm sai sót, minh bạch về thủ tục và tăng khả năng số hoá.
Chưa kể, với phương thức giao dịch truyền thống, bên cạnh các thủ tục rườm rà, nhiều DN vẫn phải chịu chi phí khi muốn tìm đối tác nước ngoài hay xúc tiến thương mại. Phương thức XNK trực tuyến là cơ hội lớn để giảm chi phí thời gian, đặc biệt các DN nhỏ và vừa (DNNVV) có thể tìm kiếm thông tin bạn hàng, xúc tiến thương mại, tiếp thị sản phẩm, giao dịch và thanh toán.
Điều đó có nghĩa, với XK trực tuyến, cơ hội sẽ chia đều cho cả DN lớn và DN nhỏ, không phân biệt ranh giới. Tuy nhiên, tại Việt Nam XK truyền thống vẫn là kênh chủ lực.
Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam, chia sẻ năm 2017 là một năm có nhiều thay đổi. Thói quen và nhu cầu mua sắm mới đang tạo nên những xu hướng mới và nhu cầu cần có những công nghệ và công cụ mới để tương thích cũng được hình thành theo đó. Vì vậy, những DN nào biết đón đầu xu hướng và có những bước đi phù hợp để tạo ra sự khác biệt sẽ nắm được những cơ hội mới.
Ông Hưng cho biết, ông có biết một nhóm người bán hàng trực tuyến ở Việt Nam chuyên XK hàng áo thun ra nước ngoài, cụ thể là sang Mỹ. “Họ XK đến người tiêu dùng cuối cùng, đáp ứng nhu cầu của từng người một. Doanh thu hàng triệu USD mỗi năm”.
“Tuy nhiên, đáng tiếc họ là cá nhân không phải là DN. Vì vậy, để họ chia sẻ kinh nghiệm là điều khá khó khăn. Một phần vì họ sợ bị truy thu thuế. Nhưng điều này cũng cho thấy, cơ hội tăng trưởng XK nhờ công nghệ thông tin (CNTT) là lớn, làm sao các DN phải biến nó thành hiện thực”, ông Hưng nói. Ông Đàm Việt Dũng, Phụ trách Kinh tế số, Hội chuyên gia và các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài, cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang “cắt ngắn” chuỗi giá trị, đi kèm nhiều ứng dụng CNTT đơn giản.
Ông Dũng ví dụ như trong ngành may mặc, nhu cầu thế giới rất lớn đối với hàng may mặc thủ công dựa trên số đo từng người. Nếu DN biết ứng dụng công nghệ chụp ảnh theo số đo khách hàng qua hình ảnh, DN có thể sản xuất mẫu đo riêng cho từng khách hàng trên thế giới, đồng thời, XK trực tiếp tới từng khách hàng.
Tuy nhiên, đây là điều không dễ dàng với nhiều DN Việt Nam. Các DN Việt Nam chưa chú trọng hướng tới kênh XK trực tuyến, vì chất lượng, hình thức, giá cả của nhiều sản phẩm trong nước chưa cạnh tranh được với sản phẩm tương tự của nhiều nước khác.
Việt Nam hiện đứng top 10 thế giới về tỷ trọng doanh thu XK tính trên GDP (ở mức 93,6% so với mức trung bình của thế giới là 30%) chỉ đứng sau một số quốc gia như Singapore, Malta, Ireland,-… Điều này cho thấy vị trí then chốt của XK đối với sự phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, ước tính chỉ 1% DN XK biết cách ứng dụng XK trực tuyến để tạo ra đơn hàng.
Cụ thể, theo số liệu thống kê, tính đến hết tháng 9/2017, tổng kim ngạch hàng hoá XK đạt 154 tỷ USD, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, ước tính mới chỉ có 1% DN XK biết cách khai thác các nền tảng kinh doanh trực tuyến toàn cầu để tạo ra đơn hàng XK. 99% DN XK còn lại vẫn dựa vào các kênh XK truyền thống hoặc thai khác các kênh kinh doanh trực tuyến ở mức độ rất cơ bản như website, email.
Bỏ ngỏ cơ hội
Hiệp hội TMĐT Việt Nam nhìn nhận, các DNNVV Việt Nam vẫn còn e ngại việc ứng dụng xuất nhập khẩu trực tuyến do kỹ năng TMĐT còn hạn chế. Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng CNTT của DN chưa phát triển và nhiều DN bị rào cản về ngôn ngữ.
Theo khảo sát của Hiệp hội TMĐT Việt Nam, trong số hơn 1.500 DNNVV đang tham gia xuất nhập khẩu, hiện chỉ có 49% DN có websibe về TMĐT, 11% DN tham gia các sàn giao dịch TMĐT, 2% DN thực hiện giao kết hợp đồng qua sàn giao dịch TMĐT hoạt động.
Khảo sát cũng cho thấy, hiện vẫn còn tới 51% DN chưa biết cách dùng website, 35% DN cho rằng hệ thống dịch vụ công trực tuyến hoạt động không ổn định.
Nói về khó khăn vì sao DN chưa sử dụng công cụ XK trực tuyến, ông Nguyễn Kỳ Minh, Phó Giám đốc trung tâm phát triển TMĐT, Cục TMĐT và CNTT (Bộ Công Thương), cho biết, DN chưa có đủ kỹ năng để tự tin bán hàng trên các kênh trực tuyến tới tận tay người tiêu dùng.
Trong khi đó, bà Fiorella, Giám đốc công ty Snoe Beauty Oroducts Inc chia sẻ, DN này từng thất bại XK đơn hàng sang Mỹ vì chi phí giao hàng quá cao, cao hơn cả giá trị sản phẩm. Bà Fiorella cho biết: “Chi phí logistics là rào cản lớn đối với các DNNVV tham gia XK trực tuyến, nó gần như quyết định sự thành bại của DN khi thực hiện một đơn hàng”. Vì vậy, ông Andre Aslund, Giám đốc điều hành kinh doanh công ty Vorw_rts (Cộng hoà Liên Bang Đức), cho rằng thay vì các DN dành nhiều chi phí tốn kém để xây dựng thương hiệu của mình, các DN nên tập trung cung cấp sản phẩm có chất lượng tốt nhất, thiết kế đẹp, hình ảnh bắt mắt giới thiệu trên website.
Điều đó sẽ giúp DN tạo ra được bảng xếp hạng sản xuất có chất lượng tốt, các đánh giá sản phẩm tích cực từ người tiêu dùng. Việc làm này giúp DN tiết kiệm được tiền từ quảng bá thương hiệu để tập trung xây dựng sản phẩm tốt, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Đồng thời, cách hiệu quả nhất để thành công trong TMĐT là DN cần sở hữu một website để lan toả các thông điệp của mình và tăng cường mối quan hệ với lượng lớn khách hàng. Qua đó, DN có thể mở rộng việc kinh doanh ra thế giới. Bước đầu tiên để xây dựng hiện diện trực tuyến đáng tin cậy và thành công là chọn đúng tên miền.
Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, để khai thác tốt nhất hiệu quả sử dụng môi trường trực tuyến hỗ trợ XK, các nhà XK phải nâng cao nhận thức, đầu tư về công nghệ bao gồm cả công nghệ bảo mật… để giao dịch của DN được an toàn ở mức cao nhất.