Xuất khẩu xoay vần trong khó khăn
Ngay từ đầu năm, mục tiêu xuất khẩu đặt ra cho cả năm 2020 đã được dự báo vô cùng khó khăn. Nay cùng với sự bùng phát của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona (Covid-19), khó khăn càng thêm chồng chất đối với nhiều ngành hàng.
Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sang Trung Quốc tháng 1/2020 giảm 35,3% so với tháng 12/2019 chỉ đạt 2,75 tỷ USD, nhập khẩu đạt 5,54 tỷ USD, giảm 20,1%.
Khó khăn kép
Tại báo cáo đánh giá tác động và đề xuất giải pháp ứng phó với Covid-19 gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương dự báo, trường hợp dịch sớm được kiểm soát trong ngắn hạn (dưới 3 tháng), dự kiến quý I/2020, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc có thể giảm khoảng 400 - 600 triệu USD, tương đương mức 5-8% tùy theo diễn biến của dịch.
Với kịch bản dịch kéo dài trong 6 tháng, ước tính xuất khẩu nông, thủy sản 6 tháng đầu năm giảm khoảng 600 - 800 triệu USD, tập trung vào các mặt hàng rau quả, sắn và sản phẩm từ sắn phụ thuộc sâu vào thị trường Trung Quốc, có thể kéo giảm từ 20-30% kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc.
Phác họa các kịch bản tác động của dịch Covid-19 tới kinh tế Việt Nam trong nghiên cứu của mình, Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV dự báo trong quý I, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giảm 19-25% so với cùng kỳ năm trước (trong đó, xuất khẩu giảm 19-20% và nhập khẩu giảm sâu hơn, khoảng 25% do sức cầu giảm nhẹ cũng như các tác động gián đoạn nêu trên). Trong quý II, mức giảm xuất khẩu khoảng 15-16% và nhập khẩu giảm khoảng 20%. Nửa cuối năm, dự báo xuất nhập khẩu sẽ phục hồi dần. Tính chung cả năm, xuất khẩu giảm khoảng 10%, nhập khẩu giảm khoảng 11%, cán cân thương mại thặng dư, giúp GDP tăng thêm 0,58 điểm phần trăm so với năm 2019….
Theo một chuyên gia Bộ Công thương, tác động của dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn tới thương mại hàng hoá của Việt Nam cũng bởi Trung Quốc là đối tác lớn từ cả 2 phía xuất khẩu và nhập khẩu. Từ phía xuất khẩu, việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ thay thế Trung Quốc đã khó khăn, thì từ phía nhập khẩu, việc tìm nguồn cung nguyên liệu thay thế nước này cũng chật vật không kém.
Không lo thiếu thị trường
Không chỉ xuất khẩu mà các doanh nghiệp Việt Nam dự kiến sẽ gặp khó khăn trong việc nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Các ngành có thể gặp khó khăn trong việc nhập khẩu hàng hóa gồm dệt may (nhập khẩu sợi, vải), điện tử, tiêu dùng (nhập khẩu linh kiện, phụ kiện), thép (nhập khẩu thép cuộn cán nóng HRC)…
Một doanh nghiệp dệt may chia sẻ, để chuyển đổi nguồn nguyên liệu cần khoảng thời gian ít nhất 3 tháng, trong khi Trung Quốc hiện chiếm khoảng 50% sản lượng vải của thế giới và rất khó có nguồn nguyên liệu đáp ứng đầy đủ các yếu tố về giá thành, tiêu chuẩn kỹ thuật... phù hợp cho sản xuất như nguyên liệu của Trung Quốc.
Trường hợp dịch kéo dài, việc tìm nhà cung cấp nguyên vật liệu, linh kiện thay thế cho nhập khẩu từ Trung Quốc không thể thực hiện ngay được sẽ tác động đáng kể tới sản xuất và xuất khẩu. Đây là việc rất khó khăn do mặt hàng công nghệ cao yêu cầu nghiêm ngặt về kỹ thuật, chất lượng nên việc lựa chọn nhà cung cấp để thay thế cũng không thể triển khai trong thời gian ngắn.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hiện tại, giải pháp cần được đặt lên hàng đầu chính là tìm kiếm các thị trường thay thế phù hợp đối với các mặt hàng xuất khẩu, ưu tiên các mặt hàng bị ảnh hưởng trực tiếp do hạn chế nhập khẩu vào Trung Quốc. Mặc dù sự xáo trộn hiện tại đang đẩy các doanh nghiệp vào tình thế “cực chẳng đã”, song đây cũng có thể coi là một dịp để tái cơ cấu thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) đánh giá, năm 2020, nhiều ngành hàng có cơ hội tăng trưởng khá lớn nhờ triển vọng của các FTA thế hệ mới, đặc biệt là từ EVFTA và CPTPP. Đơn cử như mặt hàng dệt may, với EVFTA tiềm năng mở rộng thị trường ở EU rất lớn đối với ngành này. NCIF dự báo hàng dệt may trong thị trường EU sẽ tăng nhanh với tốc độ đến 2025 khoảng 67% so với kịch bản không có hiệp định. Đến năm 2020 đạt 5-5,5 tỷ USD, tăng thêm từ 1,3 tỷ USD vào năm 2020 và 3,2 tỷ USD năm 2025.
Tương tự như vậy, với CPTPP, báo cáo của NCIF cho thấy tăng trưởng ngành này có thể tăng thêm từ 8,3-10,8%, nhờ hàng dệt may có sức cạnh tranh về giá lớn hơn ở các thị trường mới trong CPTPP, trong khi vẫn giữ được thị trường chủ lực là Mỹ và EU.
Tuy nhiên, TS. Trần Toàn Thắng - Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp thuộc NCIF cảnh báo, thị trường cho tiêu thụ hàng xuất khẩu không phải mối lo chính, mà là năng lực sản xuất trong nước có đáp ứng được hay không. Những nghiên cứu trong năm qua của NCIF cho thấy, năng lực sản xuất trong nước không tăng nhanh và tổng xuất khẩu dệt may của cả nước không tăng với tốc độ tương ứng. Vì vậy nhiều khả năng, phần lớn xuất khẩu tăng thêm của ngành sang các thị trường mới sẽ là do chuyển hướng thương mại từ các thị trường truyền thống sang.
Mặt khác, khó khăn lớn nhất vẫn là quy tắc xuất xứ. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, ngành dệt may chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu (90% bông nguyên liệu, 100% xơ sợi tổng hợp, 50% sợi bông và 80% vải khổ rộng) từ Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc. Đây là những nước không có mặt trong CPTPP, vì vậy với nguyên tắc nguồn gốc xuất xứ “từ sợi trở đi”, có nghĩa là các công đoạn từ sợi – vải – cắt may đều phải thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam, các doanh nghiệp có thể không được lợi nhiều từ cắt giảm thuế quan. Điều này cũng cho thấy nhu cầu cấp bách trong tái cơ cấu ngành dệt nhằm thay thế nhập khẩu trong thời gian tới.
Những nút thắt này không phải vấn đề của riêng ngành dệt may. Hiện nay, nhiều ngành hàng xuất khẩu khác đang phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, khiến việc mở rộng năng lực sản xuất gặp nhiều trở ngại, đồng thời khó tận dụng các ưu đãi thuế quan từ các FTA. Do đó, cần coi những biến động trong thời điểm hiện nay như là sức ép và động lực cho các nhà đầu tư đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ của các ngành hàng để góp phần gỡ bỏ nút thắt, nâng cao giá trị gia tăng cho xuất khẩu.