Điều kiện được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định AHKFTA
Ngày 05/01/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 07/2020/NĐ-CP biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mai Tự do ASEAN - Hồng Kông, Trung Quốc giai đoạn 2019 - 2022 (thuế suất AHKFTA). Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 20/2/2020, trong đó có quy định về điều kiện được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt.
Theo đó, từ 20/2/2020, thực hiện Hiệp định Thương mai Tự do ASEAN - Hồng Kông, Trung Quốc (AHKFTA) giai đoạn 2019-2022 các cơ quan hải quan, công chức hải quan; người nộp thuế theo quy định của Luật thuế xuất, nhập khẩu; và các tổ chức cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan đến hàng hóa xuất, nhập khẩu thực hiện theo quy định của Nghị định này.
Nghị định số 07/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định rõ, để Hàng hóa nhập khẩu được áp dụng thuế suất AHKFTA các tổ chức, doanh nghiệp phải có đủ 4 điều kiện sau:
Thứ nhất, thuộc Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ban hành kèm theo Nghị định này;
Thứ hai, được nhập khẩu từ các nước là thành viên của Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Hồng Kông, Trung Quốc, bao gồm 11 quốc gia, vùng lãnh thổ lãnh thổ: Campuchia, Lào, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Mianma,Philippin,Singapore, đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc), Brunay và Việt Nam
Thứ ba, được vận chuyển trực tiếp từ nước xuất khẩu theo quy định của Hiệp định AHKFTA và quy định của Bộ Công Thương;
Thứ tư, đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa và có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu AHK theo quy định của Hiệp định AHKFTA và quy định của Bộ Công Thương.
Đồng thời, Chính phủ cũng ban hành kèm theo Nghị định này các nội dung về chuyển đổi biểu thuế AHKFTA từ AHTN 2012 sang AHTN; Báo cáo đánh giá tác động của Nghị định ban hành biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện cam kết của Việt Nam trong Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Hồng Kông.
Trong đó, Báo cáo đánh giá tác động của Nghị định nêu rõ, theo nghiên cứu của Ban Thư ký ASEAN, với cơ cấu kinh tế đặc trưng của Hồng Kông có tỷ trọng cao của các ngành dịch vụ (chiếm 95% GDP), cơ sở hạ tầng phát triển hiện đại, nền hành chính tiên tiến, nhân lực chất lượng cao cùng với sự hiện diện của các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, vận tải biển, hàng không... Hiệp định AHKFTA sẽ góp phần giảm thiểu các rào cản, khuyến khích thương mại và đầu tư, do đó, sẽ giúp đa số các nước ASEAN (trừ Lào) tăng GDP.
Vì vậy, hợp tác với Hồng Kông trong khuôn khổ AHKFTA có thể đem lại những hiệu ứng tích cực cho phát triển kinh tế của Việt Nam, hỗ trợ thực hiện chiến lược chuyển dịch cơ cấu kinh tế và mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam.
Đến nay, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Hồng Kông chưa cao, chủ yếu là hàng thủy sản, một số loại rau quả và gạo. Dự kiến, việc thực thi trong khuôn khổ AHKFTA sẽ thúc đẩy hơn nữa xuất khẩu nông, thủy sản và thực phẩm chế biến từ Việt Nam sang thị trường Hồng Kông trong thời gian tới. Về nhập khẩu, việc cắt giảm thuế theo Hiệp định AHKFTA góp phần đa dạng hóa nguồn hàng nhập khẩu.
Hiệp định AHKFTA cũng giúp tăng cường cơ hội thu hút đầu tư từ Hồng Kông vào Việt Nam cũng như cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế cho hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định riêng đối với các tờ khai hải quan của mặt hàng nhập khẩu đăng ký từ ngày 11/6/2019 đến trước ngày 20/2/2020, nếu đáp ứng đủ các điều kiện để được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt quy định tại Nghị định này và nếu đã nộp thuế theo mức thuế cao hơn thì được cơ quan hải quan xử lý tiền nộp thừa theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.