Xúc tiến đầu tư doanh nghiệp Đức vào Bình Định
Ngày 21/11, UBND tỉnh Bình Định phối hợp Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp Đức vào Bình Định bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Tham dự hội nghị có hơn 90 doanh nghiệp, hội, hiệp hội Đức và Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại các điểm cầu thuộc các nước Trung Quốc, Thái Lan, Singapore và Việt Nam.
Bình Định là tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung bộ của Việt Nam, là một trong năm tỉnh của Vùng kinh tế trọng điểm miền trung. Bình Định có có những tiềm năng, lợi thế lớn như: Diện tích tự nhiên 6.071km2, lãnh thổ trải dài 110 km theo hướng bắc-nam, với chiều dài bờ biển 134km, là cửa ngõ ra biển của các tỉnh Tây Nguyên và vùng Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và có vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, nhất là kinh tế biển; hệ thống giao thông cơ bản hoàn thiện, đồng bộ, kết nối thuận lợi giữa các vùng, với đầy đủ các phương thức vận tải. Cảng biển quốc tế Quy Nhơn là cảng biển lớn của Việt Nam, có ưu thế là vùng neo đậu kín gió, có thể tiếp nhận tàu hàng đến 70 nghìn tấn ra vào an toàn. Cảng hàng không Phù Cát đang chuẩn bị nâng cấp, mở rộng thành sân bay quốc tế…
Đặc biệt, Bình Định đang đầu tư, nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội để sẵn sàng đón các nhà đầu tư, nhất là hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp với tổng diện tích 15.300ha và hạ tầng cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.940ha.
Đồng chí Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cho biết, hội nghị xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp Đức tại Bình Định là cơ hội để tỉnh tiếp tục giới thiệu về hình ảnh, tiềm năng, lợi thế, định hướng phát triển, tạo tiền đề quan trọng để hai bên đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác.
Những năm qua mối quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư giữa tỉnh Bình Định và cộng đồng doanh nghiệp của Đức ngày càng mở rộng, sâu sắc. Tuy nhiên, kết quả thu hút đầu tư các doanh nghiệp Đức trên địa bàn tỉnh Bình Định còn khá khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác giữa hai bên.
Đến nay, toàn tỉnh chỉ có 4 dự án của các nhà đầu tư Đức với tổng vốn đăng ký đầu tư là 55,09 triệu USD, chủ yếu thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Nói chung, các dự án này hiện đang hoạt động có hiệu quả. Đặc biệt là dự án Nhà máy sản xuất màng mỏng của Công ty TNHH Kurz Việt Nam tại Bình Định, vốn đầu tư 40 triệu USD, kỳ vọng là dự án tiêu biểu cho sản xuất công nghệ cao, góp phần thu hút các dự án khác tương tự đầu tư vào Bình Định.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã giới thiệu tiềm năng thế mạnh của Bình Định, nhấn mạnh: “Bình Định đang hoàn thiện quy hoạch tỉnh, theo đó mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu khu vực miền trung; kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững và xanh hơn dựa trên 5 trụ cột tăng trưởng: công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ du lịch, logistics và vận tải, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đô thị hóa; phát triển tất cả các lĩnh vực với nguyên tắc phát triển bền vững là ưu tiên hàng đầu; trở thành trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ và du lịch của vùng duyên hải miền trung-Tây Nguyên; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại…”.
Đồng thời, đồng chí Phạm Anh Tuấn cam kết, khi các doanh nghiệp của Đức đầu tư vào Bình Định sẽ được áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất của Chính phủ Việt Nam và ưu đãi bổ sung của tỉnh Bình Định.
Đại diện các doanh nghiệp, hội, hiệp hội Đức và Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại các điểm cầu đã cùng trao đổi, kết nối thông tin với các diễn giả và đại biểu Đức, lãnh đạo tỉnh Bình Định.
Tại hội nghị này, các đại biểu đã chứng kiến lễ Ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa UBND tỉnh Bình Định với Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam; Bản ghi nhớ hợp tác phát triển dự án điện gió ngoài khơi “Hòn Trâu” tại tỉnh Bình Định giữa UBND tỉnh Bình Định và Công ty PNE AG/Đức.