Xung đột biển Đông: Từ án lệ Philippines kiện Trung Quốc
(Tài chính) Cơ chế pháp lý trong vụ việc Philippines khởi kiện Trung Quốc ra Hội đồng trọng tài theo Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển cũng là kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc đưa hành vi xâm phạm của Trung Quốc ra tòa án công lý, trọng tài quốc tế.
Hành lang pháp lý cho vụ Philippines khởi kiện Trung Quốc
Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) là một trong những văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng và đầy đủ nhất quy định cơ chế giải quyết tranh chấp liên quan đến vùng biển giữa các quốc gia thành viên. Là một quốc gia thành viên, Philippines đã sử dụng các quy định của UNCLOS để khởi động vụ kiện phản đối yêu sách của Trung Quốc đối với các khu vực trên biển Đông và các vùng biển mà Trung Quốc không có quyền theo UNCLOS nhưng cấu thành vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines.
Hướng tới mục tiêu tôn trọng đàm phán và thỏa thuận giữa các quốc gia có tranh chấp, UNCLOS quy định các quốc gia thành viên có nghĩa vụ giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa bình, tuân thủ nghĩa vụ tham vấn lẫn nhau và nỗ lực thương lượng để giải quyết tranh chấp (điều 279, điều 283, điều 284 UNCLOS). Cơ chế tài phán được đặt ra chỉ khi những nỗ lực đàm phán không thành (phần XV mục 2 UNCLOS).
Trên cơ sở đó, khi xảy ra tranh chấp, các bên được quyền tự do lựa chọn một hoặc các phương thức giải quyết tranh chấp thông qua Toà án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) theo phụ lục VI, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), Hội đồng Trọng tài (“HĐTT”) thành lập theo phụ lục VII của UNCLOS hoặc Hội đồng Trọng tài Đặc biệt theo phụ lục VIII (điều 287 UNCLOS). Điều này đồng nghĩa với việc Philippines có thể vừa kiện Trung Quốc ra ITLOS vừa kiện ra HĐTT theo phụ lục VII hoặc tiếp tục khởi kiện ra ICJ hoặc HĐTT đặc biệt như tình hình hiện nay.
Trong vụ tranh chấp của Philippines, mặc dù bị đơn Trung Quốc là một thành viên của UNCLOS, nhưng họ tuyên bố viện dẫn các ngoại lệ để loại bỏ thẩm quyền thụ lý vụ án của các cơ quan tài phán trên đối với các tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng các điều 15, 74 và 83 về phân định ranh giới biển, không liên quan đến vịnh, các hoạt động quân sự và các hoạt động khác của Hội đồng Bảo an (điều 298 UNCLOS).
Trong bối cảnh này, nguyên đơn là Philippines buộc phải chứng minh được vùng biển Đông tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan tài phán tại UNCLOS và các viện dẫn của Trung Quốc không phải là ngoại lệ loại trừ thẩm quyền tài phán của các cơ quan này.
Cơ chế giải quyết tranh chấp cho vụ kiện của Philippines theo UNCLOS
Thực tế, Philippines đã tuân thủ chặt chẽ UNCLOS bằng nỗ lực tham vấn với Trung Quốc một cách rộng rãi nhằm giải quyết tranh chấp trên cơ sở thương lượng. Khi nỗ lực không kết quả với một nước lớn áp đặt như hành xử của Trung Quốc, ngày 22/1/2013, Philippines đã chủ động khởi kiện vụ việc yêu cầu HĐTT theo phụ lục VII UNCLOS phân xử và cũng trong năm 2013, Philippines đồng thời yêu cầu ITLOS giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn tiếp tục luận điểm “tránh quốc tế hóa vụ việc” mà ưu tiên giải quyết các tranh chấp này thông qua đàm phán song phương và tìm cách bác bỏ thẩm quyền tài phán của HĐTT theo phụ lục VII hay bất kỳ cơ quan tài phán nào theo cơ chế UNCLOS.
Đồng thời, Trung Quốc đã viện dẫn Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (“Tuyên bố”) cho rằng đơn kiện của Philippines đã vi phạm các nguyên tắc trong Tuyên bố và đang làm phức tạp hơn các xung đột trong khu vực. Theo điều 5 của tuyên bố này, các nước thành viên được yêu cầu giải quyết tranh chấp lãnh thổ và quyền tài phán bằng biện pháp hòa bình, mà không cần đến các mối đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, thông qua hiệp thương hữu nghị và đàm phán của các quốc gia có chủ quyền trực tiếp liên quan. Đây có lẽ là cách
Trung Quốc lẩn tránh ràng buộc pháp lý đối với phán quyết của HĐTT và/hoặc ITLOS có thể gây bất lợi cho mình.
Động thái đơn phương khởi kiện của Philippines là giải pháp tối ưu hóa và hợp pháp hóa theo chuẩn mực quốc tế sau khi nỗ lực thương lượng hòa bình không thành công. Là nước láng giềng lớn, có ưu thế áp đặt khi đàm phán song phương, chiến thuật lẩn tránh trách nhiệm đối với quốc gia thành viên tại diễn đàn pháp lý quốc tế cho thấy Trung Quốc vẫn quanh co cho rằng việc phân định và kiểm soát các khu vực hàng hải và xác định chủ quyền chỉ là việc song phương.
Trong khi nội dung đơn kiện của Philippines là các vấn đề thuộc về chủ quyền đối với phân định biển được quy định tại Phần XV của UNCLOS. Đây là cơ sở để Philippines tự tin tiếp tục vụ kiện nhằm phủ định lập luận của Trung Quốc cho rằng UNCLOS không thể quyết định về các vấn đề lãnh thổ của quốc gia ven biển.
Rủi ro pháp lý khi Trung Quốc từ chối tham gia tố tụng ở trọng tài quốc tế?
Trong vụ kiện này, một HĐTT được thành lập bao gồm năm thành viên, hiện do trọng tài viên quốc tịch Ghana làm chủ tịch (các trọng tài viên khác gồm các quốc tịch Pháp, Ba Lan, Hà Lan và Đức). Nguyên đơn được chỉ định một thành viên trọng tài cho mình (điều 3 phụ lục VII của Công ước). Bị đơn trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo có quyền đề cử trọng tài viên cho mình. Ba thành viên khác sẽ được chỉ định theo thỏa thuận giữa các bên. Tuy nhiên, Trung Quốc từ chối tham gia và không chỉ định trọng tài cho mình. Theo đó, chủ tịch HĐTT chỉ định tất cả bốn trọng tài viên còn lại.
Quy trình tố tụng trọng tài quốc tế vẫn tiếp tục khi Philippines đệ trình đầy đủ hồ sơ vụ kiện lên HĐTT mà không bị tác động bởi việc Trung Quốc có tham gia tố tụng hoặc có đệ trình phản tố hay không (điều 9 phụ lục VII UNCLOS). Cụ thể, điều 9 quy định sự vắng mặt hay không thực hiện quyền phản tố của một bên không ảnh hưởng đến thủ tục tố tụng và phán quyết của HĐTT. Về kỹ thuật Trung Quốc có thể sẽ phản đối về thẩm quyền tài phán của HĐTT bằng việc vận dụng quy định tại điều 298 của UNCLOS như phân tích ở trên một khi phán quyết bất lợi cho họ.
Như vậy, một trong các trở ngại pháp lý lớn nhất là khả năng thi hành phán quyết của HĐTT nếu Trung Quốc không tự nguyện thực thi. Cần lưu ý cả Philippines và Trung Quốc đều bị ràng buộc bởi phán quyết của HĐTT khi họ là thành viên công ước này (khoản 5, điều 287 UNCLOS). Thông thường nếu bên có tranh chấp không đưa ra được các căn cứ phản tố vững chắc về mặt nội dung, họ sẽ tập trung vào hình thức tố tụng vụ kiện.
Vấn đề pháp lý là liệu một HĐTT, tòa án quốc tế có thẩm quyền tài phán đối với nguyên đơn, bị đơn là quốc gia hay không luôn gây ra các tranh cãi pháp lý trước khi xem xét phân định nội dung tranh chấp.
Theo thời hạn ấn định của HĐTT, vào ngày 30/3/2014 nguyên đơn Philippines đã nộp bổ sung luận cứ đầy đủ 4.000 trang cho toàn bộ vụ kiện của mình bao gồm các yêu cầu tuyên bố chủ quyền, khẳng định thẩm quyền tài phán của trọng tài và các yêu cầu bồi thường khác.
Mong đợi gì từ “án lệ” Philippines kiện Trung Quốc
Thời gian để đưa ra một phán quyết mang tính nhạy cảm, phức tạp như trên có thể kéo dài vài năm, nhất là khi một trong các bên tranh chấp tuyên bố không tuân thủ phán quyết của trọng tài liên quan đến thẩm quyền tài phán. Tuy nhiên, phán quyết từ chế định trọng tài như của Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) hoặc HĐTT theo phụ lục VII UNCLOS vẫn là các văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng có ý nghĩa xác định chủ quyền hợp pháp, quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển. Là nước lớn, nếu Trung Quốc bất tuân thủ phán quyết họ sẽ chịu điểm trừ trầm trọng về hình ảnh quốc gia, và bị công luận quốc tế lên án.
Trong công cuộc đấu tranh dựa trên nền tảng lương tri và tôn trọng luật pháp quốc tế, Việt Nam có thể tiến hành vụ kiện Trung Quốc ra ITLOS, Tòa án Công lý (ICJ) hoặc HĐTT theo phụ lục VII của công ước để đáp trả các hành động “leo thang” xâm phạm trực tiếp vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Trong khuôn khổ một vụ kiện quốc tế như vậy, chúng ta có thể đồng thời yêu cầu HĐTT, tòa án quốc tế áp dụng các biện pháp khẩn cấp ngăn chặn các hành vi xâm chiếm, tấn công, phá hoại tài sản hợp pháp của công dân và các cơ quan chấp pháp đang thực thi công vụ trên phần lãnh hải của Việt Nam.
Đối với Việt Nam, hành vi xâm phạm của Trung Quốc ra tòa án công lý, trọng tài quốc tế cũng là một biện pháp phù hợp và nhất quán với chính sách ngoại giao hòa bình của Việt Nam và luật pháp quốc tế.