Xung đột dự thảo ngân sách Mỹ 2016
(Tài chính) Cuộc chiến ngân sách quyết liệt góp phần định hình nước Mỹ hai năm tới và hướng đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016.
Ngày 2/2, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã trình kế hoạch chi tiêu công gần 4.000 tỷ USD, tăng 240 tỷ USD so với năm 2015 trong năm tài khóa 2016 lên Quốc hội.
Kế hoạch ngân sách của Tổng thống Obama bao gồm nhiều khoản chi tiêu lớn dành cho cơ sở hạ tầng, quân đội và hoạt động nghiên cứu. Trong đó, 478 tỉ USD sẽ dành cho nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông bao gồm xây dựng cầu, đường cao tốc và các đầu mối giao thông quan trọng.
Với chủ trương xây dựng nền kinh tế tầng lớp trung lưu, ông Obama cũng tập trung vào việc đánh thuế các tập đoàn lớn và những cá nhân giàu có để thu hút nguồn tiền giải ngân cho các chương trình của chính phủ. Tổng thống Obama đề nghị đánh thuế một lần 14% mỗi năm đối với khoản lợi nhuận hơn 2.100 tỷ USD mà các doanh nghiệp Mỹ đang lưu giữ ở nước ngoài để tránh phải nộp thuế.
Dự thảo ngân sách cũng đặt mục tiêu giữ thâm hụt dưới 3% tổng sản lượng nội địa (GDP), mức mà các chuyên gia kinh tế đánh giá là bền vững. Thâm hụt trong năm 2016 được ước tính vào khoảng 474 tỷ USD, tương đương 2,5% GDP, trong khi nợ chính phủ sẽ tương đương khoảng 75% GDP. Tính toán trên dựa trên giả định rằng nền kinh tế Mỹ trong năm 2016 sẽ tăng trưởng ở mức 3,1%, với tỷ lệ thất nghiệp là 5,4% và lạm phát 1,4%.
Liên quan đến ngân sách quốc phòng và các hoạt động đối ngoại, ngân sách cho năm 2016 được đề nghị tăng lên 534 tỷ USD sẽ bao gồm các khoản chi tiêu để hỗ trợ tăng cường an ninh tại các quốc gia "chịu áp lực lớn nhất từ Moskva"; cung cấp tài chính cho các hoạt động chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) và khoảng 1 tỷ USD dùng để hỗ trợ công tác quản lý tại Trung Mỹ và 14 tỷ USD cho củng cố an ninh mạng.
Vấp phải sự phản đối mạnh mẽ
Kế hoạch của ông Obama đã giáng một đòn mạnh mẽ vào tầng lớp giàu có trong xã hội Mỹ, vốn được Đảng Cộng hòa “ưu tiên”. Theo thống kê của Trung tâm chính sách thuế, có 99,6% trong top 1% người Mỹ có thu nhập cao nhất (từ 663.000 USD trở lên) sẽ phải chịu gánh nặng từ việc tăng thuế. Bên cạnh đó, những người trong top 0,1% (kiếm được ít nhất 3,4 triệu USD/năm) sẽ mất khoảng 2,6% (trung bình khoảng 168.000 USD) thu nhập sau thuế.
Ngay cả trong vấn đề tưởng như có thể tìm được tiếng nói chung, mở rộng ngân sách quốc phòng vẫn tồn tại không ít bất đồng. Các nghị sỹ đảng Cộng hòa tại lưỡng viện Quốc hội Mỹ (GOP) muốn tăng cường hoạt động quân sự bằng cách cắt giảm chi tiêu trong nước trong khi ông Obama lại cho rằng sự phát triển quốc phòng phải đi đôi với sự tăng cường các lĩnh vực phi quốc phòng.
GOP đã lên tiếng phản đối kế hoạch trên, cho rằng điều này chỉ nhằm giúp "đánh bóng" uy tín của đảng Dân chủ trước thời điểm diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống 2016. Chủ tịch Hạ viện John Boehner cho rằng kế hoạch ngân sách của Tổng thống Obama không có nhiều khác biệt so với các chính sách trước đó khi vẫn chủ yếu đề xuất tăng thuế và đẩy mạnh chi tiêu. Ông Boehner cũng để ngỏ khả năng Hạ viện sẽ đề xuất một kế hoạch khác mang tính "hướng về tương lai" cho tài khóa 2016.
Nghị sĩ Paul Ryan đã nhận xét kế hoạch lần này là “một lần nữa bóc lột nền kinh tế Mỹ”. Và nghị sỹ đảng Cộng hòa Orrin Hatch, Chủ tịch Ủy ban tài chính Thượng viện cũng chỉ trích đề xuất này "chỉ làm thỏa mãn tôn chỉ của đảng Dân chủ" chứ không thể giúp nước Mỹ lấy lại được "nền tảng tài chính vững chắc."
Đảng Cộng hòa cũng đe dọa sẽ cắt giảm chi tiêu trong dự thảo của Tổng thống Obama về vấn đề xuất nhập cảnh, trong đó có việc cắt đứt nguồn tài trợ cho Bộ An ninh nội địa (DHS) nếu Tổng thống Obama không từ bỏ dự luật di trú, theo đó cho phép thêm khoảng 5 triệu người được phép cư trú dài hạn ở Mỹ. GOP cho rằng, nếu tiếp tục với dự luật nhập cư do ông Obama khởi xướng, ngân sách Mỹ sẽ phải chi thêm 160 tỷ USD trong vòng 10 năm tới.
Đối với các nghị sỹ đảng Dân chủ, kế hoạch ngân sách của ông Obama được coi là một bản "dự thảo tuyên ngôn bầu cử" của các ứng viên đảng này và là cơ hội để họ chứng minh rằng tôn chỉ của đảng Dân chủ là tập trung vào cải thiện tình hình kinh tế cho người dân nói chung, cũng như thúc đẩy các chính sách an sinh xã hội, vấn đề này sẽ giúp đảng Dân chủ có thêm cử tri trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.
Trước những phản đối từ phe Cộng hòa, trong bài phát biểu tại Bộ An ninh Nội địa ngày 2/2, Tổng thống Obama nhấn mạnh cần tránh để sự bất đồng gây phương hại cho an ninh quốc gia, đồng thời cảnh báo Đảng Cộng hòa không nên "chơi trò chính trị" với nền kinh tế và an ninh của đất nước. Ông Obama cũng bày tỏ sẵn sàng thỏa hiệp trong vấn đề quốc phòng để tìm được sự đồng thuận chung với GOP.
Định hình cho tương lai
Dự thảo ngân sách của Tổng thống Obama đang châm ngòi cho những tranh luận về sự công bằng và tinh thần trách nhiệm - hai vấn đề quan trọng mà các ứng viên hai đảng sẽ phải hướng tới trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng trong 2 năm tới. Theo các nhà phân tích, nhiều khả năng gói ngân sách này sẽ không thể "qua cửa". Tuy nhiên, được ban hành hay không không phải là thước đo duy nhất cho sự thành công của kế hoạch tài khóa. Dự thảo ngân sách đang và sẽ thúc đẩy các cuộc thảo luận mạnh mẽ, đi sâu vào từng nội dung và làm nổi bật những thách thức đối với đảng Cộng hòa.
Đây cũng được coi là cuộc đối đầu đầu tiên về ngân sách giữa ông Obama cùng đảng Dân chủ với GOP. Cuộc đối đầu này là phép thử đối với khả năng thỏa hiệp của cả hai bên, yếu tố có tính quyết định đối với sự điều hành, quản lý nước Mỹ trong 2 năm cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Obama. Giới phân tích thậm chí cho rằng, kế hoạch ngân sách này thậm chí có thể định hình cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.