Xung quanh vấn đề dẫn độ và phong tỏa tài sản của người phạm tội rửa tiền
Tạp chí Tài chính nhận được khá nhiều câu hỏi của bạn đọc xoay quanh vấn đề hợp tác trong dẫn độ tội phạm rửa tiền và và phong tỏa tài sản của người phạm tội rửa tiền. Trên cơ sở phối hợp, hỗ trợ tư vấn của các chuyên gia pháp luật trong lĩnh vực phòng, chống rửa tiền (PCRT), Tòa soạn gửi tới bạn đọc câu trả lời cụ thể đối với từng trường hợp như sau:
*Bạn đọc hỏi: Pháp luật quy định như thế nào về việc hợp tác quốc tế trong việc xác định và phong tỏa tài sản của người phạm tội rửa tiền?
Trả lời: Vấn đề hợp tác quốc tế trong việc xác định và phong tỏa tài sản của người phạm tội rửa tiền được quy định cụ thể tại Điều 28 Nghị định số 116/2013/NĐ-CP, cụ thể:
- Trình tự, thủ tục xác định, phong tỏa tài sản của người phạm tội rửa tiền thực hiện theo quy định của Luật tương trợ tư pháp, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, Bộ luật Tố tụng hình sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Yêu cầu xác định và phong tỏa tài sản tại Việt Nam của người phạm tội rửa tiền ở nước ngoài phải đáp ứng các nội dung theo yêu cầu tại Điểm a, Khoản 3 Điều 27 Nghị định số 116/2013/NĐ-CP và được gửi đến Bộ Tư pháp kèm theo quyết định hoặc bản án của Tòa án tuyên cá nhân có tài sản được yêu cầu xác định và phong tỏa tại Việt Nam là người phạm tội rửa tiền.
*Bạn đọc hỏi: Pháp luật quy định việc thực hiện tương trợ tư pháp và hợp tác trong dẫn độ tội phạm rửa tiền như thế nào?
Trả lời: Theo Điều 29 Nghị định số 116/2013/NĐ-CP, việc thực hiện tương trợ tư pháp và hợp tác trong dẫn độ tội phạm rửa tiền được thực hiện với các quy định cụ thể như sau:
- Quy trình, thủ tục, phương thức tương trợ tư pháp trong phòng, chống rửa tiền được thực hiện theo Luật tương trợ tư pháp và Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam với quốc gia khác.
- Quy trình, thủ tục, phương thức hợp tác trong dẫn độ tội phạm rửa tiền được thực hiện theo Luật tương trợ tư pháp và Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam với quốc gia khác. Bộ Công an làm đầu mối thực hiện và yêu cầu hợp tác dẫn độ tội phạm rửa tiền.