Một số vấn đề liên quan đến xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống rửa tiền
Liên quan đến xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống rửa tiền (PCRT), Tạp chí Tài chính nhận được nhiều câu hỏi từ các độc giả quan tâm. Với sự phối hợp, hỗ trợ tư vấn của các chuyên gia pháp luật trong lĩnh vực PCRT, Tòa soạn gửi tới bạn đọc câu trả lời cụ thể đối với từng trường hợp như sau:
*Bạn đọc hỏi: Ông A rất sành trong kinh doanh kim loại quý và đá quý. Vừa qua, có một khách hàng người nước ngoài tới đặt mua một số lượng lớn đá quý và chi trả bằng tiền mặt. Không chút đắn do và nghĩ rằng đây là mối hàng lớn, khách hàng cũng thanh toán sòng phẳng, ông A đã đồng ý bán số lượng đá quý cho khách hàng bằng tiền mặt, hai bên chỉ làm giấy biên nhận tiền và giấy cam kết chất lượng đá quý. Xin cho hỏi, trong trường hợp này ông A có vi phạm quy định về PCRT không?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 8 và Điều 10 Luật PCRT năm 2012 thì ông A kinh doanh kim loại quý và đá quý nên ông A có trách nhiệm áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng trong trường hợp khách hàng có giao dịch mua, bán kim loại quý, đá quý có giá trị lớn bằng tiền mặt. Cụ thể như đối với khách hàng cá nhân là người nước ngoài phải có các thông tin: họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; quốc tịch; nghề nghiệp, chức vụ; số hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp, thị thực nhập cảnh; địa chỉ nơi đăng ký cư trú ở nước ngoài và địa chỉ nơi đăng ký cư trú ở Việt Nam.
Không chỉ vậy, ông A còn phải thường xuyên cập nhật thông tin nhận biết khách hàng trong suốt thời gian thiết lập quan hệ với khách hàng; bảo đảm các giao dịch mà khách hàng đang tiến hành thông qua đối tượng báo cáo phù hợp với những thông tin đã biết về khách hàng, về hoạt động kinh doanh, về rủi ro và về nguồn gốc tài sản của khách hàng.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, ông A khi tiến hành giao dịch với khách hàng đã không nhận biết các thông tin khách hàng và chỉ làm giấy biên nhận tiền là không đúng quy định của pháp luật. Chiếu theo quy định tại Điều 39 Nghị định số 96/2014/NĐ-CP về xử lý hành vi vi phạm quy định về nhận biết và cập nhật thông tin khách hàng thì ông A đã vi phạm quy định về PCRT và sẽ phải chịu mức tiền phạt là từ 20 – 30 triệu đồng.
*Ban đọc hỏi: Ngân hàng F không xây dựng phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro về rửa tiền vì cho rằng mình là ngân hàng ở huyện nghèo, giao dịch của người dân không lớn, không phức tạp, nên hầu hết là khách hàng có mức độ rủi ro thấp. Ngân hàng F có vi phạm quy định về phòng, chống rửa tiền không?
Trả lời: Điều 41 Nghị định số 96/2014/NĐ-CP về việc xử lý vi phạm quy định về phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro quy định:
- Phạt tiền từ 30 – 50 triệu đồng đối với hành vi không áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng, biện pháp đánh giá tăng cường quy định tại các Khoản 2, 3 và 4 Điều 12 Luật PCRT năm 2012.
- Phạt tiền từ 50 – 100 triệu đồng đối với hành vi không xây dựng quy định phân loại khách hàng, không phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro về rửa tiền theo quy định của pháp luật.
Chiểu theo các quy định trên, Ngân hàng F đã vi phạm quy định về PCRT vì không xây dựng quy định phân loại khách hàng, không phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro về rửa tiền, do đó Ngân hàng F sẽ bị xử phạt là mức phạt là từ 50 – 100 triệu đồng.
*Bạn đọc hỏi: Qua kiểm tra, đoàn thanh tra Ngân hàng phát hiện Chi nhánh Ngân hàng D không có hệ thống quản lý rủi ro để xác định khách hàng nước ngoài là cá nhân có ảnh hưởng chính trị theo quy định của pháp luật. Trường hợp này, Chi nhánh Ngân hàng D sẽ bị xử lý như thế nào?
Trả lời: Theo Điều 42 Nghị định số 96/2014/NĐ-CP quy định xử lý hành vi vi phạm quy định về việc xác định khách hàng nước ngoài là cá nhân có ảnh hưởng chính trị, Chi nhánh ngân hàng D không có hệ thống quản lý rủi ro để xác định khách hàng nước ngoài là cá nhân có ảnh hưởng chính trị theo quy định. Do vậy, Chi nhánh ngân hàng D sẽ bị xử lý vi phạm hành chính và có thể bị phạt tiền từ 100 – 150 triệu đồng.