Yêu cầu mới của nhà đầu tư ngoại
(Tài chính) Theo Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc (ACCA), các quỹ đầu tư nước ngoài khi xem xét đầu tư vào một doanh nghiệp nước sở tại thì báo cáo tài chính của doanh nghiệp được lập theo tiêu chuẩn quốc tế là yếu tố đầu tiên.
Theo ACCA, chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) được áp dụng phổ biến tại các thị trường phát triển, bởi nó tạo ra sự chuẩn mực và minh bạch trên toàn cầu. Ở Việt Nam, thực hiện báo cáo tài chính theo IFRS chủ yếu là các doanh nghiệp FDI, khoảng 10.000 doanh nghiệp. Trong khi đó, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam mới dừng ở mức thực hiện báo cáo theo 26 chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS).
Bà Phan Thị Túy Vân, Kiểm soát tài chính, Quỹ đầu tư Dragon Capital cho biết, tiêu chuẩn IFRS là bắt buộc đối với các quỹ đầu tư nước ngoài, bởi đây là chuẩn mực kế toán quốc tế mà họ có thể hiểu được, đáp ứng tính minh bạch, đầy đủ. Trên thế giới, có hơn 100 quốc gia đã công nhận tiêu chuẩn này. Đối với quỹ đầu tư, để đưa ra quyết định đầu tư, điều đầu tiên họ quan tâm chính là báo cáo tài chính có thực hiện theo đúng chuẩn mực (chuẩn mực được sử dụng nhiều nhất là IFRS), giá trị tài sản ròng của doanh nghiệp có được phản ánh đúng với giá trị thực của doanh nghiệp đó hay không.
“Bộ phận kiểm soát như chúng tôi phải thực hiện các báo cáo theo từng ngày, bởi với những quỹ đầu tư thì con số NAV hàng ngày rất quan trọng. Việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế giúp họ có thể đọc hiểu và dễ dàng xác định giá trị, từ đó ra quyết định đầu tư”, bà Vân chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, Giám đốc Tài chính, Ngân hàng HSBC Việt Nam cho rằng, các tổ chức, công ty khác nhau thực hiện việc đánh giá các khoản đầu tư của mình và tái bố trí vốn cho các lĩnh vực có lợi nhuận tốt hơn. Các báo cáo tài chính có liên quan, có thể so sánh và phản ánh trung thực tình hình tài chính của tổ chức là điều mà các nhà đầu tư đang tìm kiếm trong việc đưa ra quyết định đầu tư. IFRS giúp đảm bảo tính thống nhất toàn cầu của chuẩn mực báo cáo tài chính áp dụng cho các tổ chức trên các khu vực pháp lý khác nhau trong việc đo lường, công khai và minh bạch. Thông qua áp dụng IFRS, các công ty ở Việt Nam có thể được hưởng lợi từ hội nhập kinh tế, ví dụ tiếp cận nguồn vốn, duy trì năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững. Điều này củng cố sự ổn định của nền kinh tế Việt Nam.
Ông Đặng Thái Hùng, Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán Việt Nam cho biết, trong năm nay, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Kế toán sẽ được Quốc hội ban hành, đặc biệt nguyên tắc giá thị trường sẽ được đưa vào công tác kế toán. Định hướng đến năm 2020 sẽ áp dụng các thông lệ quốc tế vào kế toán, kiểm toán Việt Nam.
Theo ông Hùng, nguyên tắc giá thị trường chi phối trên rất nhiều lĩnh vực khác nhau, từ quản trị đến tài chính doanh nghiệp, thẩm định giá đến các công cụ về kế toán, kiểm toán. Bộ Tài chính đã xây dựng chiến lược phát triển kế toán, kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và được Thủ tướng phê duyệt, trong đó có kế hoạch đưa nguyên tắc giá thị trường vào công tác kế toán.
Cụ thể, định hướng đến năm 2020 sẽ thực hiện việc áp các thông lệ quốc tế của kinh tế thị trường tại Việt Nam, đặc biệt là các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế. Dự kiến, đến năm 2030, hệ thống kế toán Việt Nam sẽ hoàn toàn theo nguyên tắc giá thị trường. Về tổng thể, Bộ Tài chính sẽ cập nhật 26 chuẩn mực kế toán và bổ sung khoảng 15 - 17 chuẩn mực.
“Tuy nhiên, việc áp dụng IFRS cần chú ý tới cả hai trường hợp, đó là sự nguy hại nếu Việt Nam áp dụng khi chưa đủ điều kiện, nhưng một hướng khác là nếu không tích cực thực hiện sẽ làm chậm tiến trình áp các thông lệ quốc tế vào Việt Nam”, ông Hùng nói và cho biết, nguyên tắc giá thị trường bước đầu sẽ áp dụng cho các tài sản có biến động lớn về giá thị trường, đặc biệt là có cơ sở xác định giá thị trường của các tài sản này.