Yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn ngân hàng của doanh nghiệp nhỏ và vừa
Khảo cứu các công trình khoa học liên quan đến khả năng tiếp cận nguồn tín dụng ngân hàng của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước và quốc tế, bài viết khái quát về thực trạng vay vốn cũng như nhận diện các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của khu vực doanh nghiệp này. Từ đó, chỉ ra những khoảng trống tri thức trong các nghiên cứu, tạo nền tảng và cơ sở để hoàn thiện các công trình nghiên cứu tiếp theo.
Trên thế giới, tùy thuộc vào mức độ phát triển các sản phẩm tài chính và thị trường vốn của mỗi quốc gia, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) sẽ có cơ hội tiếp cận những nguồn vốn khác nhau từ ngân hàng, quỹ tín dụng, tổ chức tài chính hay cá nhân...
Tại Việt Nam, số liệu thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây cho thấy, có đến 74,47% DN được điều tra cho rằng, ngân hàng vẫn là kênh huy động vốn chủ yếu của họ. Nguyễn Thị Minh Phượng (2011) cũng khẳng định, nguồn vốn vay chủ yếu của các DN của Việt Nam vẫn tập trung ở nguồn vốn tín dụng.
Tuy nhiên, đưa ra kết quả trái ngược Báo cáo khảo sát thường niên về DNNVV của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) năm 2016 lại cho rằng, chỉ có khoảng 1/3 số DNNVV tiếp cận được với vốn ngân hàng. Trong số các DNNVV có nhu cầu vay vốn ngân hàng được hỏi, chỉ có 10,5% DN được vay vốn theo đúng yêu cầu vay, đa số DN chỉ được ngân hàng cho vay khoảng 25 – 50% số tiền mà DN đề xuất vay (Nguyễn Thị Minh Huệ, 2012).
Vậy những yếu tố ảnh hưởng đến việc tiếp cận tín dụng ngân hàng của DNNVV trong nước và trên thế giới? Tác giả tập trung khảo cứu các công trình khoa học liên quan đến khả năng tiếp cận nguồn tín dụng ngân hàng của DNNVV trong nước và quốc tế, tác giả khái quát về thực trạng vay vốn cũng như nhận diện những yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của khu vực DN này. Từ đó, chỉ ra những khoảng trống tri thức, tạo cơ sở và nền tảng để tiếp tục hoàn thiện các công trình nghiên cứu tiếp theo.
Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng của DNNVV, Wagema G. Mukiri (2011) sử dụng phân tích cluster (phân nhóm các đối tượng có liên quan vào một nhóm đại diện bởi một biến) với các biến đưa vào mô hình liên quan đến đặc điểm của chủ DN và khẳng định: Tuổi tác, trình độ, kinh nghiệm kinh doanh của chủ DN có vai trò hình thành định hướng của doanh nhân trong việc hoạch định chiến lược vay vốn kinh doanh.
Tuy nhiên, phương pháp này chưa chỉ ra mức độ ảnh hưởng cụ thể của từng yếu tố đến khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng của DNNVV.
Tiến bộ hơn so với Wagema (2011), Nguyễn Văn Lê (2014) sử dụng phương pháp ước lượng bình phương nhỏ nhất (OLS) để đánh giá khả năng tăng trưởng tín dụng cho DNNVV của Việt Nam khi nền kinh tế mất ổn định và đã chỉ ra 2 yếu tố ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng tín dụng ngân hàng, đó là quy mô của DN và mức độ thanh khoản. Tuy vậy, trong quá trình thực hiện phương pháp OLS vẫn còn vướng mắc một số hạn chế biến phụ thuộc trong mô hình...
Để nghiên cứu yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng, phương pháp phân tích hồi quy Binary logistic cũng được đa số nhà khoa học sử dụng như: Ricardo (2004), Võ Trí Thành (2011), Ajagbe (2012), Khalid (2014), Hạ Thị Thiều Dao (2014) sử dụng.
Trong trường hợp này, cần dự đoán khả năng DNNVV có vay được vốn ngân hàng hay không? Nghiên cứu của Nguyễn Hồng Hà (2013) cho thấy, phương pháp phân tích hồi quy Binary logistic và phân tích nhân tố khám phá – EFA đã được tác giả sử dụng linh hoạt để nghiên cứu tác động của các nhân tố từ phía DN và ngân hàng.
Theo đó, tác giả sử dụng phương pháp EFA để rút gọn một tập hợp nhiều biến quan sát phụ thuộc lẫn nhau thành một tập biến ít hơn để chúng có ý nghĩa nhưng vẫn chứa đựng hầu hết thông tin của tập biến ban đầu. Từ đó, làm cơ sở giúp quá trình hồi quy Binary logistic cho kết quả chính xác hơn.
Các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng của doanh nghiệp nhỏ và vừa
Hiện nay, có 3 nhóm yếu tố được các nhà nghiên cứu tập trung phân tích gồm: Phía DN, phía ngân hàng và chính sách kinh tế vĩ mô. Tùy thuộc vào từng hướng nghiên cứu mà các tác giả tập trung vào nhóm yếu tố đặc thù.
Theo đó, Wagema (2011), Khalid (2014) cho rằng, các đặc điểm liên quan đến chủ DN (như: trình độ và kinh nghiệm kinh doanh, giới tính, tình trạng hôn nhân…) tuy không tác động trực tiếp nhưng sẽ có vai trò hình thành định hướng các chiến lược vay vốn kinh doanh.
Ajagbe (2013) sau khi tiến hành khảo sát 350 DN quy mô nhỏ tại bốn khu vực chính của bang Oyo (Nigeria) và sử dụng phương pháp phân tích hồi quy Binary logistic để tiến hành đánh giá sự ảnh hưởng tiếp cận tín dụng của DNNVV cũng đã đưa ra kết luận tương đồng, đó là, các yếu tố liên quan đến đặc điểm của chủ DN nêu trên có tác động dương trong việc thúc đẩy hoạt động cho vay của ngân hàng đối với DN.
Hơn nữa, các yếu tố quy mô và doanh thu của DN cũng được tác giả chỉ ra là sẽ ảnh hưởng cùng chiều trong việc DN tiếp cận tín dụng tại ngân hàng.
Không dừng ở đó, 3 yếu tố: Quy mô DN lớn, thời gian hoạt động DN dài và những DN có mối quan hệ tốt với ngân hàng luôn dễ dàng hơn trong vấn đề vay vốn (số lượng vốn vay và thời gian vay) đã được Khalid (2014) nhận định là có tác động đến tăng trưởng tín dụng ngân hàng thông qua một cuộc khảo sát 364 DNNVV tại Libya bằng phương pháp phân tích hồi quy Binary logistic.
Xoáy sâu vào phân tích các yếu tố liên quan đến nội tại DNNVV ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn, các tác giả Khalid (2014), Võ Trí Thành (2011), Ricardo (2004), Hạ Thị Thiều Dao (2014), Đỗ Thị Thanh Vinh (2014)... sử dụng phương pháp phân tích hồi quy Binary logistic thu được kết luận: Quy mô DN, doanh thu DN, năng lực của DN, khả năng quay vòng vốn, mối quan hệ với ngân hàng, sử dụng tín dụng thấu chi, mức độ thanh khoản, tài sản đảm bảo... có tác động trực tiếp đến khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng của DNNVV.
Ngoài tăng trưởng tín dụng ngân hàng, Trần Trung Kiên (2015), Nguyễn Thị Minh Huệ (2012) cũng cho rằng, những yếu tố từ phía ngân hàng như: lãi suất vay cao, thủ tục vay vốn phức tạp, yêu cầu về tài sản đảm bảo... cũng có tác động đến khả năng tiếp cận tín dụng của DNNVV.
Tương tự, Nguyễn Hồng Hà (2013) đã sử dụng phương pháp phân tích hồi quy Binary logistic và phương pháp EFA linh hoạt để nghiên cứu mức độ tác động của các yếu tố từ phía DN và ngân hàng đến khả năng tiếp cận vốn tín dụng của DNNVV trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
Tác giả tiến hành điều tra 120 DN và 10 ngân hàng tại 06 huyện và 01 thành phố của Trà Vinh với 11 yếu tố phân tích. Kết quả chỉ ra rằng, 04 yếu tố từ phía DNNVV gồm: Uy tín của DN, phương án sản xuất kinh doanh, lập báo cáo tài chính và tài sản đảm bảo đều tác động cùng chiều đến khả năng vay vốn của DNNVV, trong đó biến uy tín của DN có tác động mạnh nhất do có hệ số điểm nhân tố lớn nhất (0,301).
Về phía ngân hàng, các yếu tố: lãi suất, thủ tục, thời hạn và thời gian xem xét cho vay đều có tác động trực tiếp đến việc vay vốn của DNNVV tại tỉnh Trà Vinh.
Nguyễn Hồng Hà (2013) nhận định, nếu thời gian cho vay phù hợp với mục đích vay vốn, quy trình xem xét nhanh chóng, thủ tục vay vốn tín dụng càng rõ ràng, kết hợp lãi suất giảm thì khả năng tiếp cận và vay được vốn của DN càng được nâng cao.
Đề tài có những tiến bộ rõ rệt về phương pháp và số lượng biến nghiên cứu với hai nhóm yếu tố ảnh hưởng: Ngân hàng và DN, từ đó đưa ra một số giải pháp phù hợp nhằm khắc phục hạn chế trong vấn đề vay vốn cho DNNVV tại tỉnh Trà Vinh.
Trong quá trình phân tích, Nguyễn Văn Lê (2014) khẳng định rằng, khi điều kiện kinh tế vĩ mô bất ổn sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng dụng ngân hàng của DNNVV.
Sử dụng phương pháp phân tích hồi quy Binary logistic cùng bảng câu hỏi bán cấu trúc Hạ Thị Thiều Dao (2014) phản ánh tình trạng kinh tế vĩ mô khó khăn khiến thị trường đi xuống chính là một trong nhiều nguyên nhân làm hạn chế khả năng tiếp cận tín dụng giữa ngân hàng và DN nhỏ tại tỉnh Bến Tre.
Hơn nữa, môi trường kinh tế và chính sách vĩ mô của Nhà nước; đặc điểm kinh doanh của các tổ chức tín dụng được Đặng Thị Huyền Thương (2014) nhận định là có ảnh hưởng lên đến khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng của DNNVV.
Điều này khá chính xác, vì từ năm 2008 trở lại đây, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế Việt Nam, Nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách nhằm phục hồi nền kinh tế, trong đó có các chính sách hỗ trợ tài chính cho DN như: Thành lập Quỹ Phát triển DNNVV; Cho phép cơ cấu lại nợ của DN; Triển khai các gói tín dụng nhà ở xã hội 30.000 tỷ đồng; Liên kết ngân hàng - DN, liên kết 4 nhà; Đẩy mạnh cho vay tín dụng theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP...
Triển khai chủ trương trên, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra nhiều chương trình, biện pháp thực hiện và chỉ đạo các ngân hàng thương mại triển khai các hoạt động cho vay vốn phù hợp với chính sách ưu đãi của Chính phủ.
Kết luận
Qua khảo cứu các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước có thể thấy rằng, các tác giả chủ yếu tập trung đánh giá tình hình vay vốn tín dụng của DNNVV từ một phía (bên cầu tiền tệ hoặc bên cung tiền tệ). Ít tài liệu có sự tổng hợp các yếu tố từ 3 phía tác động đến khả năng vay vốn tín dụng của DNNVV, đặc biệt là các yếu tố từ chính sách kinh tế vĩ mô.
Nếu có sử dụng cũng chỉ phân tích chung chung, phương pháp phân tích khá đơn giản và giải pháp chưa chuyên sâu. Hơn nữa, việc sử dụng mô hình phân tích trong các nghiên cứu liên quan chưa thật nổi bật, chủ yếu là mô hình OLS, mô hình cluster, mô hình Binary logistic hoặc các yếu tố ảnh hưởng được trình bày còn thiếu.
Do đặc điểm về điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội ở các quốc gia và các tỉnh tại Việt Nam khác nhau, nên các yếu tố và mức độ ảnh hưởng của chúng đến khả năng tăng trưởng tín dụng đối với DNNVV cũng khác nhau.
Nhằm lấp đầy các khoảng trống tri thức cũng như bổ sung những vấn đề chưa được các nhà khoa học trong và ngoài nước đề cập tới, trong nghiên cứu tiếp theo, tác giả tiếp tục tiếp cận chủ đề tín dụng ngân hàng cho DNNVV trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, trong đó bổ sung những vấn đề chưa được các nhà khoa học trong và ngoài nước đề cập tới như: Đánh giá tình hình tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng của DNNVV; Nghiên cứu yếu tố tác động đến khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng của DNNVV từ 3 nhóm yếu tố: DN, ngân hàng, chính sách vĩ mô; Sử dụng phương pháp phân tích hồi quy Binary logistic, phương pháp phân tích nhân tố khám phá EFA, phương pháp phân tích nhân tố khẳng định CFA, dùng phần mềm Stata để xử lý số liệu, từ đó đánh giá sự tác động cả 2 phía cung và cầu tín dụng; Đề xuất một số giải pháp phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương cũng như thời điểm phát triển hiện nay...
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Hồng Hà (2013), “Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn tín dụng của các DNNVV trên địa bàn tỉnh Trà Vinh”, Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn, số 9, tr. 37 – 45;
2. Nguyễn Thị Minh Huệ và Tăng Thị Thanh Phúc (2012), “Giải pháp nào cho các DN khu vực tư nhân ở Việt Nam trong thời kỳ suy thoái kinh tế - góc nhìn từ nguồn vốn tín dụng ngân hàng”, Tạp chí Ngân hàng, 5, tr 48 – 58;
3. Trần Trung Kiên (2015), “Nâng cao khả năng tiếp cận vốn của DNNVV từ góc nhìn người làm ngân hàng”, Hội thảo Nâng cao khả năng tiếp cận vốn của các DNNVV trong bối cảnh Việt Nam hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2015, Hà Nội;
4. Nguyễn Văn Lê (2014), Tăng trưởng tín dụng ngân hàng đối với DNNVV ở Việt Nam trong điều kiện kinh tế vĩ mô bất ổn, Luận án tiến sỹ Học viện Ngân hàng, Hà Nội;
5. Nguyễn Thị Minh Phượng, Nguyễn Thị Minh Hiền (2011), “Đánh giá khả năng tiếp cận vốn của các DNNVV tại Nghệ An”, Tạp chí Khoa học và Phát triển, 9 (3), tr. 503 – 511, Đại học Nông nghiệp Hà Nội;
6. Viện Nghiên cứu Kinh tế và Quản lý kinh tế Trung ương (2013), Báo cáo Khảo sát thường niên về DNNVV năm 2013, Hà Nội;
7. Viện Phát triển DN, VCCI, Báo cáo động thái DN Việt Nam 2014, 2015.