Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Phú Thọ tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng
Thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, UBND tỉnh Phú Thọ đã triển khai thực hiện nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn phát triển sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, cũng giống như nhiều địa phương khác trong cả nước, doanh nghiệp nhỏ và vừa tại tỉnh Phú Thọ còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn được tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng hiện nay chỉ đạt khoảng 35,69% cho thấy, các chính sách hỗ trợ chưa đến được rộng rãi với khu vực kinh tế tư nhân.
Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn ngân hàng
Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp (DN) yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện một số giải pháp nhằm hỗ trợ DN, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tiếp cận vốn tín dụng.
Bám sát chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã và đang có những bước đi đúng đắn, kịp thời ban hành các chính sách hợp lý định hướng cho các tổ chức tín dụng, từng bước nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, trong đó có khu vực DNNVV. Ngành Ngân hàng đang triển khai đồng bộ các giải pháp tại Đề án Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định 1726/2016/QĐ-TTg ngày 5/9/2016.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hệ thống ngân hàng thương mại triển khai nhiều quy định hỗ trợ, giảm lãi suất, ưu tiên nguồn vốn đối với khu vực DNNVV, qua đó, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các DNNVV tiếp cận hiệu quả các nguồn vốn vay ngân hàng, giúp cho các DN phục hồi và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.
Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ sự phát triển loại hình DNNVV, đặc biệt là chính sách về tài chính. Quan trọng nhất là việc ban hành Nghị định số 90/2001/NĐ-CP, thay thế bởi Nghị định số 56/2009/NĐ-CP về trợ giúp phát triển DNNVV và được luật hóa bởi Luật Hỗ trợ DNNVV số 04/2017/QH14 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018.
Đây là các cơ sở pháp lý để Chính phủ thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng DNNVV và Quỹ Phát triển DNNVV để tài trợ kinh phí cho các chương trình, dự án trợ giúp các DNNVV tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, duy trì và phát triển trong nền kinh tế hội nhập.
Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển DNNVV như: Thành lập Quỹ Phát triển DNNVV; Quỹ bảo lãnh tín dụng đối với DNNVV; Cho vay ưu đãi đối với một số ngành nghề... Các chính sách hỗ trợ DNNVV tiếp cận vốn tín dụng mang những tác động tích cực đến sự phát triển của khối kinh tế tư nhân này. Chính sách cũng đã có nhiều sửa đổi phù hợp hơn với những đặc điểm đặc thù của DNNVV…
Xác định việc hỗ trợ DNNVV phát triển là nhiệm vụ then chốt trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, là nền tảng quan trọng để đẩy nhanh phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, giải quyết việc làm cho người lao động, thời gian qua, tỉnh Phú Thọ đã nghiêm túc thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước đối với DNNVV, nhờ đó các giải pháp thực hiện đã đem lại nhiều tích cực đối với loại hình DN này.
UBND tỉnh Phú Thọ đã triển khai thực hiện nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ DNNVV tiếp cận vốn như: Đề nghị các ngân hàng trên địa bàn hạ lãi suất cho vay, miễn, giảm lãi vay với các DNNVV gặp khó khăn, rủi ro; Tổ chức đối thoại, lắng nghe các khó khăn vướng mắc của DNNVV; Tổ chức chương trình kết nối ngân hàng – DN...
Tuy nhiên, cũng như các DNNVV trong cả nước, DNNVV tại tỉnh Phú Thọ còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng. Tỷ lệ DNNVV được tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng trên địa bàn chỉ đạt khoảng 35,69%. Điều đó cho thấy, một lượng lớn DNNVV tiềm năng vẫn chưa có cơ hội để phát triển, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, chính quyền địa phương và của hệ thống ngân hàng chưa vực dậy được khu vực kinh tế tư nhân này.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng các DNNVV trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã không ngừng tăng về số lượng, năm sau cao hơn năm trước. Các DNNVV là thành phần chủ lực đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, đầu tư và thu ngân sách của Tỉnh, trong đó đóng góp 55% GRDP, trên 50% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và trên 70% tổng thu ngân sách (Tỉnh ủy Phú Thọ, 2017), góp phần quan trọng tạo việc làm cho lao động địa phương, phát triển an sinh xã hội.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Phú Thọ đã triển khai nhiều chương trình, chính sách khơi thông nguồn vốn tín dụng hiệu quả, điển hình là chương trình kết nối ngân hàng - DN. Chương trình được tổ chức hằng năm giúp các DNNVV tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng, giúp các ngân hàng thương mại khơi thông được dòng chảy vốn, tác động mạnh mẽ đến sự tăng trưởng tín dụng trên địa bàn.
Hiệu quả chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng
Thời gian qua, dù Chính phủ đã thúc đẩy các bộ, ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện và thực hiện các chính sách hỗ trợ DNNVV, nhưng thực tế cho thấy nhiều DNNVV vẫn khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Thống kê cho thấy, các DNNVV chiếm khoảng 97% tổng số DN đang hoạt động, đóng góp khoảng 45% GDP, 31% tổng thu ngân sách.
Tuy nhiên, đến ngày 31/8/2017, dư nợ tín dụng đối với DNNVV chỉ đạt 1.292.182 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 21,14% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ cho các DNNVV từ Trung ương đến địa phương, trong đó có tỉnh Phú Thọ chưa có sự phối hợp chặt chẽ, còn chưa ăn khớp, thiếu tính đồng bộ và chưa mang lại hiệu quả mong muốn, cụ thể:
Một là, các cơ chế, chính sách của Nhà nước có nhiều thay đổi, các văn bản hướng dẫn chậm được ban hành và đồng bộ nên chưa tạo được sự an tâm cho DN đầu tư. Các quyết định của UBND Tỉnh đối với sự phát triển của DNNVV chưa đồng bộ, còn nhiều bất cập chưa được bổ sung kịp thời, nhiều thủ tục hành chính chưa được sửa đổi, chưa theo kịp tiến trình phát triển của DN.
Hai là, mặc dù UBND tỉnh Phú Thọ đã có nhiều biện pháp nhằm tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, tăng năng lực cạnh tranh nhưng việc thu hút các nhà đầu tư vào tỉnh Phú Thọ còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng của Tỉnh. Nội lực kinh tế của Tỉnh còn thấp, việc đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa đồng bộ, hạ tầng còn thiếu, chưa tạo được nhiều quỹ đất sạch cho DN.
Ba là, ở nhiều địa phương, trong đó có tỉnh Phú Thọ chưa thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV. Cả nước mới chỉ có 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV.
Quỹ này ra đời giúp các DNNVV không có tài sản thế chấp, chưa có khả năng đáp ứng các điều kiện về bảo đảm tiền vay nhưng có dự án đầu tư/phương án kinh doanh hiệu quả, khả thi có thể vay được vốn ngân hàng.
Bốn là, thiếu cơ chế phối hợp, hợp tác chặt chẽ giữa ngân hàng thương mại với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các khu công nghiệp, cơ quan thuế và các hiệp hội, làng nghề… trong việc tìm kiếm, giới thiệu các DNNVV có năng lực tài chính tốt để ngân hàng xem xét, thẩm định cho vay mà hiện nay chủ yếu là khách hàng tự đến hoặc số ít qua nỗ lực tìm kiếm của cán bộ tín dụng hoặc qua sự phối hợp của các bên nêu trên nhưng lại dựa trên mối quan hệ cá nhân là chủ yếu.
Năm là, công tác tuyên truyền, phổ biến về các chính sách, chương trình hỗ trợ của Nhà nước chưa được chú trọng nên sự lan tỏa các chính sách tới các địa phương còn chậm, ít DNNVV biết để tham gia.
Công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị quyết số 35/NQ-CP và các cơ chế chính sách, pháp luật về hỗ trợ và phát triển DN đến các DN, người dân chưa có hiệu quả cao, thậm chí một số DN chưa biết đến Nghị quyết số 35/NQ-CP (Văn phòng Chính phủ, 2017).
Một số kiến nghị, đề xuất
Trong 5 năm qua, các DNNVV tại tỉnh Phú Thọ đã phát triển nhanh chóng, số lượng DN năm sau cao hơn năm trước, phấn đấu đạt mốc 8.000 DN vào năm 2020.
Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển về số lượng, các DNNVV của Tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn, trong đó có khó khăn về vốn… Thực tế này đòi hỏi các bộ, ngành chính quyền địa phương cùng ngành Ngân hàng phải có những bước đi mạnh mẽ hơn để hỗ trợ DNNVV phát triển, cụ thể:
Một là, tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các chính sách, nhiệm vụ, biện pháp hỗ trợ phát triển DNNVV, khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp theo tinh thần quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và DN; Tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo mọi điều kiện cho DNNVV phát triển; Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN.
Các bộ, ngành, địa phương cần triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ DNNVV được quy định trong Luật Hỗ trợ DNNVV số 04/2017/QH14. Các bộ, ngành, cơ quan liên quan cần khẩn trương rà soát tổng thể hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh, đất đai, xây dựng, nhà ở và các chính sách cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ DN, xem xét đồng bộ với Luật Hỗ trợ DNNVV; Hoàn thiện chính sách về bảo lãnh cho DNNVV vay vốn theo hướng phù hợp với thực tiễn, đảm bảo hài hòa lợi ích của tất cả các bên tham gia và thể hiện được vai trò của Nhà nước trong việc hỗ trợ DNNVV thông qua công cụ này.
Về phía địa phương, cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu để vận dụng thực hiện đầy đủ và phù hợp các chủ trương, cơ chế, chính sách của Nhà nước đã ban hành đối với DNNVV.
Các sở, ban, ngành cần triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ để DNNVV tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Trung ương, đặc biệt tập trung vào các chương trình hỗ trợ lãi suất, vay vốn ưu đãi đối với các dự án quan trọng trên địa bàn.
Đồng thời, cần xây dựng định hướng Chiến lược phát triển DNNVV trong từng thời kỳ, gắn chặt với quy hoạt tổng thể và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh, của từng ngành, lĩnh vực và từng vùng kinh tế.
Hai là, cần tiếp tục tăng khả năng hấp thụ vốn của DNNVV thông qua hỗ trợ các DNNVV tháo gỡ các khó khăn như chính sách kích cầu giải quyết hàng tồn kho của DN, hỗ trợ DNNVV đổi mới công nghệ, thực hiện xúc tiến thương mại, nghiên cứu thị trường, quảng bá sản phẩm, tập trung giải quyết các yếu tố về điều kiện cơ sở hạ tầng nhằm tạo thuận lợi cho các dự án của DNNVV sớm đi vào hoạt động, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tạo ra sự chuyển biến về chất trong công tác cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường và nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh nhằm thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư vào tỉnh Phú Thọ.
Cần tiếp tục phát triển hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề đã có, hình thành thêm các khu, cụm công nghiệp mới tại huyện Hạ Hòa, Lâm Thao, Phù Ninh và thị xã Phú Thọ để giải quyết việc làm cho lực lượng lao động lớn của Tỉnh; Tập trung làm tốt công tác quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, làng nghề truyền thống, tạo quỹ đất cho các DNNVV có mặt bằng sản xuất kinh doanh; Đầu tư xây dựng các công trình xử lý chất thải, bảo vệ môi trường, nhất là khu công nghiệp Thụy Vân, Phú Hà, Trung Hà, cụm công nghiệp Đồng Lạng, Bạch Hạc....
Ba là, cần thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho các DNNVV giúp các DNNVV tiếp cận vốn vay ngân hàng, khơi thông dòng chảy vốn trong điều kiện tài sản thế chấp không đủ.
Đồng thời, giữa các chủ thể cần có cơ chế chia sẻ, trao đổi thông tin để Quỹ Bảo lãnh có thể tiếp cận thông tin của các khoản vay có bảo lãnh, cũng là một cách để giám sát khoản vay, mở rộng mạng lưới thông tin này ra các kênh khác như cơ quan thuế, Ngân hàng Nhà nước Tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội DN… nhằm giảm rủi ro trong hoạt động bảo lãnh.
Tỉnh Phú Thọ cũng cần nghiên cứu bài học kinh nghiệm từ các Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV ở các địa phương khác, bởi trong thời gian qua các Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho các DNNVV ở các địa phương đa phần hoạt động chưa hiệu quả, còn cầm chừng, chưa phát huy được sứ mệnh khi thành lập.
Bốn là, cần có cơ chế phối hợp, hợp tác chặt chẽ giữa ngân hàng thương mại với Ngân hàng Nhà nước Tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan thuế và các Hiệp hội DN… trong việc tìm kiếm, giới thiệu các DNNVV có năng lực tài chính tốt để ngân hàng xem xét cấp tín dụng. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Phú Thọ tiếp tục tổ chức và phát huy các kết quả đã đạt được của chương trình kết nối DN - ngân hàng, huy động hơn nữa việc tham gia của các chi nhánh ngân hàng, các DN trên địa bàn.
Đồng thời, tuyên truyền sâu rộng đến tất cả các DNNVV để các DN nắm được thông tin về chương trình. Ngân hàng Nhà nước Tỉnh nên tổ chức chương trình kết nối DN - ngân hàng định kỳ hàng quý để giải quyết kịp thời nhu cầu vốn của DNNVV.
Năm là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách hỗ trợ DNNVV rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để các DN biết và phát huy quyền lợi của mình; Định kỳ tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo địa phương, các sở, ban, ngành với đại diện các DNNVV, Hiệp hội DN nhằm lắng nghe ý kiến phản ánh của các DN, xử lý kịp thời những khó khăn vướng mắc trong quá trình kinh doanh của DN.
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội (2017), Luật Hỗ trợ DNNVV số 04/2017/QH14;
2.Chính phủ (2016), Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, ban hành ngày 16/05/2015;
3. Văn phòng Chính phủ (2017), Báo cáo tổng hợp công tác chỉ đạo điều hình của Chính phủ, Thủ trướng Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN (Tài liệu phục vụ Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN), ban hành ngày 16/05/2017.
4. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Phú Thọ (2017), Báo cáo tình hình cho vay của các tổ chức tín dụng đối với DNNVV trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2013 – 2017;
5. Tỉnh ủy Phú Thọ (2017), Nghị quyết số 25-NQ/TU về phát triển DN trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, ban hành ngày 03/05/2017;
6.TS. Nguyễn Thị Hiền (2018), Hỗ trợ DNNVV tiếp cận hiệu quả nguồn vốn tín dụng ngân hàng, Doanh nhân Việt Nam.