Rủi ro tài chính ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết
Đại dịch COVID-19 diễn ra bất ngờ đem tới nhiều rủi ro và khiến hoạt động của các doanh nghiệp trên thế giới và Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Mục tiêu của nghiên cứu này đánh giá ảnh hưởng của rủi ro tài chính (đo lường thông qua khả năng thanh toán lãi vay) đến hiệu quả hoạt động kinh doanh (đo lường thông qua tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu) của 119 doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam giai đoạn 2019-2021. Kết quả nghiên cứu cho thấy, rủi ro tài chính và hiệu quả hoạt động kinh doanh có mối quan hệ cùng chiều. Kết quả này là cơ sở đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thông qua kiểm soát rủi ro tài chính.
Giới thiệu
Xu thế hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới mang lại nhiều cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp tại Việt Nam. Đại dịch COVID-19 và VUCA (Volatility, Uncertainty, Complexity và Ambiguity) 3.0 đã khiến nhiều doanh nghiệp đối mặt với các rủi ro, trong đó có rủi ro tài chính. Rủi ro tài chính được hiểu là những biến động tài chính không mong muốn có thể gây tổn thất và ảnh hưởng tới khả năng đạt được mục tiêu tài chính của cho cá nhân, tổ chức.
Hoạt động của doanh nghiệp có bền vững hay không được thể hiện thông qua hiệu quả hoạt động kinh doanh ổn định và các chỉ số tài chính tăng trưởng đều qua các năm. Quan điểm của Marshall (1980) cho rằng, tỷ lệ giữa phần tăng thêm của kết quả và phần tăng thêm của chi phí chính là căn cứ để xác định hiệu quả kinh doanh. Trần Thị Thu Phong (2013) nhấn mạnh: “Biểu hiện cao nhất, tập trung nhất của hiệu quả kinh doanh là khả năng sinh lời (sức sinh lời)”, nên việc phân tích hiệu quả kinh doanh phải tập trung phân tích khả năng sinh lời của các nguồn lực sử dụng cho hoạt động kinh doanh. Như vậy, hiệu quả kinh doanh có thể được hiểu là mức độ mà doanh nghiệp hoặc tổ chức đạt được mục tiêu và kết quả mong đợi từ các hoạt động kinh doanh của mình, là sự phản ánh sự hiệu suất của doanh nghiệp trong việc sử dụng tài nguyên (như vốn, lao động, nguyên vật liệu đầu vào) để tạo ra sản phẩm/dịch vụ và thực hiện được các mục tiêu chiến lược mà doanh nghiệp đã đề ra.
Trong thực tế, mọi kế hoạch kinh doanh đều tiềm ẩn rủi ro tài chính và loại rủi ro này luôn có tác động hai mặt tích cực hoặc tiêu cực đối với hiệu quả kinh doanh và giá trị của doanh nghiệp. Những dự án mang lại lợi nhuận càng cao thì rủi ro tài chính gặp phải càng lớn. Nếu doanh nghiệp đối mặt với rủi ro tài chính lớn, ngân hàng hoặc các nhà đầu tư có thể giảm nguồn cho vay hoặc tăng lãi suất vay.
Mặt khác, rủi ro tài chính có thể làm gia tăng chi phí tài chính và ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Những phân tích về tác động của rủi ro tài chính tới hiệu quả hoạt động kinh doanh gợi mở rằng trước khi đưa ra quyết định kinh doanh thì doanh nghiệp cần phải cân nhắc liệu lợi nhuận mà dự án mang lại có tương xứng với những rủi ro tài chính mà doanh nghiệp có thể gặp phải hay không. Đồng thời, doanh nghiệp nên đưa ra các biện pháp quản trị rủi ro tài chính hiệu quả vì những tác động theo chiều hướng tiêu cực của rủi ro tài chính có thể sẽ dẫn tới việc “triệt tiêu” lợi nhuận có được. Gordon và cộng sự (2009) đã tìm thấy tác động tích cực về mối quan hệ giữa quản lý rủi ro và hiệu quả hoạt động của công ty tại Mỹ, tuy nhiên mức độ tác động này còn tuỳ thuộc vào đặc thù khác nhau của từng công ty. Nghiên cứu của Hoyt và Liebenberg (2011) và Omasate (2014) đã phát hiện rằng quản lý rủi ro có ý nghĩa đáng kể trong việc cải thiện hiệu suất và giá trị của doanh nghiệp.
Tại Việt Nam, nghiên cứu của Võ Thị Thuý Dung (2016) và Lưu Hữu Đức (2018) đã xác nhận rằng, rủi ro tài chính có ảnh hưởng tới giá trị cũng như hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Hiện tại, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam đều gặp những khó khăn nhất định về tình hình tài chính làm cho khả năng xảy ra các rủi ro tài chính gia tăng. Chính những khó khăn này sẽ có ảnh hưởng tới kế hoạch sản xuất kinh doanh, từ đó làm gây ra tác động làm thay đổi hiệu quả hoạt động kinh doanh hậu đại dịch COVID-19. Do đó, việc tìm hiểu mối quan hệ giữa rủi ro tài chính với hiệu quả kinh doanh tại các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam giai đoạn 2019-2021 để từ đó tìm cách quản lý rủi ro tài chính là hoàn toàn cần thiết. Đây cũng là mục tiêu chính của nghiên cứu này.
Cơ sở lý thuyết và phát triển giả thuyết
Lý thuyết đại diện (Jensen và Meckling, 1976) được coi là lý thuyết nền tảng của nghiên cứu này. Lý thuyết này giải thích rằng, xung đột lợi ích có thể xảy ra giữa các nhà quản lý và chủ sở hữu do sự bất cân xứng trong lợi ích khiến các doanh nghiệp gặp rủi ro. Trong khi nhà quản lý có thể chấp nhận rủi ro cao để có lợi tức cao thì người chủ sở hữu lại mong muốn rủi ro thấp với lợi tức đầu tư thấp hơn. Điều này sẽ khiến doanh nghiệp dễ gặp phải các rủi ro tài chính.
Trong thế kỷ XXI, khi môi trường kinh doanh trở nên ngày càng phức tạp, rủi ro tài chính đã trở thành một chủ đề nghiên cứu thu hút sự quan tâm từ các nhà nghiên cứu tại Việt Nam. Vũ Minh (2013) cho rằng, rủi ro không chỉ bắt nguồn từ sự không chắc chắn mà còn từ ứng xử của từng bộ phận chịu tác động trước những sự không chắc chắn đó. Tác giả Đinh Văn Đức (2009) nhấn mạnh, rủi ro tài chính là tác nhân và có ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam. Tác giả Võ Thị Thuý Dung (2016) cho rằng, rủi ro tài chính đến từ nhiều nhân tố như lãi suất, tỷ giá, giá hàng hóa, chứng khoán, những rủi ro do doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính – sử dụng vốn vay...
Khi doanh nghiệp mắc phải rủi ro tài chính sẽ kéo theo một chuỗi các khó khăn như: gia tăng các khoản nợ phải trả, khả năng thanh toán giảm, đi cùng với nó là uy tín doanh nghiệp cũng như năng lực cạnh tranh giảm sút một cách đáng kể. Từ đó, ảnh hưởng nặng nề đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Qua việc thực hiện nghiên cứu thực nghiệm đối với rủi ro thanh toán, rủi ro tiềm ẩn phá sản và hiệu quả hoạt động, Lưu Hữu Đức (2018) đã đưa ra kết luận là các rủi ro tài chính có tương tác cộng hưởng cùng chiều lên nhau, đồng thời chúng có ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động kinh doanh.
Xuất phát từ các lý thuyết và kết quả thực nghiệm của các nghiên cứu đi trước, nghiên cứu này đề xuất giả thuyết: Rủi ro tài chính ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam
Mẫu nghiên cứu và đo lường các biến trong nghiên cứu
Mẫu nghiên cứu gồm 119 doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam. Số liệu nghiên cứu thứ cấp được thu thập từ báo cáo tài chính của các doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau giai đoạn 2019-2021. Dữ liệu được xử lý loại bỏ dị biệt, sau đó được phân tích hồi quy bằng phần mềm SPSS.
Nghiên cứu này có biến phụ thuộc là hiệu quả kinh doanh (Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu = Lợi nhuận sau thuế/Doanh thu thuần, kí hiệu là FP). Biến độc lập là rủi ro tài chính (Khả năng thanh toán lãi vay - kí hiệu là ICR, Dothan, 2006). Các biến kiểm soát bao gồm: quy mô công ty (logarit của tổng tài sản – kí hiệu là SIZE, Porto & Abreu, 2018; Martin-Reyna & Durán-Encalada, 2012), tuổi niêm yết (hiệu số của năm quan sát và năm doanh nghiệp bắt đầu niêm yết – kí hiệu là AGE, Imam & Malik, 2007), đòn bẩy tài chính (tỷ lệ nợ phải trả trên tổng tài sản – kí hiệu là LEV, Boachie & Mensal, 2022).
Kết quả nghiên cứu và thảo luận
Kết quả thống kê mô tả biến trong mẫu nghiên cứu (Bảng 1) cho thấy, hoạt động kinh doanh của một số doanh nghiệp kém hiệu quả và không có khả năng thanh toán lãi vay trong giai đoạn 2019-2021 (min ROS = -0.078, min ICR = -0.052). Điều này phù hợp với tình hình kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp vì trong khoảng thời gian diễn ra COVID-19, Nhà nước thực hiện giãn cách xã hội khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ.
Kết quả nghiên cứu (Bảng 2) cho thấy, giá trị Sig tổng thể của biến AGE lớn hơn 0.05, do đó biến AGE không có sự tác động lên biến phụ thuộc ROS. Trong khi đó, giá trị Sig. tổng thể của các nhân tố độc lập ICR, SIZE, LEV nhỏ hơn 0.05 chứng tỏ 3 nhân tố ICR, SIZE, LEV có tác động đến nhân tố ROS. Hệ số hồi quy biến độc lập ICR mang dấu dương, như vậy ro tài chính và hiệu quả kinh doanh có mối quan hệ tương quan thuận chiều. Kết quả này xác nhận rằng giả thuyết H1 được chấp thuận. Quy mô công ty có mối quan hệ cùng chiều với hiệu quả kinh doanh chứng tỏ công ty càng có giá trị tài sản lớn thì có nhiều khả năng đầu tư phát triển kinh doanh để nâng cao hiệu quả hoạt động. Đồng thời, biến đòn bẩy kinh doanh có mối quan hệ ngược chiều với hiệu quả kinh doanh, có nghĩa là các doanh nghiệp càng có tỷ lệ nợ cao thì hiệu quả kinh doanh càng giảm. Hệ số VIF của các nhân tố ICR, SIZE, AGE, LEV lần lượt là 1.809; 1.009; 1.066; 1.864 đều nằm trong mức cho phép (<2), cho thấy mô hình không có hiện tượng đa cộng tuyến.
Bảng 1: Kết quả thống kê mô tả mẫu nghiên cứu |
|||||
Biến |
N |
Min |
Max |
Mean |
Std.Dev |
ROS |
357 |
-0.078 |
0.689 |
0.088 |
0.101 |
ICR |
357 |
-0.052 |
4.493 |
0.850 |
0.662 |
SIZE |
357 |
5.293 |
8.761 |
6.798 |
0.560 |
AGE |
357 |
0.000 |
1.322 |
0.833 |
0.341 |
LEV |
357 |
0.112 |
0.968 |
0.552 |
0.190 |
Nguồn: Trích xuất từ phần mềm
Bảng 2: Kết quả phân tích hồi quy |
|||||||
Mô hình |
Hệ số chưa chuẩn hóa |
Hệ số chuẩn hóa |
t |
Sig. |
Thống kê đa cộng tuyến |
||
β |
Sai số chuẩn |
β |
Độ chấp nhận của biến |
Hệ số phóng đại phương sai VIF |
|||
(Hằng số) |
-0.290 |
0.065 |
-4.436 |
0.000 |
|||
ICR |
0.032 |
0.009 |
0.210 |
3.432 |
0.001 |
0.553 |
1.809 |
SIZE |
0.063 |
0.008 |
0.346 |
7.559 |
0.000 |
0.991 |
1.009 |
AGE |
-0.010 |
0.014 |
-0.034 |
-0.714 |
0.476 |
0.938 |
1.066 |
LEV |
-0.119 |
0.033 |
-0.224 |
-3.603 |
0.000 |
0.537 |
1.864 |
Nguồn: Trích xuất từ phần mềm
Trong nghiên cứu này, rủi ro tài chính được đo lường bằng khả năng thanh toán lãi vay, nên có thể nhận định rằng khả năng thanh toán lãi vay càng cao thì hiệu quả hoạt động kinh doanh càng tốt. Điều này hoàn toàn phù hợp với thực tế vì nếu doanh nghiệp có khả năng thanh toán lãi vay có nghĩa là doanh nghiệp có tình hình kinh doanh khả quan, doanh thu đủ bù đắp chi phí lãi vay và hoạt động kinh doanh có hiệu quả.
Do đó, phát hiện về ảnh hưởng của rủi ro tài chính tới hiệu quả hoạt động kinh doanh ở bối cảnh và tình hình kinh tế khó khăn giai đoạn 2019-2021 là thời điểm đại dịch COVID-19 diễn ra là tài liệu tham khảo quan trọng cho các nhà nghiên cứu. Các nhà nghiên cứu có thể phát triển tìm hiểu mối quan hệ này ở giai đoạn nền kinh tế bình thường để so sánh với kết quả của nghiên cứu này.
Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh thông qua kiểm soát rủi ro tài chính
Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 và tình hình khủng hoảng kinh tế hậu đại dịch COVID-19, nâng cao hiệu quả kinh doanh thông qua kiểm soát rủi ro tài chính đòi hỏi sự linh hoạt, sáng tạo. Để kiểm soát được khả năng thanh toán lãi vay (đo lường rủi ro tài chính), doanh nghiệp cần chú trọng vào một số giải pháp sau đây:
Xây dựng cơ cấu vốn hợp lý
Kết quả nghiên cứu cho thấy, khả năng thanh toán lãi vay và đòn bẩy tài chính có ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh. Do đó, các doanh nghiệp cần chú trọng vào việc sử dụng nguồn vốn phù hợp thông qua việc xây dựng cơ cấu vốn hợp lý với tình hình sản xuất kinh doanh cũng như khả năng trả lãi vay của doanh nghiệp.
Nhận diện rủi ro tài chính
Doanh nghiệp cần có bộ phận riêng có thẩm quyền chịu trách nhiệm quản lý rủi ro tài chính. Doanh nghiệp có thể nghiên cứu sử dụng các công cụ tài chính phát sinh (hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng giao sau…) để quản lý rủi ro tài chính.
Kiểm soát chi phí lãi vay
Các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam cần tìm hiểu kĩ càng về các gói cho vay của ngân hàng, nên lựa chọn những món vay có lãi suất cố định hoặc tăng theo chu kỳ để có những điều chỉnh thích hợp trong hoạt động vay vốn. Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể sử dụng sản phẩm thị trường phái sinh chuyển rủi ro cho bên thứ ba như sử dụng quyền chọn lãi suất hay hoán đổi lãi suất nhằm cố định chi phí lãi vay cho doanh nghiệp.
Kiểm soát rủi ro lãi suất, rủi ro tỷ giá
Các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam nên theo dõi sự thay đổi lãi suất và tỷ giá trên thị trường để có những quyết định đúng đắn trong việc vay và sử dụng vốn hợp lý. Doanh nghiệp cũng cần kịp thời nắm bắt những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Nhà nước trong vay và sử dụng vốn vay, tham gia các chương trình vay vốn ưu đãi, tận dụng triệt để các gói tín dụng ưu đãi phù hợp với đặc thù của ngành nghề kinh doanh để tiếp tục phát triển hoạt động kinh doanh cho doanh nghiệp.
Dự trữ tài chính và dự phòng
Doanh nghiệp cần duy trì dự trữ tài chính để đối mặt với các tình huống khẩn cấp và không chắc chắn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần phải xây dựng kế hoạch dự phòng tài chính thận trọng để có thể đối mặt với thay đổi nhanh chóng của thị trường.
Đổi mới mô hình kinh doanh và phát triển năng lực kỹ thuật số
Doanh nghiệp cần chú trọng vào điều chỉnh mô hình kinh doanh theo xu hướng Cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm có được nhiều thông tin hữu ích cho việc đánh giá rủi ro tài chính. Các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam nên có kế hoạch rõ ràng trong việc thay đổi sản phẩm, dịch vụ và quy trình kinh doanh để tận dụng tiềm năng của công nghệ mới, tận dụng dữ liệu để đánh giá rủi ro và đưa ra quyết định thông minh. Đồng thời, sử dụng công nghệ phân tích dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo để đưa ra các dự đoán về rủi ro, từ đó có cơ sở đề xuất các kế hoạch kinh doanh nhằm giảm thiểu rủi ro tài chính.
Tài liệu tham khảo:
- Đinh Văn Đức (2009). Quản trị rủi ro trong hoạt động của doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam. Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh;
- Lưu Hữu Đức (2018). Quản trị rủi ro tài chính tại các công ty cổ phần xây dựng niêm yết ở Việt Nam. Luận án tiến sĩ, Học viện Tài chính;
- Trần Thị Thu Phong (2013). Hoàn thiện phân tích hiệu quả kinh doanh trong các công ty cổ phần niêm yết trên thị trường chứng khoán tại Việt Nam. Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Kinh tế quốc dân;
- Võ Thị Thuý Dung (2016). Phân tích rủi ro tài chính tại công ty cổ phần đầu tư và xây dựng 501 – Đà Nẵng. Luận văn thạc sĩ, Đại học Đà Nẵng;
- Vũ Minh (2013). Quản trị rủi ro tài chính trong doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, Kinh tế và Kinh doanh, Tập 29, số l3(2013), 53-60;
- Boachie, C., & Mensah, E. (2022). The effect of earnings management on firm performance: The moderating role of corporate governance quality International Review of Financial Analysis, 83(2022), 102270. https://doi.org/10.1016/j.irfa.2022.10227;
- Dothan, M. (2006). Costs of financial distress and interest coverage ratios. Journal of Financial Research, 29(2), 147-162. https://doi.org/10.1111/j.1475-6803.2006.00171.x;
- Gordon, L. A., Loeb, M. P., & Tseng, C. Y. (2009). Enterprise risk management and firm performance: A contingency perspective. Journal of Accounting and Public Policy, 28(4), 301–327. https://doi.org/10.1016/j.jaccpubpol.2009.06.006;
- Imam, M.O., and Malik, M. (2007). Firm performance and corporate governance through ownership structure: Evidence from Bangladesh Stock Market. International Review of Business Research Papers, 3(4), 88-110;
- Jensen, M. C., & Meckling, W. H. (1976). Theory of the firm: Managerial behavior, agency costs and ownership structure. Journal of financial economics, 3(4), 305-360. https://doi.org/10.1016/0304-405X(76)90026-X;
- Hoyt, R. E., & Liebenberg, A. P. (2011). The value of enterprise risk management. Journal of Risk and Insurance, 78(4), 795–822. https://doi.org/10.1111/j.1539-6975.2011.01413.x
- Marshall. A. (1980). Principles of Economics. Publisher: Palgrave Macmillan London. DOI https://doi.org/10.1057/9781137375261;
- Martin-Reyna, J.M.S., and Durán-Encalada, J.A. (2012). Ownership Structure, Firm Value and Investment Opportunities Set: Evidence from Mexican Firms. Journal of Entrepreneurship, Management and Innovation (JEMI), 8(3), 35-57;
- Omasete, C. A. (2014). The effect of risk management on financial performance of insurance companies in Kenya. University of Nairobi. http://hdl.handle. net/11295/74732.