Yếu tố ảnh hưởng tới sự lựa chọn công ty kiểm toán của các doanh nghiệp
Bài viết áp dụng phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng để xem xét các yếu tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn công ty kiểm toán Big4 của các doanh nghiệp. Để đạt được mục đích đề ra, bài viết nghiên cứu dữ liệu (gồm 214 quan sát) được thu thập từ báo cáo tài chính của các doanh nghiệp phi tài chính niêm yết trên sàn Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) trong năm 2019.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 02 yếu tố tác động đến việc lựa chọn công ty kiểm toán Big4 của các doanh nghiệp, đó là “Quy mô doanh nghiệp” và “Doanh nghiệp có công ty con”. Dựa trên kết quả nghiên cứu, nhiều hàm ý về chính sách liên quan đã được tác giả đề xuất.
Giới thiệu
Trong nền kinh tế thị trường, độ tin cậy, chính xác và trung thực của các thông tin tài chính là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng đối với các chủ thể trong nền kinh tế. Vì thế, kiểm toán hình thành nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn này.
Luật pháp nhiều nước khẳng định rằng, chỉ những báo cáo đã được xem xét và có chữ ký của kiểm toán viên độc lập mới được coi là hợp pháp, làm cơ sở cho Nhà nước tính thuế, cũng như các bên liên quan khác đưa ra các quyết định kinh tế trong mối quan hệ với doanh nghiệp. Từ đó cho thấy, hoạt động kiểm toán độc lập đã xác lập vị trí trong nền kinh tế thị trường, góp phần công khai minh bạch báo cáo tài chính, phục vụ đắc lực cho công tác quản lý, điều hành kinh tế, tài chính của Nhà nước và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán.
Theo đó, giá trị đa chiều của kiểm toán, lợi ích tối ưu khác nhau giữa các bên liên quan và doanh nghiệp có khả năng ảnh hưởng đến việc lựa chọn kiểm toán viên. Nếu giá trị một cuộc kiểm toán khác nhau giữa các tổ chức, thì việc lựa chọn kiểm toán viên cũng có thể thay đổi tùy theo hoàn cảnh của từng khách hàng (theo Knechel và cộng sự, 2008).
Tuy nhiên, lựa chọn một công ty kiểm toán cụ thể thường gắn với việc phát sinh chi phí quản lý. Vì vậy, việc lựa chọn một công ty kiểm toán không phải là quyết định đơn giản đối với một nhà quản lý (Hoàng Thị Hồng Vân, 2017). Ngoài ra, sự cạnh tranh gia tăng trong thị trường kiểm toán khiến các công ty kiểm toán mong muốn nắm bắt các yếu tố ảnh hưởng đến việc quyết định lựa chọn công ty kiểm toán (Aksu và cộng sự, 2007) của các doanh nghiệp.
Trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu về lý do lựa chọn công ty kiểm toán, hầu hết các nghiên cứu quy về 3 nhóm các nhân tố ảnh hưởng: Môi trường của quốc gia quy định về kiểm toán, đặc điểm doanh nghiệp kiểm toán và đặc điểm của khách hàng.
Tại Việt Nam, nghiên cứu về lý do lựa chọn công ty kiểm toán chưa nhiều và các nghiên cứu chủ yếu tập trung nghiên cứu các đặc điểm của doanh nghiệp kiểm toán hoặc tập trung vào chuyên môn kiểm toán về chất lượng báo cáo kiểm toán, rủi ro tại một công ty kiểm toán cụ thể. Vì vậy, việc nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến lựa chọn công ty kiểm toán của các doanh nghiệp là cần thiết, để bổ sung khung lý thuyết về yếu tố tác động đến lựa chọn công ty kiểm toán tại Việt Nam.
Cơ sở lý thuyết và mô hình nghiên cứu
Một số nghiên cứu trước đây
Lý thuyết đại diện
Jensen và Meckling (1976) đã đưa ra lý thuyết đại diện và là nền tảng của quan điểm lựa chọn dịch vụ kiểm toán. Lý thuyết đại diện được vận dụng để giải quyết các mối quan hệ giữa các yếu tố tác động đến nhu cầu thực hiện kiểm toán của một doanh nghiệp. Trong mối quan hệ này, người chủ cử ra đại diện hoặc thuê người làm thực hiện các công việc.
Qua sự phân tách giữa chủ sở hữu và nhà quản lý có thể dẫn tới việc các nhà quản lý hành động vì lợi ích của bản thân, mà không nhằm mục tiêu tối đa hóa giá trị của các cổ đông, do đó một cơ chế kiểm soát cần được thiết kế để bảo vệ lợi ích của các cổ đông. Khi đó, dịch vụ kiểm toán báo cáo tài chính do kiểm toán độc lập cung cấp được xem như một giải pháp làm giảm chi phí đại diện phát sinh do việc phân tách giữa quyền sở hữu và kiểm soát trong các tổ chức.
Chi phí đại diện trong trường hợp này bao gồm các chi phí về quản lý nguồn vốn, chi phí để giảm thiểu rủi ro cho các cổ đông. Các tác giả đưa ra giả thuyết rằng, chi phí đại diện sẽ tăng lên cùng với quy mô công ty, do đó các công ty có quy mô lớn có nhiều khả năng sử dụng dịch vụ kiểm toán báo cáo tài chính hơn ngay cả khi không bắt buộc theo yêu cầu của pháp luật để giảm thiểu chi phí đại diện phát sinh.
Khi thực hiện nghiên cứu về lựa chọn công ty kiểm toán, tác giả sử dụng lý thuyết đại diện là cơ sở lý thuyết chính để giải thích nhu cầu tự nguyện sử dụng dịch vụ kiểm toán của công ty. Khi hoạt động của công ty trở nên phức tạp hơn thì cần thiết phải thuê một giám sát bên ngoài (công ty kiểm toán) để thực hiện việc giám sát độc lập với người quản lý công ty. Lý thuyết đại diện giúp tác giả hình thành nên các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn công ty kiểm toán của các doanh nghiệp.
Một số nghiên cứu trước đây
Trên thực tế, đã có nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước đề cập đến việc có nên sử dụng dịch vụ kiểm toán hay không và các tiêu chí nào tác động đến việc lựa chọn công ty kiểm toán.
Hay và Davis (2002) cho rằng, yếu tố “quy mô đại diện bằng doanh thu hoặc tổng tài sản”, “sự tách biệt giữa sở hữu và quản lý” và “cấu trúc nợ” tác động đến lựa chọn dịch vụ kiểm toán tự nguyện. Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, khi doanh nghiệp có quy mô càng lớn, doanh thu và tỷ lệ nợ cao thường lựa chọn các công ty kiểm toán thuộc Big Five.
Matonti và cộng sự (2016) tập trung nghiên cứu các nhân tố tác động đến việc công ty không niêm yết ở Ý lựa chọn công ty kiểm toán cấp cao hay một công ty kiểm toán địa phương bình thường. Kết quả cho thấy, các công ty có quy mô lớn thường lựa chọn một công ty kiểm toán có chất lượng. Ngoài ra, sự phức tạp của công ty thể hiện qua tỷ lệ hàng tồn kho và tỷ lệ nợ phải thu lớn cũng có ảnh hưởng tích cực đến lựa chọn công ty kiểm toán uy tín.
Hoàng Thị Hồng Vân (2017) nghiên cứu các yếu tố đặc điểm của doanh nghiệp ảnh hưởng đến việc lựa chọn công ty kiểm toán của các doanh nghiệp Việt Nam. Đặc điểm của doanh nghiệp bao gồm các yếu tố: (1) Quy mô doanh nghiệp, (2) Tỷ lệ nợ phải thu và hàng tồn kho, (3) Tỷ lệ nợ phải trả trong tổng tài sản, (4) Tỷ lệ lãi ròng (ROA), (5) Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp, (6) Biến giả chỉ một doanh nghiệp có công ty con, (7) có sự khác biệt trong sự lựa chọn các công ty kiểm toán thuộc Big4 giữa các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE và HNX.
Sau khi sử dụng mô hình phân tích hồi quy Binary Logistic để kiểm định các yếu tố và rút ra kết luận, chỉ có 3 biến có ý nghĩa thống kê trong mô hình, đó là: (1) Tỷ lệ nợ phải thu và hàng tồn kho; (2) Tỷ lệ nợ phải trả trong tổng tài sản và (3) Tỷ lệ lãi ròng.
Mô hình nghiên cứu đề xuất
Tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu như sau:
AUDCHOICE = β0 + β1SIZE + β2WAGE + β3INVREC
+ β4SUB + β5REVGRO + β6CASH + β7DEBT + β8DEADDEBT + β9ISSUED + β10ROA + Ui
Trong đó:
AUDCHOICE: Công ty kiểm toán được chọn.
AUDCHOICE nhận giá trị bằng 1 khi công ty kiểm toán được chọn là Big4, bằng 0 nếu công ty kiểm toán được chọn không phải là Big4.
SIZE: Quy mô doanh nghiệp.
WAGE: Tỷ lệ lương trên tổng chi phí hoạt động.
INVREC: Hàng tồn kho và khoản phải thu trên tổng tài sản.
SUB: Doanh nghiệp có công ty con. SUB nhận giá trị bằng 1 nếu doanh nghiệp có công ty con, bằng 0 nếu doanh nghiệp không có công ty con.
REVGRO: Tỷ lệ tăng trưởng doanh thu.
CASH: Dòng tiền tự do.
DEBT: Tỷ lệ nợ trên tổng tài sản.
DEADDEBT: Tỷ lệ nợ không đảm bảo.
ISSUED: Doanh nghiệp có phát hành thêm vốn chủ sở hữu.
ISSUED bằng 1 nếu doanh nghiệp có phát hành thêm vốn chủ sở hữu, bằng 0 nếu doanh nghiệp không phát hành thêm vốn chủ sở hữu.
ROA: Lợi nhuận trên tổng tài sản.
Phương pháp nghiên cứu
Tác giả sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng để thực hiện nghiên cứu. Phần mềm SPSS được dùng để hỗ trợ xử lý dữ liệu nghiên cứu. Do biến phụ thuộc AUDCHOICE trong mô hình là biến nhị phân, nên tác giả thực hiện phương pháp phân tích hồi quy Binary Logistic. Hồi quy Binary Logistic sử dụng biến phụ thuộc dạng nhị phân để ước lượng xác suất một sự kiện sẽ xảy ra với những thông tin của biến độc lập mà ta có được.
Để đo lường các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn công ty kiểm toán của các doanh nghiệp, nhóm tác giả sử dụng thông tin được công khai trên báo cáo tài chính năm 2019 của các doanh nghiệp phi tài chính niêm yết trên sàn HoSE và HNX, với cỡ mẫu n = 213.
Kết quả và thảo luận
Thống kê mô tả
Thống kê mô tả cho thấy, cái nhìn tổng quan về thị phần của các công ty kiểm toán Big4 hiện nay trên sàn HOSE và HNX. Khách hàng kiểm toán của Big4 chiếm 35,2% trong mẫu được chọn. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE và HNX vẫn ưu tiên lựa chọn công ty kiểm toán Big4, mặc dù mức phí cao hơn so với các công ty kiểm toán khác.
Điều này dễ hiểu, bởi vì các công ty thuộc nhóm kiểm toán Big4 có độ tin cậy cao, chất lượng dịch vụ tốt. Với 213 doanh nghiệp điều tra, có 51 doanh nghiệp phát hành thêm vốn chủ sở hữu (chiếm tỷ lệ 23,9%) và 125 doanh nghiệp có công ty con (chiếm 58,7%).
Kiểm định sự phù hợp của mô hình
Kiểm tra mối liên hệ giữa các biến định tính: Biến AUDCHOICE, SUB và ISSUED là các biến định tính. Kết quả kiểm tra mối liên hệ giữa các biến cho thấy, hệ số tương quan Pearson Chi-Square có Sig lần lượt bằng 0,020 và 0,002 nhỏ hơn 0,05, nên có thể kết luận rằng, giữa biến phụ thuộc AUDCHOICE và các biến SUB, ISSUED có mối liên hệ với nhau với độ tin cậy 95%.
Kiểm định Chi bình phương chỉ có ý nghĩa khi số quan sát đủ lớn, nếu có quá 20% số ô trong bảng chéo có tần số lý thuyết nhỏ hơn 5 thì giá trị Chi-Square không còn đáng tin cậy. Giá trị kiểm định của mô hình bằng 0% < 20% số ô có tần suất mong đợi dưới 5, do đó, giá trị Chi-Square trong kiểm đinh là đáng tin cậy. Hay nói cách khác, các biến độc lập này có thể giải thích cho biến phụ thuộc.
Phân tích tương quan giữa các biến: Kết quả phân tích tương quan giữa các biến độc lập trong mô hình cho thấy, có 05 nhóm biến độc lập có mối quan hệ tương quan khá cao (hệ số tương quan > 0,3), cụ thể:
- Biến SIZE và SUB có hệ số tương quan 0,469, điều này cho thấy, tại các doanh nghiệp có quy mô càng lớn thì khả năng có công ty con càng cao. Như vậy là hoàn toàn phù hợp với lý thuyết kinh tế, vì một trong những điều kiện làm tăng quy mô của doanh nghiệp là số lượng các công ty con.
- Biến SIZE và biến ISSUED có hệ số tương quan 0,387, điều này cho thấy, quy mô của doanh nghiệp càng lớn thì khả năng phát hành thêm vốn chủ sở hữu càng Như vây là hoàn toàn phù hợp, vì thông thường khi doanh nghiệp muốn mở rộng quy mô thì phải gia tăng nguồn vốn của doanh nghiệp, trong đó có vốn chủ sở hữu. Từ đó, suy ra giữa biến SUB và biến ISSUED có mối quan hệ với nhau (theo tính chất bắc cầu), hệ số tương quan giữa 2 biến này là 0,314.
- Biến INVREC và biến DEADDEBT có hệ số tương quan 0,400, điều này cho thấy, hàng tồn kho và các khoản phải thu trên tổng tài sản càng lớn thì tỷ lệ nợ không đảm bảo càng cao. Như vậy là hoàn toàn phù hợp với lý thuyết kinh tế, bởi khi doanh nghiệp bị ứ đọng vốn do hàng tồn kho nhiều và các khoản phải thu cao thì khả năng tài chính của doanh nghiệp không tốt, từ đó các khoản nợ không đảm bảo có xu hướng tăng
- Biến REVGRO và ROA có hệ số tương quan 0,449, điều này cho thấy, tỷ lệ tăng trưởng doanh thu càng cao thì lợi nhuận trên tổng tài sản càng lớn. Như vậy là hoàn toàn phù hợp với lý thuyết kinh tế, vì khi doanh nghiệp hoạt động tốt, doanh thu tăng mạnh thì kéo theo lợi nhuận sẽ càng
Từ đó cho thấy, mối liên hệ giữa các biến độc lập trong phân tích tương quan là hoàn toàn phù hợp với lý thuyết kinh tế, có khả năng giải thích cho biến phụ thuộc.
Kiểm tra hiện tượng đa cộng tuyến giữa các biến độc lập: Kết quả kiểm tra hiện tượng đa cộng tuyến giữa các biến độc lập cũng cho thấy, giữa các biến độc lập không có hiện tượng đa cộng tuyến do hệ số phóng đại phương sai (VIF) của các biến đều nhỏ hơn 5.
Kiểm định sự phù hợp của mô hình nhị phân: Để kiểm định mô hình hồi quy với biến phụ thuộc của mô hình AUDCHOICE là biến nhị phân, tác giả thực hiện phân tích hồi quy với Binary Logistic. Kết quả kiểm định Wald cho thấy, các biến đều có giá trị Sig bằng 0 <0,05 nên có thể kết luận các hệ số β trong mô hình là khác 0, các hệ số hồi quy có ý nghĩa thống kê. Vậy tổ hợp liên hệ tuyến tính của toàn bộ các hệ số trong mô hình có ý nghĩa trong việc giải thích cho biến phụ thuộc.
Để kiểm tra phù hợp của mô hình hồi quy với biến phụ thuộc rời rạc với tổng thể, tác giả sử dụng kiểm định Hosmer–Lemeshow với Chi-Square. Kết quả kiểm định cho thấy, giá trị Sig = 0,346 > 0,05 nên không bác bỏ giả thuyết H0, nghĩa là không có sự khác biệt giữa các giá trị quan sát và mô hình dự báo, dữ liệu phù hợp với mô hình nghiên cứu.
Để kiểm tra sự phù hợp với tổng thể của mô hình hồi quy nhị phân, tác giả sử dụng kiểm định tỷ lệ LR- likelihood ratio với p-value<0,01, điều này cho thấy rằng, mô hình có các hệ số hồi quy β khác nhau và khác 0. Kết quả cho thấy, mô hình có hệ số hiệu chỉnh Nagelkerke R Square là 0,417 và -2 Log likelihood có giá trị 199,524a. Vì vậy, mô hình giải thích được 41,7% cho quyết định lựa chọn công ty kiểm toán Big4 của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE và HNX.
Kết quả dự đoán trong Bảng 1 cho thấy, trong tổng số 138 doanh nghiệp không lựa chọn công ty kiểm toán Big4 thì mô hình dự đoán đúng 123 doanh nghiệp (tương đương 89,1%). Trong tổng số 75 doanh nghiệp lựa chọn công ty kiểm toán Big4 thì mô hình dự đoán đúng 40 trường hợp (tương đương 53,3%). Như vậy, mô hình có thể dự đoán đúng trung bình là 76,5%.
Phân tích mô hình hồi quy
Kết quả phân tích hồi quy trong kiểm định Wald (Bảng 4) chỉ ra rằng, các biến ảnh hưởng đến sự lựa chọn công ty kiểm toán Big4 của các doanh nghiệp được niêm yết trên sàn HoSE và HNX. Các biến WAGE, INVREC, REVGRO, CASH, DEBT,
DEADDEBT, ISSUED, ROA đều có giá trị Sig > 0,05, nên các biến này không có ý nghĩa thống kê, không giải thích được sự lựa chọn công ty kiểm toán.
Hai biến SIZE và SUB có giá trị Sig < 0,05 nên có ý nghĩa thống kê, giải thích cho sự lựa chọn công ty kiểm toán Big4. Kết quả này chỉ ra rằng, khi doanh nghiệp có quy mô (tổng tài sản) càng lớn, có công ty con thường có xu hướng muốn thuê các công ty kiểm toán chất lượng cao với mong muốn có được sự tin cậy của các đối tượng sử dụng thông tin tài chính của doanh nghiệp mình; đồng thời, thể hiện sự trung thực, minh bạch của doanh nghiệp.
Mô hình hồi quy được viết như sau:
AUDCHOICE = -31,334 + 1,106SIZE – 0,854SUB + U
Hệ số β1 có giá trị 1,106> 0 nên giữa biến SIZE và AUDCHOICE có mối quan hệ tỷ lệ thuận với việc lựa chọn công ty kiểm toán Big4. Hay nói cách khác, các công ty có quy mô tổng tài sản càng lớn thì có xu hướng thuê các công ty kiểm toán Big4. Kết quả này hoàn toàn phù hợp so với các nghiên cứu trước đây như: Knechel và cộng sự (2008), Broye and Weill (2008), DeFond (1992), Chow (1982).
Hệ số β2 có giá trị -0,854<0 nên giữa biến SUB và AUDCHOICE có mối liên hệ tỷ lệ nghịch với việc lựa chọn công ty kiểm toán Big4. Nói cách khác, doanh nghiệp có công ty con thì có xu hướng không thuê các công ty kiểm toán Big4. Kết quả này hoàn toàn trái ngược với các nghiên cứu trước đây như Khan và cộng sự (2015), nhưng phù hợp với nghiên cứu của Elke Revier và cộng sự (2010). Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu trên đây hoàn toàn có cơ sở dựa trên mẫu được lựa chọn một cách đại diện cho tổng thể nghiên cứu và hoàn toàn đáng tin cậy.
Kết luận
Báo cáo tài chính là nguồn thông tin quan trọng để nhà đầu tư đánh giá thực trạng tài chính của doanh nghiệp, phục vụ cho việc ra quyết định đầu tư. Vì vậy, nhà đầu tư cần được cung cấp thông tin trung thực và đáng tin cậy về tình hình tài chính của doanh nghiệp. Từ đó, việc lựa chọn công ty kiểm toán phù hợp là cần thiết.
Trên cơ sở tổng hợp thông tin từ phương pháp nghiên cứu định tính, kết hợp với tổng quan nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu định lượng, tác giả đưa ra kết quả các doanh nghiệp có quy mô càng lớn hoặc không có công ty con càng có xu hướng lựa chọn các công ty kiểm toán Big4 để thực hiện kiểm tra tính minh bạch của các báo cáo tài chính của doanh nghiệp.
Điều này phù hợp với thực tế, bởi các doanh nghiệp có quy mô nhỏ thường không muốn chi trả chi phí kiểm toán cao cho cuộc kiểm toán, nhằm mục đích vay vốn kinh doanh hay chỉ nhằm hoàn thành thủ tục khi tham gia xét thầu, đấu thầu. Tuy nhiên, với mức phí thấp thì chất lượng những cuộc kiểm toán sẽ khó được đảm bảo, thông tin tài chính của các doanh nghiệp sau kiểm toán không đáng tin cậy.
Kết quả nghiên cứu là cơ sở để đề xuất các giải pháp cho các doanh nghiệp có cái nhìn khách quan với sự lựa chọn công ty kiểm toán. Kết quả nghiên cứu cũng là cơ sở đề các công ty kiểm toán nhận diện các đối tượng khách hàng sẽ là khách hàng tiềm năng của mình để có chính sách tiếp cận và cung cấp dịch vụ cho khách hàng.
Mặc dù, tác giả đã nỗ lực để thực hiện nghiên cứu, tuy nhiên trong quá trình thực hiện, nghiên cứu không tránh khỏi những hạn chế xuất phát từ các nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Thứ nhất, tác giả chưa mở rộng nghiên cứu đối với các doanh nghiệp chưa niêm yết với cỡ mẫu còn hạn chế;
Thứ hai, nghiên cứu chưa đề cập đến các doanh nghiệp tài chính.
Những hạn chế của đề tài chính là định hướng cho các nghiên cứu tiếp theo trong tương lai.
* Mã hệ thống phân loại tạp chí kinh tế (JEL code): D21, M42, G31
Tài liệu tham khảo
Hoàng Thị Hồng Vân (2017), "Nghiên cứu các yếu tố ảnh hướng tới quyết định lựa chọn doanh nghiệp kiểm toán của các công ty phi tài chính niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam", Luận án Tiến sỹ, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân;
Aksu, M.Onder, & Saatcioglu, K. (2007), ‘Auditor Selection, Client Firm Characteristics, and Corporate Governance: Evidence from an Emerging Market’, the annal meeting of the American Accounting Association, Chicago, August 5-9, 2007 và the 30th Annual Congress of the European Accounting Association, held in Lisbon, Portugal. April 24-27, 2007;
Broye, & WeillL, L. (2008), ‘Does leverage influence auditor choice? A cross country analysis’, Applied Financial Economics, 18(9), 715-731;
Chow, C. (1982), ‘The Demand for External Auditing: Size, Debt and Ownership influences’, The Accounting Review, 57(2), 272‐291;
DeFond, L. (1992), ‘The Association Between Changes in Client Firm Agency Costs and Auditor Switching’, A Journal of Practice & Theory, 11(1), 16‐31;
Hay, & Davis. D. (2004), ‘The voluntary choice of an audit of any level of quality’, A journal of Practice and Theory, 23(2), 37-53;
Jensen,M.,andMeckling,W.(1976),‘Theoryofthefirm:managerialbehavior,agency costs and ownership structure,’ Journal of financial economics, số 3, 305-360;
Khan, A., Muttakin, M.B. & Siddiqui, J. (2015), ‘Audit fees, auditor choice and stakeholder influence: Evidence from a family-firm dominated economy’, The British Accounting Review, 47(3), 304-320;
Knechel, R., L. Niemi & S. Sundgren. (2008), ‘Determinants of Auditor Choice: Evidence from a Small Client Market’, International Journal of Auditing, 12(1), 65‐68;
Matonti, , Tucker, J. &Tommasetti, A. (2016), ‘Auditor choice in Italian non- listed firms’, Managerial Auditing Journal, 31(4-5), 458-491;
Revier, & Schroé, R. (2010), ‘Determinants of auditor choice’, master thesis, Ghent University, Belgium.