Yếu tố nào sẽ tác động tới thị trường ngoại hối quý II?

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Những yếu tố cơ bản đang có những thay đổi khá lớn so với thời điểm đưa ra dự báo cuối năm 2015, theo hướng giảm áp lực lên tỷ giá. Sự ổn định của thị trường ngoại hối trong quý I có thể sẽ được tiếp tục duy trì sang quý II này.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trái ngược với diễn biến căng thẳng trong năm 2015, đặc biệt trong những tháng cuối năm, thị trường ngoại hối nhanh chóng lấy lại sự ổn định trong quý I/2016. Thanh khoản thị trường tốt, doanh số giao dịch bình quân phiên đạt khoảng 1,14 tỷ USD. Nguồn cung ngoại tệ dồi dào và có phần vượt trội hơn so với nhu cầu.

Bộ phận Nghiên cứu, Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam cho hay, có thể thấy những yếu tố cơ bản đang có những thay đổi khá lớn so với thời điểm đưa ra dự báo cuối năm 2015, theo hướng giảm áp lực lên tỷ giá USD/VND. Sự ổn định của thị trường ngoại hối trong quý I có thể sẽ được tiếp tục duy trì sang quý II. Tỷ giá USD/VND dự báo tăng nhẹ 0,5-1%, dao động trong biên độ 22.300-22.500 VND/USD.

Theo Bộ phận Nghiên cứu, chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong quý I đã và đang cho thấy những thành công, và điều này hoàn toàn có thể kéo dài sang những quý tiếp theo. Ngoài ra, dự trữ ngoại hối cũng được bổ sung một lượng đáng kể trong quý I vừa qua, góp phần củng cố năng lực can thiệp thị trường của NHNN.

Cùng với đó, các áp lực lên cung-cầu ngoại tệ nhiều khả năng chưa tăng lên trong quý II. Nguồn cung ngoại tệ vẫn theo hướng dồi dào, nhu cầu ngoại tệ có thể tăng lên nhưng chưa phát sinh mạnh.

Theo đó, những yếu tố thuộc cán cân thanh toán dự báo chưa có những biến động lớn trong quý II. Hiện tại, một trong những yếu tố cần quan sát của cán cân thanh toán bao gồm: Cán cân thương mại và giải ngân FDI để đánh giá được mức độ dồi dào/không dồi dào của những dòng tiền này và tác động đến kỳ vọng tỷ giá. Ngoài ra, các yếu tố giải ngân ODA, FII, kiều hối được cho là chưa có những biến động lớn

Về cân cân thương mại, đánh giá về cơ cấu và triển vọng các nhóm hàng xuất nhập khẩu, Bộ phận Nghiên cứu dự báo cán cân thương mại trong quý II có thể duy trì thặng dư khoảng 5- 700 triệu USD, trong đó xuất khẩu ở mức 42-42,2 tỷ USD và nhập khẩu ở mức 41,5 tỷ USD.

Về giải ngân FDI, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của các dòng vốn FDI khi đã chính thức kết thúc đàm phán/ký kết các FTAs chiến lược như TPP, VN-EU,… Điều này đã phần nào thể hiện qua các số liệu về vốn FDI giải ngân và đăng ký trong năm 2015 cũng như quý I/2016. Theo đó, dòng vốn FDI tiếp tục là dòng vốn hỗ trợ ổn định thị trường ngoại hối, dự báo quý II giải ngân tăng 20% so với quý I, khoảng 4,2 tỷ USD.

Ngoài ra, xu hướng chuyển đổi USD sang VND có thể sẽ tiếp tục được diễn ra trong thời gian tới bổ sung nguồn cung ngoại tệ cho thị trường khi nắm giữ VND đang cho thấy có lợi hơn so với USD, do lãi suất USD bị kéo về 0 trong khi lãi suất VND có xu hướng tăng.

Thêm một yếu tố khác có thể giúp thị trường ngoại hối trong nước ổn định trong quý II được Bộ phận Nghiên cứu đưa ra, thị trường ngoại hối quốc tế dự báo chưa có thêm nhiều biến động mạnh. Mặc dù sự giảm giá của USD trong quý I vừa qua có thể là bước điều chỉnh ngắn hạn khi xét đến các yếu tố cơ bản như sự phục hồi của kinh tế Mỹ hay sự trái chiều trong chính sách tiền tệ của Mỹ và các quốc gia khác. Quá trình tăng lãi suất của FED chậm lại, nhưng FED vẫn đang trong xu hướng điều hành ngược với hầu hết các ngân hàng trung ương khác trên thế giới từ các nước phát triển (ECB, BOJ) hay các nước đang phát triển với chính sách nới lỏng tiền tệ, thậm chí là mạnh mẽ.

Tuy nhiên, với kỳ vọng đà tăng lãi suất của FED sẽ chậm lại trong năm 2016 và Ngân hàng Trương ương Trung Quốc không can thiệp phá giá mạnh CNY khi không đặt nặng mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu, thì có thể những biến động về thị trường quốc tế sẽ không quá mạnh như năm 2015.