Yếu tố quyết định thoát bẫy thu nhập trung bình
(Tài chính) Kinh tế Việt Nam bất ổn liên tục kéo dài 5-6 năm nay. Năm 2014-2015, doanh nghiệp (DN) muốn nhìn thấy kinh tế vĩ mô ổn định để tính toán kinh doanh. Bởi bất ổn vĩ mô thì mọi chính sách đều vô nghĩa. Do vậy, mối quan tâm của DN là những chính sách Chính phủ đang thực thi có hiệu quả.
Chuyển biến vĩ mô
Nhìn lại 5-6 năm vừa rồi, Việt Nam trải qua một thời kỳ bất ổn kéo dài mà trung tâm bất ổn là bóng ma lạm phát. Chính vì vậy, tâm lý chung sợ lạm phát dẫn đến chính sách không dứt khoát, khiến DN mất phương hướng. Năm 2014, Chính phủ nêu 4 vấn đề đã được giải tỏa:Thứ nhất, không để tái lạm phát. Dĩ nhiên lạm phát 6% cũng là lạm phát, nhưng sẽ không tăng cao vì yếu tố ảnh hưởng không còn. Như vậy chúng ta đã chuyển được từ lạm phát bị động sang lạm phát mục tiêu 6-7%.
Thứ hai, nếu một trong những bất ổn lo lắng nhất là ngân hàng thương mại thì hiện khả năng đổ vỡ, mất thanh khoản của các ngân hàng không còn, hiện chỉ còn cục nợ xấu đang tiếp tục xử lý. Chúng ta tin rằng lãi suất cao 15-20%/năm không còn nữa trong điều kiện lạm phát ổn định.
Thứ ba, dù kinh tế khó khăn xuất khẩu vẫn tăng 14-15%, thu được ngoại tệ; kiều hối đạt 11 tỷ USD và năm nay tiếp tục sẽ tăng; giải ngân FDI vẫn giữ bình thường và có thể tốt hơn. Tức có dòng tiền để ổn định tỷ giá.
Thứ tư, mặc dù trong 2 năm qua, nền kinh tế tăng trưởng 2 tốc độ, tốc độ tăng trưởng của DN trong nước thấp nhưng tốc độ DN FDI tăng trưởng tốt, song dù sao chỉ báo FDI cũng cho thấy, môi trường kinh doanh Việt Nam vẫn là môi trường có điều kiện phát triển.
Nói như vậy để thấy, kinh tế vĩ mô 2014 sẽ ổn định, đây là điều kiện tiên quyết để chúng ta tính chuyện mà Ngân hàng Thế giới (WB) đã nhận xét. Theo WB, quá trình hồi phục kinh tế thế giới chưa quá mạnh mẽ nhưng vững chắc hơn, dù rủi ro vẫn còn từ sự điều chỉnh chính sách của các nước giàu.
Chẳng hạn như gói QE3 của Hoa Kỳ, gói Abenomics của Nhật Bản. Để xử lý các vấn đề tài chính, nợ công của châu Âu và xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ của các nước trên thế giới theo hướng lãi suất cao hơn, việc tiếp cận tín dụng sẽ khó khăn hơn. Đồng thời, tăng trưởng tiềm năng của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, đang có xu hướng giảm dần.
WB cho rằng, nếu Việt Nam chỉ sử dụng công cụ chính sách tài khóa và tiền tệ sẽ không xử lý được vấn đề, cơ bản phải là tái cơ cấu, tái cấu trúc nền kinh tế. Thực tế, trải qua 6-7 năm liền, chúng ta chỉ sử dụng 2 công cụ tài khóa và tiền tệ, 2 công cụ này không thể giúp nền kinh tế Việt Nam hội nhập và thay đổi tiềm năng được. Do đó, vấn đề hiện nay là phải tập trung tái cơ cấu.
Đồng bộ các giải pháp
Từ 2 năm nay, tôi kiên trì một mục tiêu là có 3 nhóm chính sách phải xử lý đồng bộ là tài khóa, tiền tệ và điều chỉnh giá dịch vụ công gồm giá điện, giáo dục, y tế. Nếu 3 vấn đề này không đặt trong một phương trình để cùng giải sẽ loại trừ với nhau. Đây là điểm phải làm và tôi thấy Chính phủ cũng đang đặt trong một bài toán để xử lý, đó là giữ lạm phát mục tiêu 6-7%. Bởi 3 nhóm này xử lý đồng bộ sẽ không tăng lạm phát bất thường, từ giá dịch vụ công, không làm tổng cầu tăng.
Riêng về vấn đề thị trường bất động sản, có nhiều ý kiến hỏi rằng có cứu được không? Xin nói rằng, Nhà nước, Chính phủ không thể cứu được thị trường bất động sản và cũng không nên cứu. Chính phủ chỉ có thể hỗ trợ như gói ưu đãi lãi suất 30.000 tỷ đồng cho vay mua nhà. Tất cả chính sách đó tạo nên sự ổn định vĩ mô còn thị trường thì tự điều chỉnh.
Về nợ xấu, hiện có thông tin cho rằng nợ xấu của Việt Nam không dưới 15%. Thật sự tôi không quan tâm nhiều đến con số nợ xấu bao nhiêu %, bởi nếu dùng biện pháp kỹ thuật nợ xấu có thể lên cao. Vấn đề quan trọng là Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã xác định và ai cũng thấy nợ xấu đang là vấn đề lớn phải xử lý. Vấn đề nữa là nợ xấu gây ra 2 việc, làm nghẽn hệ thống tín dụng và là nguy cơ làm đổ vỡ hệ thống ngân hàng, nhưng thời điểm này so với năm 2011-2013 đã cải thiện nhiều.
Theo tôi, DN Việt Nam hiện nay phân thành 3 nhóm. Thứ nhất, những DN không thể nào phục hồi, không kỳ vọng phục hồi, với nhóm này cũng không nên để phục hồi. Thứ hai, (nhóm DN chiếm đa số), trong 3 năm rồi chống chọi được với thị trường, đang tồn tại và cần chính sách hỗ trợ để vượt qua.
Theo thống kê, năm 2013 có 13.000 DN đã vượt qua được, chuyển từ nhóm chống chọi và trở lại phát triển. Nhóm cuối cùng chính là những DN thời gian qua phát triển tốt và hiện nay đang thôn tính các DN khác. Cần nhìn như vậy để có chính sách tái cơ cấu làm lành mạnh hóa nền kinh tế.